Sự kiện - chuyên đề:

Xử kín ông Nguyễn Đức Chung để ‘đảm bảo giữ bí mật nhà nước’

Dư luận cho rằng vụ án được xử kín do ‘ông Nguyễn Đức Chung từng là chủ tịch UBND TP Hà Nội’. Tuy nhiên một lãnh đạo TAND TP Hà Nội khẳng định đây là cách hiểu sai, và nếu ai đưa ra như vậy là thông tin thất thiệt.

Ông Nguyễn Đức Chung sẽ được xét xử kín – Ảnh: NAM TRẦN

Xét xử kín nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự như xét xử công khai. Ngoài hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Ngày 11-12, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm trong vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Theo quyết định của tòa án, vụ án sẽ được xét xử kín.

Có rất nhiều ý kiến thắc mắc vì sao vụ án này lại được đưa ra xét xử kín. Lãnh đạo TAND TP Hà Nội nói gì về việc này?

Để đảm bảo giữ bí mật nhà nước

Liên quan đến luồng dư luận cho rằng vụ án được xử kín do có liên quan đến việc ông Chung từng là chủ tịch UBND TP Hà Nội, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo TAND TP Hà Nội khẳng định đây là cách hiểu sai và nếu ai đưa ra như vậy là thông tin thất thiệt.

“Không phải riêng vụ án này, trước đây có rất nhiều vụ án các bị cáo bị truy tố cùng tội danh như ông Chung đều được xét xử kín theo đúng quy định để đảm bảo giữ bí mật nhà nước”, lãnh đạo TAND TP Hà Nội nói.

Vị này cho biết thêm có nhiều tài liệu được xác định là tài liệu mật liên quan vụ án Nhật Cường đang trong quá trình điều tra nên theo quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước, vụ ông Nguyễn Đức Chung sẽ được xét xử kín.

Theo luật sư Trương Anh Tú, xét xử kín được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật có quy định về việc xét xử kín trong một số trường hợp. Việc xét xử kín nếu nhằm đảm bảo lợi ích của đương sự, bị cáo hay lợi ích của Nhà nước thì việc xét xử kín là rất cần thiết.

Cụ thể tại điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”.

Đối với vụ án ông Nguyễn Đức Chung, luật sư Tú nhận định trong trường hợp này các tài liệu bị các bị cáo chiếm đoạt là tài liệu trong quá trình điều tra vụ án Nhật Cường nên được xác định là tài liệu mật theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, TAND TP Hà Nội quyết định xử kín vụ án này là đúng luật.

Phải công khai kết quả

Theo lãnh đạo TAND TP Hà Nội, mặc dù xử kín nhưng phần tuyên án sẽ công khai và hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Khi công khai kết quả xét xử, báo chí sẽ được dự để đưa tin phần này.

Luật sư Ngô Thủy cho rằng việc tòa xét xử kín từ lâu đã không còn xa lạ nữa vì không chỉ những vụ liên quan lộ tài liệu mật, mà cả những vụ án cần bảo vệ đời tư của đương sự hay người phạm tội dưới 18 tuổi cũng thường được xử kín.

Mới đây, TAND TP Hà Nội cũng đưa vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ “nhôm”) và 2 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm. Đây là vụ án thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận và cũng đã được xét xử kín theo đúng quy định của pháp luật.

“Theo nguyên tắc chung về phương thức xét xử trong vụ án hình sự thì tòa án phải tiến hành xét xử công khai. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có một số trường hợp đặc biệt tòa sẽ tiến hành xét xử kín.

Cụ thể, xét xử kín sẽ được tòa áp dụng trong những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng phải tuyên án công khai. Đối với tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước mà ông Chung bị truy tố là một trong những trường hợp tòa có thể xem xét để tiến hành xét xử kín”, luật sư Thủy phân tích.

Luật sư Thủy cũng cho rằng quá trình xét xử phải kín nhưng kết quả phải được công khai cho mọi người. Song theo quy định thì bản án cũng chỉ được phép công khai phần quyết định, bởi lẽ việc công bố toàn bộ bản án sẽ trình bày hết các tình tiết vụ án. Sau khi đọc xong phần quyết định, hội đồng xét xử có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Có thể hiểu tòa sẽ chỉ công khai mức án và phần trách nhiệm dân sự (nếu có) đối với các bị cáo và người liên quan, không công bố nội dung vụ án cũng như hành vi phạm tội của các bị cáo.

Ông Chung được đề nghị giảm nhẹ hình phạt

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu vụ đánh cắp tài liệu điều tra đại án Nhật Cường. Cơ quan điều tra cho rằng từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2020, bị can Phạm Quang Dũng (cán bộ C03 Bộ Công an) 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu mật, nhiều lần photocopy tài liệu ngay tại cơ quan và mang về nhà.

Có lần Dũng đột nhập phòng làm việc của một trưởng phòng C03 bằng chìa khóa đánh trộm trước đó. Dũng đã 2 lần chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung 6 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “mật”.

Quá trình điều tra, ông Chung đã thừa nhận, khai báo hành vi phạm tội, ăn năn hối cải. Bị can nhiều lần được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có tiền sử bị bệnh ung thư, phạm tội lần đầu, được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và 2 điều 51 Bộ luật hình sự.

Theo TTO

Chia sẻ
15:07:05 02-12-2020

Dư luận cho rằng vụ án được xử kín do ‘ông Nguyễn Đức Chung từng là chủ tịch UBND TP Hà Nội’. Tuy nhiên một lãnh đạo TAND TP Hà Nội khẳng định đây là cách hiểu sai, và nếu ai đưa ra như vậy là thông tin thất thiệt. Xét xử kín nghĩa là […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi