Sự kiện - chuyên đề:

Xuân hướng tới phồn vinh, hạnh phúc

VHDN: Dân tộc ta, Tổ quốc ta, lịch sử đất nước ta trải qua hàng nghìn năm oanh liệt, kiên cường, quật khởi trong đấu tranh giải phóng giành độc lập, tự do. Kẻ thù nào đến xâm lược cũng bị đánh bại. Những kẻ bạo chúa, gian tham, bán nước, hại dân đều bị trừng trị để rồi phải “vào lò”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và phồn vinh, hạnh phúc luôn là khát vọng của cả dân tộc.

 

Mùa Xuân khởi đầu một năm mới, muôn hoa nở rộ đủ sắc màu; mùa trẻ hoá, đổi mới, bật dậy tuổi thanh xuân; những đàn chim én lượn cao vút trên bầu trời xanh mang thông điệp sức sống mới của vạn vật. Trục quay trái đất nghiêng dần về phía mặt trời, các giờ được chiếu sáng tăng dần lên chan hòa, lan toả muôn nơi khiến cho tiết trời ấm áp. Cây thôi lá rụng, nẩy lộc đâm chồi. Mùa Xuân biểu tượng cho sức sống mới, dạt dào khí thế mới, lòng người hân hoan, nụ cười rạng rỡ. Ấy là mùa của lễ hội, giao duyên, mùa sum họp đoàn tụ của mỗi gia đình; mùa của những người xa xứ trở về, hay hướng về cội nguồn dân tộc.

Dân tộc ta, Tổ quốc ta, lịch sử đất nước ta trải qua hàng nghìn năm oanh liệt, kiên cường, quật khởi trong đấu tranh giải phóng giành độc lập, tự do. Kẻ thù nào đến xâm lược cũng bị đánh bại. Những kẻ bạo chúa, gian tham, bán nước, hại dân đều bị trừng trị để rồi phải “vào lò”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và phồn vinh, hạnh phúc luôn là khát vọng của cả dân tộc. Từ mùa Xuân Giáp Ngọ (1930), Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối và tổ chức lực lượng cách mạng của phong trào yêu nước và giải phóng dân tộc.

Mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại đi tìm con đường cứu nước trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng, thời khắc vô cùng trọng đại để đi tới giành thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mùa Xuân năm 1946, Quốc hội đầu tiên ra mắt quốc dân đồng bào, ban hành Hiến pháp mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cả nước ào ào khí thế chuẩn bị lực lượng đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì, gian khổ. Mùa Xuân năm 1947, Đảng và Bác Hồ rời Thủ đô lên chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến, tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vào mùa Xuân 1954, giành độc lập lần thứ hai của đất nước trong thế kỉ XX.

Cứ mỗi mùa Xuân, Nhân dân ta lại được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Người dự báo thời cuộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu, hi sinh của toàn quân, toàn dân. Từ “đỉnh cao muôn trượng” Xuân Tân Sửu 1961, Xuân Mậu Thân 1968 đến mùa Xuân Quý Sửu năm 1973 kí kết Hiệp định Paris ngày 27/01 và mùa Xuân Ất Mão (1975) tổng tiến công nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai kéo dài 20 năm.

Thế rồi, đất nước ta trong thế bị bao vây, cấm vận, kinh tế – xã hội khủng hoảng, đời sống Nhân dân muôn vàn khó khăn. Mùa Xuân Bính Dần năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tìm ra con đường đổi mới toàn diện: “Đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, đổi mới tổ chức, cán bộ” vì “Vì Tổ quốc Việt Nam, vì hạnh phúc của Nhân dân”, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tìm ra lối thoát trong sự bế tắc, đặt nền tảng cho con đường thích hợp về sự phát triển đất nước.

Từ đó, ta có nhiều mùa Xuân, cả chuỗi mùa Xuân dồn dập gặt hái thắng lợi. Cứ vào mùa Xuân, đến nhiệm kì lại diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc, hoạch định chiến lược mang tầm vóc lịch sử, vạch ra con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mùa Xuân 2021, trong thời điểm khó khăn nhất, cam go nhất của đại dịch COVID-19 lan rộng toàn thế giới và trong nước, nền kinh tế của ta vẫn tăng trưởng dương (2,52%), đạt 3.000 USD cho một đầu người để rồi 3 năm sau – mùa Xuân Giáp Thìn năm 2024 tự hào công bố năm 2023 đạt tăng trưởng 5,05% với thu nhập quốc dân 430 tỉ USD, bình quân đầu ngườì đạt 4.280 USD/năm là một chiến tích mới, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Cùng với thắng lợi trên mặt trận kinh tế, nền “Ngoại giao cây tre” giành những thành tựu nổi bật chưa từng có. Với đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam làm bạn với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên nguyên tắc độc lập, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Đến nay, nước ta quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có 3 nước “quan hệ đặc biệt”: Lào, Campuchia, Cu Ba; 6 nước đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ; 12 quốc gia là đối tác chiến lược: Tây Ban Nha, Anh và Bắc Irland, Đức, Ytalia, Thái Lan, Indonexia, Singapore, Pháp, Malaixia, Philipines, Auxtralia, New Zealand và nhiều nước khác ở khắp năm châu là đối tác toàn diện. Từ nền “Ngoại giao cây tre”, sự hợp tác cùng phát triển giữa nước ta và các nước được đẩy mạnh: Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 683 tỉ USD (xuất siêu 28 tỉ USD), đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay với vốn thực hiện hơn 23,6 tỉ USD,v.v…

Năm 2024, bắt đầu từ mùa Xuân Giáp Thìn! Là năm thứ 4 của kế hoạch 5 năm (2021-2025), cả nước quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo phương châm ưu tiên điều hành nền kinh tế, phát huy động lực, nguồn lực, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu GDP đạt 6 – 6,5% (bình quân đầu người 4.700 – 4.730 USD), gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn đi đôi với phát triển văn hoá, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực… nâng tầm tiềm lực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế…

Nhân dân ta, đất nước ta đang hướng tới những mùa Xuân phồn vinh, hạnh phúc!

 

Kim Quốc Hoa

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1&2/ 2024)

10:03:39 29-01-2024

VHDN: Dân tộc ta, Tổ quốc ta, lịch sử đất nước ta trải qua hàng nghìn năm oanh liệt, kiên cường, quật khởi trong đấu tranh giải phóng giành độc lập, tự do. Kẻ thù nào đến xâm lược cũng bị đánh bại. Những kẻ bạo chúa, gian tham, bán nước, hại dân đều bị […]

Đối tác của chúng tôi