Ông Đỗ Thành Lễ (nguyên đơn) là em ruột bà Đỗ Thị Vệ (bị đơn), có cha là cụ Đỗ Văn Thông (chết năm 2000) và mẹ là cụ Nguyễn Thị Bừng (chết năm 1976). Ông Lễ kiện bà Vệ, tranh chấp thửa đất 12.297,5 m2 (đất lúa) và thửa đất 1.938m2 (đất vườn và đất ở gắn liền căn nhà cấp 4 diện tích 57,1m2) tại ấp Lâm Vồ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Ngày 01/10/2014 ông Lễ khởi kiện ra tòa “yêu cầu chia tài sản chung của cha mẹ” vì cho rằng các thửa đất này là do ông bà nội để lại cho cha mẹ ông và bà Vệ, chưa làm thủ tục cấp GCN QSDĐ. Ông Lễ cũng khẳng định, năm 2001 ông xây căn nhà cấp 4 có diện tích 27,3m2 và năm 2003 trồng 160 cây cao su trên toàn bộ diện tích đất 1.938m2.
Ngược lại, bà Vệ khẳng định rằng hai thửa đất này được bà khai phá từ năm 1976. Cụ thể, thửa đất 12.297,5m2 (đất lúa, thửa số 815, tờ bản đồ số 33) GCN QSDĐ số H03573/ QĐ-UB ngày 09/5/2008. Thửa đất 1.938m2 (đất vườn và đất ở gắn liền căn nhà cấp 4 diện tích 57,1m2) thuộc thửa số 425, tờ bản đồ số 18, (GCN QSDĐ số H03974/QĐ-UB cấp ngày 15/6/2009), hai thửa đất trên đều được UBND huyện Dầu Tiếng cấp, đứng tên bà Đỗ Thị Vệ.
Nhiều hóa đơn nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 1995 mà bà Vệ cho rằng Tòa án đã “phớt lờ” không xem xét.
Ngày 24/8/2016 tại phiên tòa (sau đây gọi là sơ thẩm lần 1 – p/v), TAND tỉnh Bình Dương “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện” của ông Đỗ Thành Lễ và ban hành Quyết định số 19/2016/DS-ST, theo đó thửa số 425, tờ bản đồ số 18 có diện tích đất 1.955m2 (theo diện tích xác định lại) được chia đều cho ông Lễ và bà Vệ. Cụ thể, ông Lễ được chia diện tích đất 977,5m2 (gồm 150m2 đất thổ cư và 827,5m2 đất vườn, trên đất có căn nhà 27,2m2). Bà vệ được chia diện tích đất 977,5m2 (gồm 150m2 đất thổ cư và 827,5m2 đất vườn, trên đất có căn nhà 57,1m2 và các công trình phụ). Ngoài ra, bà Vệ phải bồi hoàn cho ông Lễ số tiền 85.845.375 đồng (gồm giá trị 74 cây cao su, tiền phần trăm giá trị căn nhà 57,1m2, cộng với mái hiên nhà bằng tôn). Tòa kiến nghị UBND huyện Dầu Tiếng thu hồi GCN QSDĐ số H03974/QĐ-UB ngày 15/6/2009 do bà Đỗ Thị Vệ đứng tên. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong.
Do bản án sơ thẩm lần 1 bị kháng cáo, ngày 06/12/2017 TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm công khai việc “tranh chấp chia tài sản chung” giữa ông Lễ và bà Vệ. Nhận định thủ tục tố tụng thuộc quyền của TAND tỉnh Bình Dương nên Tòa án cấp cao chỉ chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bà Vệ và ông Lễ; xem xét một số vấn đề liên quan. Trong đó nội dung ngày 12/12/2014 bản tự khai của bà Vệ có nêu “nhiều lần kêu ông Lễ về chia đất nhưng ông Lễ không nhận”, từ chứng cứ nêu trên cấp sơ thẩm xác định nguồn gốc đất là của cha mẹ bà Vệ, ông Lễ. Ngoài ra trong lời khai của các nhân chứng cũng xác định đất tranh chấp có nguồn gốc của ông Thông, bà Bừng. Tuy nhiên bà Vệ nêu ý kiến, bản tự khai đã bị làm sai lệch với lý do “chỉ có trang cuối là có chữ ký của tôi”. Lời khai của các nhân chứng cũng mâu thuẫn với những xác nhận trước đó nên bà Vệ đã đề nghị tòa xem xét lại.
Tòa nhận định trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm đã không thu thập đầy đủ các chứng cứ để xác định tài sản, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, tài sản gắn liền với đất cũng như việc quyết định cấp GCN QSDĐ của UBND huyện Dầu Tiếng. Do vậy Tòa ra Quyết định số 296/2017/DS-PT “Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2016/DS-ST ngày 24/8/2016 về việc “Chia tài sản chung” của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm”.
Tại phiên tòa xét sử sơ thẩm lần 2, ngày 28 và 29/11/2018, đại diện của bà Vệ lập luận “Nếu nguyên đơn cho rằng đất là di sản do cụ Thông để lại thì phải khởi kiện chia thừa kế, tuy nhiên thời hiệu chia thừa kế đã hết” (căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015). Ngoài ra các biên lai đóng thuế sử dụng đất từ năm 1995 để chứng minh bà Vệ là chủ sử dụng đất hợp pháp, cũng cần được xem xét. Bà Vệ cũng đưa ra những chứng cứ liên quan đến việc xây dựng và sửa chữa nhà, qua các giấy xác nhận từ các nhân chứng và chính quyền địa phương, khẳng định căn nhà cấp 4 có diện tích 57,1m2 được bà xây dựng vào năm 1993, sửa chữa năm 2015.
Bà Vệ với tập đơn và tài liệu chứng minh hai thửa đất đang tranh chấp thuộc về mình.
Mặc dù Tòa án cấp cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm lần 1, tuy nhiên vẫn được dùng để làm căn cứ giải quyết và tuyên y bản án sơ thẩm lần 1 bằng quyết định Bản án Sơ thẩm số 13/2018/ DS-ST ngày 29/11/2018. Với tình tiết này, bà Vệ cho rằng phiên tòa không khách quan và xem thường quyết định của TAND cấp cao.
Theo đó, bà Vệ đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm và yêu cầu hủy bản án sơ thẩm, đồng thời kháng nghị theo thủ tục tái thẩm để vụ án được giải quyết lại một cách đúng đắn. Tuy nhiên bà bị bác đơn do hết thời hạn kháng cáo. Nguyên nhân là trong quá trình xét xử và bàn giao Bản án cho đương sự không đúng quy định làm cho bà Vệ (bị đơn) bị mất đi cơ hội thực hiện quyền kháng cáo đúng thời hạn. Từ sai phạm trên dẫn đến việc thẩm phán Đoàn Hoài Trí và thư ký Nguyễn Minh Hoàng đã bị xử lý kỷ luật theo quy định.
“Tất cả rõ ràng như vậy nhưng thẩm phán đã phớt lờ những chứng cứ tôi đưa ra và cũng không hiểu động cơ gì khiến ông thẩm phán gây trở ngại trong việc giao gửi bản án, làm mất đi quyền kháng cáo của tôi?” – Bà Vệ chia sẻ.
Từ vụ việc tranh chấp giữa ông Đỗ Thành Lễ và bà Đỗ Thị Vệ, không chỉ là một cuộc tranh chấp quyền sử dụng đất, mà còn cho thấy đây là một biểu hiện đáng lo ngại về sự suy giảm trong quan hệ văn hóa ứng xử gia đình. Điều này phản ánh những vấn đề sâu xa hơn trong xã hội, cần được xem xét lại bởi một phiên tòa “thấu tình đạt lý” cho sự việc và cả lương tâm và trách nhiệm của những người “cầm cân nảy mực” cũng như giữa nguyên đơn và bị đơn.
YPHONG – ĐỨC TÀI
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 4/2025)
VHDN: Vụ án tranh chấp quyền sử dụng hai thửa đất, cùng với căn nhà cấp 4 giữa hai chị em ruột ở huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), mâu thuẫn về lời khai của nhân chứng, nhiều chi tiết quan trọng bị cho là “phớt lờ”, đã trở thành vụ kiện phức tạp. Mặc […]