Sự kiện - chuyên đề:

Ý nghĩa thời đại và bài học lịch sử của thắng lợi cách mạng tháng tám năm 1945

VHDN:  Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

cách mạng tháng 8 năm 1945 _ ảnh tư liệu nguồn internet)

Tầm vóc thời đại và ý nghĩa thực tiễn

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân, phát huy cao nhất truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc đã được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta và quốc tế sâu sắc, Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự phối hợp hiếm thấy giữa cuộc đấu tranh giành độc lập của một dân tộc thuộc địa với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống phát xít, đặc biệt là với cuộc tấn công của phe đồng minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít để kết thúc cuộc Thế chiến lần thứ hai.

Cách mạng Tháng Tám trước hết, là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bởi vì nó đã kết thúc chế độ thuộc địa trên 80 năm của thực dân Pháp cũng như chế độ bóc lột cực kỳ tàn bạo của phát xít Nhật đã được áp đặt từ năm 1940 đến năm 1945 trên đất nước Việt Nam. Bằng cuộc Cách mạng, nhân dân Việt Nam đã chấm dứt cuộc đời nô lệ, đã đưa hai chữ Việt Nam trở lại trên bản đồ thế giới mà chủ nghĩa thực dân phát xít đã xoá bỏ suốt gần một thế kỷ. Đây thực sự là một cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam, được huy động lực lượng của toàn dân để tiến hành khởi nghĩa từng nơi, từng phần và đi đến đỉnh cao thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân, toàn quốc vào Tháng Tám năm 1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, vì nó còn làm nhiệm vụ xoá bỏ chế độ phong kiến đã được thiết lập hàng nghìn năm ở Việt Nam, nhằm đem lại ruộng đất cho dân cày, dân chủ cho nhân dân. Nhà vua cuối cùng của chế độ phong kiến là Bảo Đại đã tuyên bố từ chức, trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng ngay trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám. Chính những mục tiêu dân tộc và dân chủ đã lôi cuốn các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trước hết là công, nông và mọi người lao động chân tay và trí óc tham gia cách mạng, tạo nên lực lượng vô cùng to lớn để đưa cách mạng đến thắng lợi. Nhưng nhiệm vụ phản đế đã được đặt lên hàng đầu để tập trung lực lượng của cả dân tộc vào việc đánh đổ chế độ thực dân phát xít, còn nhiệm vụ phản phong kiến với nội dung là đem lại ruộng đất cho dân cày, dân chủ cho nhân dân lại được rải ra để làm, sau khi chính quyền cách mạng đã được thành lập.

Cách mạng Tháng Tám là một bài học lịch sử, đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Đại biểu cho cả dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 là “những tư tưởng bất hủ”, những “lẽ phải không ai chối cãi được”. Nhưng dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc. Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam đã chiến đấu chống thù trong giặc ngoài suốt 30 năm liền, vượt qua muôn vàn hiểm nguy, có khi như “ngàn cân treo sợi tóc” để bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, để giành thắng lợi từng bước và đi đến thắng lợi cuối cùng. Cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân Việt Nam, theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, đã góp phần quan trọng vào việc làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu cho sự thất bại của chủ nghĩa thực dân mới trong thế kỷ XX.

Những bài học lịch sử

  1. Một là, bài học về xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp của Đảng Cộng sản Việt Nam;
  2. Hai là, bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ;
  3. Ba là, bài học về xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung;
  4. Bốn là, bài học về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học phân hoá kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc;
  5. Năm là, bài học về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi hoàn toàn cho một cuộc cách mạng.

Thời đại mới mà Cách mạng Tháng Tám 1945 mở ra đã đi tiếp một chặng đường dài hơn 70 năm qua với nhiều mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám 1945, tầm vóc thời đại, ý nghĩa thực tiễn và những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đặt ra cho toàn Đảng và dân tộc ta nhiều vận hội mới, thời cơ mới, nhưng cũng đan xen nhiều thử thách, khó khăn. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi tầng lớp xã hội vào cuộc chiến đấu xóa đói, giảm nghèo nàn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trung tướng Lê Văn Hân

 Nguyên Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam

Chủ tịch Hội HTGĐ Liệt sĩ Việt Nam

Chia sẻ
20:50:44 09-08-2018

VHDN:  Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi