Sự kiện - chuyên đề:

Chính phủ dành 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho biết: Tính đến hết năm 2023, Chính phủ đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

 

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2023 và quý I/2024. Đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình KTXH những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024, trong đó, về kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023; đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây[4]. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá.

Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Phát triển kết cấu hạ tầng KTXH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia; trong đó khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt (30 km), Cam Lâm – Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; có 110/111 quy hoạch đã hoàn thành viêc lập, thẩm định, phê duyệt; hầu hết quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh được phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện, đặc biệt là đã phê duyệt toàn bộ 06 quy hoạch vùng KTXH và trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. Quan tâm phát triển thị trường lao động ngoài nước. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tập trung triển khai các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được triển khai tích cực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, người nước ngoài.

Tổ chức triển khai Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, không ngừng, không nghỉ và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác thu hồi tài sản cho nhà nước, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

 

Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận

16:14:15 28-05-2024

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho biết: Tính đến hết năm 2023, Chính phủ đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.   Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê […]

Đối tác của chúng tôi