Sự kiện - chuyên đề:

Để nông nghiệp ‘cất cánh’ trong tổng thể phát triển quốc gia

Trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam mới ‘dịch vụ hóa’ nền kinh tế chứ chưa phải ‘công nghiệp hóa, hiện đại hóa’ đồng bộ.

Đánh giá đúng vai trò, tiềm năng của tri thức là quyết sách đúng đắn để phát triển nông nghiệp.

Kinh nghiệm từ các quốc gia, dân tộc phát triển, và từ vị thế và tiềm năng đất nước cho thấy, muốn phát triển nhanh, bền vững, chúng ta không thể không đổi mới tầm nhìn chiến lược, chuẩn bị toàn diện các điều kiện cần và đủ, để thực hiện một cuộc “cất cánh” của nền kinh tế, vừa đẩy lùi “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế” so với các nước trong khu vực và thế giới, vừa thực sự làm “giá đỡ” vững chãi cho cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế với gia tốc mới.

Trong cuộc phát triển chiến lược ấy, vốn là là một quốc gia nông nghiệp đang chuyển mình công nghiệp hóa, thì nông nghiệp sẽ đứng ở đâu, cần phát triển như thế nào?

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam xem thế kỷ XXI chưa thực sự là “thế kỷ của đại dương”. “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nên mãi tới ngày 9/2/2007 mới ra đời, nghĩa là đã quá muộn màng, với quan điểm phải đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển… thì thiên hạ đã cả gan lấn chiếm và lộng hành quần thảo bất chấp pháp lý quốc tế đối với biển, khiến bao phen Biển Đông nổi sóng.

Thực tiễn đó cũng chỉ ra, chúng ta coi một trong những quốc sách hàng đầu là phát triển nông nghiệp là đúng, song nhất định phải gắn với biển và kinh tế biển. Và đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp trong tổng đầu tư ngân sách quốc gia phải thực sự ngang tầm.

Nhưng, trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2017, vốn đầu tư toàn xã hội cho ngành nông lâm thuỷ sản khoảng gần 390.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Chúng ta chọn tới 19 ngành công nghiệp làm mũi nhọn, nhưng như thế là quá “ôm đồm”, thậm chí không thấy gì làm mũi nhọn, bởi tất cả đều nhọn, lại rất ít liên quan một cách tương xứng với nông nghiệp. Do đó, công nghiệp hóa nông nghiệp đã không như mong đợi.

Phải thẳng thắn thừa nhận, đó là tư duy của người “bán tạp hóa” làm chiến lược; và chiến lược lại được trình bày như kiểu viết tiểu thuyết chương hồi “đầy mơ mộng”, đã tới lúc, nếu không nói là quá muộn, cần phải từ bỏ.

Trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ chưa phải “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” đồng bộ. Nó là hậu quả trực tiếp khiến cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 đã dừng trên giấy. Nghĩa là mục tiêu đã chậm thêm tối thiểu 10 năm.

Tất cả điều trên, tôi cốt muốn nói về nông nghiệp Việt Nam: vị thế, thực tiễn và tiền đồ của nó đối với cuộc cất cánh kinh tế đất nước hiện nay và trong tầm nhìn tối thiểu 10 năm tới.

***

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Là một quốc gia biển, Việt Nam không thể không đứng vững trên lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh này. Là một quốc gia nông nghiệp, với 100 triệu dân, thì “nông vi bản” phải vững mạnh và gắn chặt với biển, làm “đường băng” để đất nước cất cánh.

Đó phải là chiến lược phát triển mang tầm nhìn thế kỷ, không chỉ về kinh tế mà rộng và sâu hơn mệnh hệ tới chính trị là độc lập chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội căn bản.

Phát triển kinh tế biển bền vững là yêu cầu tất yếu mang tầm chiến lược.

Phát triển kinh tế biển bền vững là yêu cầu tất yếu mang tầm chiến lược.

Phải chăng là:

Thứ nhất, phát triển xứng tầm kinh tế biển: hướng ra biển, phát triển biển và lấy biển là tương lai để phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững quốc gia. Đó là một tất yếu mang tầm chiến lược cho cả trăm, nghìn năm sau.

Nhưng tiếc rằng, chỉ mới hơn hai thập kỷ gần đây chúng ta mới dành sự chú ý và đầu tư một cách tương đối hệ thống, mạch lạc, dù còn rất xa mới tương xứng, cho vấn đề này về mặt thực tiễn, trong khi các nước có biển và thậm chí không có biển ở khu vực và trên thế giới đã đi trước nhiều bước mạnh mẽ.

Không hướng ra biển, dựa vào biển, bảo vệ biển và phát triển bền vững biển, thì không chỉ là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bị buông lơi mà nền kinh tế đất nước sẽ lâm vào những bước đi ngắn hạn, thậm chí khập khiễng, lệch lạc và tự bao vây, cùm trói mình. Rốt cuộc, tới lượt nó, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biển đảo máu thịt của Tổ quốc, vô hình trung, bị xâm phạm, thậm chí tự mình xâm hại.

Những vấn đề nóng bỏng trên Biển Đông và chủ quyền bất khả xâm phạm của chúng ta ở trong đó hơn 40 năm qua và mấy năm gần đây đã cho thấy sự bức thiết mang tầm chiến lược phát triển từ biển, an ninh vì biển của đất nước.

Coi nhẹ biển và kinh tế biển là đi vào ngõ cụt hay tự chặt cụt chân mình trong việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện tương xứng với tiềm năng. Đó là một “chân” của nền kinh tế quốc gia, để bước ra thế giới.

Theo đó, thứ hai, gắn bó hữu cơ một cách tự nhiên với biển là, xây dựng nền nông nghiệp tinh hoa, nông nghiệp xanh, theo hướng công nghiệp hóa vì biển, phù hợp với biển và bền vững cùng biển khi sự biến đổi khí hậu chi phối tất cả cuộc sống hiện nay.

Đây là một hướng suy nghĩ tất yếu và hành động tập trung. Vì, không như thế không thể nói tới một nền nông nghiệp có cơ cấu phù hợp, phát triển trong chuỗi giá trị toàn cầu, đầy sức cạnh tranh, mang tính bền vững, khi sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng mặn hóa, sa mạc hóa ven biển… đang đe dọa nền nông nghiệp nước nhà. Và, khi đó, càng không thể nói nói tới vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp một cách tất yếu, khả thi và hiệu quả.

Dự báo trong 20 năm tới, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực phát triển căn bản với nước ta. Nông nghiệp gắn với biển cũng là gắn với ngành “công nghiệp xanh”, “công nghiệp không có khói” chính là công nghiệp du lịch, mà nông nghiệp giữ vị trí “quốc bản”, “vi thiên”.

Nói xác đáng, xa rời biển, lãng phí biển, tách kinh tế biển với kinh tế nông nghiệp xét trên mọi chiều cạnh ở đây, là một sai lầm chết người. Vì cái “chân” thứ hai của nền kinh tế quốc gia, vô hình đã bị chặt cụt! Chẳng hạn, chưa bao giờ như bây giờ, mới đây, tới nước ngọt cũng trở thành “con bài chính trị”, “mặc cả chính trị”, khi tình trạng mặn hóa đe dọa Đông Nam Á, trong đó có nước ta.

Do đó, để phát triển một nền nông nghiệp tinh hoa lúc này và trong cả thế kỷ XXI không thể không là một nền nông nghiệp công nghiệp hóa, phát triển tương dung và hài hòa với tình trạng biến đổi khí hậu, nước lũ thất thường, với nước biển dâng, với mặn xâm nhập và sa mạc hóa đất nông nghiệp.

Điều tệ hại này đang lan khắp duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố năm 2016, xác định nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng 100cm đến năm 2100.

Trong kịch bản trên, khoảng 17,8% diện tích thành phố Hồ Chí Minh; 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nguy cơ bị ngập; cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Riêng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên thực tế, hiện có chỗ hạ, chỗ nâng đan xen, đặc biệt một số khu vực ở các tỉnh Long An, An Giang nâng lên rõ rệt. Trong khi đó, khu vực tỉnh Bạc Liêu hạ nhiều nhất….

Liệu chúng ta có thể không cấp bách cơ cấu lại ngành nông nghiệp; không đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; không tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông, thủy sản sau thu hoạch; không sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường; không mở rộng, phát triển thị trường không?

Liệu chúng ta không bằng mọi giá giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm từ nông nghiệp; không hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; không sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa; không sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản không?…

Dù theo kịch bản nào cũng rất đáng lo ngại. Do đó, an ninh môi trường sinh thái trong phát triển nông nghiệp nói riêng, rộng ra là một nền kinh tế phù hợp với phát triển kinh tế nông nghiệp gắn bó hữu cơ với biển phải được đặt ra cấp bách và giải quyết đồng bộ mang tầm chiến lược và hiệu quả.

Sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Chỉ có như vậy mới có một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm chiến lược an ninh lương thực bền vững cho 100 triệu người, rộng ra là bảo đảm an ninh kinh tế, nền móng của an ninh chính trị, an ninh quốc phòng; mới nói tới đẳng cấp của nền nông nghiệp; mới xác lập được lợi thế cạnh tranh, mà rất lâu nay chúng ta chưa làm được như mong muốn và ngang tầm lợi thế của một quốc gia nông nghiệp, một đất nước của biển.

Dù để đổi thay một nền nông nghiệp hiện tồn theo hướng đó có thể là một cuộc “vượt cạn” về hành động, nhưng quyết định ở chỗ cuộc “thoát thai” về tư duy… nhưng tất yếu phải thực thi, nếu muốn phát triển bền vững, khi có nhiều thời cơ và thách thức khách quan đã hoàn toàn thay đổi ngoài mong muốn.

Nhìn vào cơ cấu nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020, khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% so với cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%… càng thấy cần nghiêm khắc suy nghĩ về điều đó.

Thứ ba, nói tới phát triển nông nghiệp, kinh tế biển không thể không nói tới công nghiệp hóa các lĩnh này. Lựa chọn phát triển công nghệ cao trước hết và trực tiếp làm động lực cho công nghiệp dịch vụ nông nghiệp.

Chúng ta không thể không đột phá, mở lối đi thẳng vào phát triển khoa học công nghệ, trước hết là công nghệ cao. Đây là cái then mở cửa để gia nhập nhanh và sâu vào nền kinh tế thế giới hiện đại; là con đường ngắn nhất để định vị mới, tạo lập thương hiệu cho nền nông nghiệp Việt Nam; là động lực quan trọng tiếp tục phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường trên lĩnh vực này.

Nhưng, công nghệ cao không bất biến, nên phải lấy giá trị phát triển làm đầu tiên và cốt lõi, bảo đảm tương dung với chuỗi giá trị toàn cầu. Tức là đẳng cấp của nền nông nghiệp. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; nhất là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD – kỷ lục xưa nay.

Nhưng sự tham dự của công nghiệp với nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp trong sản xuất của nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu từ nông nghiệp đã thực sự trở thành chuỗi giá trị và xứng đáng với tiềm lực chưa? Vì thế công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, cần cấp bách nhận thức lại và ưu tiên xứng đáng.

Mặt khác, phát triển mạnh mẽ công nghiệp dịch vụ kinh tế biển và du lịch trong thế liên thông tổng thể với kinh tế nông nghiệp, dựa trên nền tảng công cụ kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Đây là sự lựa chọn với lợi thế của nước đi sau và thực sự phù hợp với chúng ta. Công nghiệp dịch vụ chính là phương tiện để nền nông nghiệp có thể “đi” khắp thế giới, là hướng đi phù hợp với đất nước ta; và thu hút thế giới “đến” với Việt Nam, qua nông nghiệp.

Dự báo năm 2025, đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3 – 3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới.

Thách thức đó đòi hỏi, cần có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay; 35.000 hợp tác xã nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay; để làm nòng cốt trong cuộc cơ cấu lại nông nghiệp; hơn 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.

***

Những tiền đề và lợi thế tự nhiên về địa – chính trị, địa – kinh tế…. mang tầm chiến lược của đất nước, những điều kiện thời đại mang lại, hoàn toàn cho phép chúng ta thực thi những trọng sự đó một cách căn bản và xứng tầm.

Nó không chấp nhận tình trạng “khoanh vùng cục bộ”, khép kín, rời rạc hay “kinh tế ngành cát cứ” một cách thiển cận, bản vị, phường hội, chi phối bởi “lợi ích nhóm” và các nhóm lợi ích, vô hình trung “xẻ thịt” và “băm nát” nền kinh tế thống nhất, vô hình xâm hại sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Vấn đề quan trọng là, hoạch định lộ trình chiến lược từ các vùng kinh tế tới tổng thể nền kinh tế quốc gia, lựa chọn phương thức thực thi và xác định nhịp độ phù hợp phát triển nông nghiệp, không thể nôn nóng, nhưng càng không thể chậm chạp. Tất cả phải tuân thủ dưới sự điều hành của “nhạc trưởng” trên tầm vĩ mô và chiến lược – Nhà nước.

Vì thế, phải chăng từ 19 ngành công nghiệp dàn trải và thiếu đột phá, nên chăng hướng vào việc kiến tạo và phát triển 5 ngành xứng đáng là mũi nhọn: 1- Công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; 2- Công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển (nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hàng hải…); 3- Công nghiệp dầu khí; 4- Công nghiệp “xanh” – “không có khói”; và 5- Công nghiệp tin học điện tử.

Đó cũng chính là con đường phát triển của nông nghiệp trong tầm nhìn 2025 và xa hơn nữa.

Theo NN

14:18:03 09-12-2020

Trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam mới ‘dịch vụ hóa’ nền kinh tế chứ chưa phải ‘công nghiệp hóa, hiện đại hóa’ đồng bộ. Kinh nghiệm từ các quốc gia, dân tộc phát triển, và từ vị thế và tiềm năng đất nước cho thấy, muốn phát triển nhanh, bền vững, chúng ta […]

Đối tác của chúng tôi