Sự kiện - chuyên đề:

Đưa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp vào cuộc sống

Năm Đinh Dậu vừa qua, năm Mậu Tuất đã tới. Sau hơn một năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ (10/11/2016 – 10/11/2017) về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự được Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thực hiện thắng  lợi Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Nhân dịp Năm mới, Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh việc triển khai Cuộc vận động này.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam

Sau hơn một năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10/11 là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội đã tổ chức triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Anh Tuấn: Nhân dịp năm mới 2018, thay mặt Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam, tôi xin gửi tới cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, cùng bạn đọc, Ban Biên tập, phóng viên, công nhân viên  của  Tạp  chí  Văn  hoá  Doanh nghiệp Việt Nam những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất, chúc sức khoẻ, hạnh phúc, may mắn, phát đạt và thành công.

Như chúng ta đã biết, ngày 7/11/2016, tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng  Chính  phủ  lấy  ngày  10/11 hàng năm là Ngày Văn hoá Doanh nghiệp  Việt  Nam,  Thủ  tướng  đã chính thức phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong cả nước và giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai.

Nhận thức sâu sắc rằng đây là sự tin tưởng của Người đứng đầu Chính phủ, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đồng thời là trách nhiệm, vinh dự của Hiệp hội, tập thể Lãnh đạo Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần chủ động và quyết tâm cao đã từng bước thực hiện nhiệm vụ được giao một cách bài bản, đồng bộ và có hệ thống.

Về quan điểm, văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ và của cải vật chất cho xã hội. Việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, là một quá trình có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành lâu dài, kiên trì và khoa học với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trước hết là nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp vì lợi ích lâu dài và sự phát triển bền vững của chính họ và cộng đồng.

Về  phương  pháp,  Cuộc  vận  động sẽ được triển khai theo hai hướng. Một  là,  Hiệp  hội  Phát  triển  Văn hóa  Doanh  nghiệp  Việt  Nam  phối hợp  chặt  chẽ  với  chính  quyền  các địa phương để phổ biến và nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trên địa bàn về sự cần thiết phải xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Hai là, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các  chuyên  gia,  nhà  quản  lý,  hội, hiệp hội xã hội – nghề nghiệp tiến hành công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn đối với các doanh nghiệp, qua đó động viên cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Tinh thần chủ đạo là việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp và việc lựa chọn, tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc về văn hóa doanh nghiệp là “sân chơi chung” của cộng đồng doanh nghiệp, do các doanh nghiệp tự nguyện và chủ động tiến hành.

Với quan điểm, phương pháp và tinh thần đó, trong một năm qua, Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung thực hiện một số công việc chủ yếu sau:

  • Xây dựng Đề án thực hiện Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và Chương trình hành động triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
  • Thông qua các phương tiện thông tin  đại  chúng  tuyên  truyền,  giới thiệu rộng rãi về chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng  cao  nhận  thức  về  văn  hoá doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
  • Tổ chức Diễn đàn “Văn hoá doanh nghiệp – nền tảng phát triển bền vững” tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.
  • Phối hợp với UBND Thừa Thiên Huế tổ chức triển khai (thí điểm) Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam đối với các doanh  nghiệp  hoạt  động  trên  địa bàn tỉnh, qua đó tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.
  • Xây dựng Đề án (thường niên) tổ chức Festival Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam vào dịp Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam 10/11 hằng năm.
  • Chuẩn bị các điều kiện để bầu chọn, tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp văn hoá tiêu biểu” lần đầu tiên vào Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam 10/11/2018 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Tổ chức 9 hội nghị với sự tham gia của đại diện các hội, hiệp hội ngành nghề, chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, giới truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp… tại các địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Đắk Lắk, Đồng Tháp… để tuyên truyền, giới thiệu về ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng phát động, đồng thời lấy ý kiến đóng góp cho Bộ tiêu chí Văn hoá doanh nghiệp và Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp văn hoá tiêu biểu”.

  • Ban hành Bộ tiêu chí Văn hoá doanh nghiệp và Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp Văn hoá tiêu biểu”.
  • Bổ nhiệm Đại sứ Văn hoá doanh nghiệp của Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam.
  • Trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.
  • Ra mắt Tạp chí Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam là cơ quan thông tin, tuyên tuyền của Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.
  • Tổ chức thử nghiệm Festival Văn hoá  Doanh  nghiệp  Việt  Nam  năm 2017 với chủ đề “Bản sắc và hội nhập”.

Thời gian hơn một năm qua mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình lâu dài triển khai công cuộc xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực cao độ để đặt những nền móng vững chắc cho hoạt động của Hiệp hội và việc triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nhìn  lại  sau  hơn  một  năm  triển khai, ông đánh giá như thế nào về sự đồng thuận và phối hợp của cấp ủy và chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, trong triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Hồ Anh Tuấn: Xin lấy Thừa Thiên Huế làm một điển hình. Khi Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp  Việt  Nam  đặt  vấn  đề  với lãnh đạo tỉnh đề nghị phối hợp triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ủng hộ rất nhiệt tình và nhận trách nhiệm chỉ đạo các sở, ban, ngành, Hội Doanh nghiệp  của  Thừa  Thiên  Huế  vào cuộc. UBND tỉnh và Hiệp hội đã kí Kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh bao gồm 5 chương trình với lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể, thành lập Tổ công tác chung, tổ chức hội nghị triển khai với các thành phần là các sở, ban, ngành, hội xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp.

Qua thực tế triển khai ở Thừa Thiên Huế, Hiệp hội sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng cách làm với các địa phương khác trong cả nước. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, ở đâu được cấp uỷ và chính quyền địa phương chỉ đạo, tạo điều kiện, hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tham gia tích cực thì việc triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ thành công.

Điều cần đặc biệt nhấn mạnh là vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chính của Cuộc vận động;  nếu họ không nhận thức được lợi ích lâu dài của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tự nguyện và tích cực tham gia, công cuộc xây dựng văn hoá doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, trở nên hình thức hoặc thậm chí có thể thất bại. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực là doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế đất nước không thể phát triển bền vững và hội nhập quốc tế một cách hiệu quả. Qua 9 hội nghị tổ chức tại các địa phương để tuyên truyền, quảng bá về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu và lấy ý kiến xây dựng Bộ tiêu chí Văn hoá doanh nghiệp và Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp văn hoá tiêu biểu”, rất mừng là các doanh nghiệp, các hội doanh nghiệp, doanh nhân đều rất quan tâm và tích cực tham gia. Đây là điều kiện cần thiết hàng đầu để bảo đảm triển khai thành công Cuộc vận động.

Để Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được những mục tiêu đã đề ra, cộng đồng doanh nghiệp  cần  vượt  qua  những  khó khăn gì, đồng thời phải biết phát huy những yếu tố thuận lợi nào?

Ông Hồ Anh Tuấn: Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp vừa là nhu cầu tự thân, mang tính nội tại của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế vừa phù hợp với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp đã được xác định ngay trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 10/NQ-TW về “Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân”, trong nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

“Xây dựng và triển khai rộng rãi các chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, làm tốt vai trò tổ chức đại diện, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho các hội viên”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định lấy  ngày  10/11  hằng  năm  là  Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Đây là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề là làm sao để đưa các chủ trương, đường lối và yêu cầu thực tế đó vào cuộc sống một cách sinh động nhất, phù hợp nhất. Muốn vậy phải thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống từ doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động đến các cấp chính quyền, mọi người dân và toàn xã hội về văn hóa doanh nghiệp.

Những thói quen, tác phong, tư duy từ nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp, manh mún, thời vụ phải sớm được vượt qua để các tri thức khoa học, tư duy, tác phong công nghiệp, tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh hiện hữu trong doanh nghiệp và  được  dung  dưỡng  trong  xã  hội. Vấn đề then chốt là các doanh nhân, doanh nghiệp phải vượt lên chính mình, bỏ qua những lợi ích trước mắt, hướng tới những lợi ích lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp của mình và toàn nền kinh tế đất nước.

Từ chủ trương, nhận thức đi đến hành động thực tế mang lại hiệu quả là quãng đường không hề ngắn, tuy nhiên với nền tảng của văn hóa Việt Nam, tính tự tôn dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với lộ trình thích hợp, phương pháp khoa học, thực tế, triển khai đồng bộ Cuộc vận động, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là chìa khóa quan trọng mà còn là bản lề, là động lực để doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Là tổ chức được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, trong năm 2018 Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để đẩy mạnh triển khai và trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp?

Ông Hồ Anh Tuấn: Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai đồng bộ các đề án, chương trình của Cuộc vận động đã được xây dựng trong cả năm 2017, trong đó tập trung vào các công tác trọng tâm sau:

  • Phổ biến rộng rãi và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đưa Bộ tiêu chí Văn hóa doanh nghiệp vào cuộc sống, thực sự trở thành một trong những thước đo quan trọng của doanh nghiệp;
  • Hoàn thiện Đề án, tổ chức tôn vinh và trao danh hiệu “Doanh nghiệp Văn hóa tiêu biểu”;
  • Tổng kết việc triển khai thí điểm Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế để hoàn thiện mô hình, quy trình, cách làm và tiếp tục tổ chức nhân rộng tại các địa phương phù hợp.
  • Xây dựng đề án xin phép ra Tạp chí điện tử Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam;
  • Tổ chức Festival Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 1 năm 2018 đây sẽ trở thành sự kiện thường niên nhân Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam hằng năm;
  • Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm chuyên sâu, thiết thực về “Văn hóa doanh nghiệp – Kinh nghiệm từ Nhật Bản”, “Văn hóa doanh nghiệp từ góc độ tâm linh”;
  • Tiếp tục phối hợp với các địa phương, các Hội, Hiệp hội xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đến với cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước một cách có trọng tâm, trọng điểm, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời.
  • Tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy của Hiệp hội và Ban Tổ chức Cuộc vận động, đồng thời tập trung triển khai có bài bản công tác truyền thông, quảng bá trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về sự cấp thiết xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn, với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy và chính quyền các địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh  nghiệp,  doanh  nhân,  Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp  Việt  Nam  và  những  hoạt động thiết thực của Hiệp hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ thắp sáng ngọn lửa văn hóa doanh nghiệp như là mệnh lệnh của cuộc sống và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhân dịp xuân mới, kính chúc ông sức khoẻ, chúc Hiệp hội thực hiện thắng lợi Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam. Xin trân trọng cám ơn ông !

PV ( thực hiện)

14:49:42 22-01-2018

Năm Đinh Dậu vừa qua, năm Mậu Tuất đã tới. Sau hơn một năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ (10/11/2016 – 10/11/2017) về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự được Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì […]

Đối tác của chúng tôi