Sự kiện - chuyên đề:

Nghĩa trang, tầm nhìn trăm năm III. Làng nhiều năm liền 100% người chết đi hỏa táng

Cũng như bao miền quê khác, làng có hai nghĩa trang, một hung táng mộ dài, một cát táng mộ tròn nhưng 6 năm nay nghĩa trang hung táng đã đóng cửa để trồng cây…

Lãnh đạo thôn bên cổng vào của nghĩa địa làng Xuân Trung. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuyện của ca đầu tiên

Ngôi làng làm nên điều kỳ tích đó là Xuân Trung xã Xuân Phú (Yên Dũng, Bắc Giang). Ông Nguyễn Kim Quyền – trưởng thôn cho tôi hay làng có 215 hộ, 866 khẩu, trước đây khi có người chết vẫn theo thói quen ngàn đời của dân Việt là chôn xuống đất 3 – 4 năm sau thì bốc lên lấy xương bỏ vào tiểu rồi xây hay đắp mộ vĩnh cửu.

Mỗi suất mộ dài trong nghĩa trang hung táng chiếm chừng 5m2 đất, mỗi suất mộ tròn trong nghĩa trang cát táng chiếm chừng 2 – 3m2 đất. Đã thế, đám ma làng ăn uống rình rang 30 – 40 mâm, đám bốc mộ ăn uống còn to hơn tới 50 – 60 mâm, rượu chè rôm rả.

Mọi chuyện cứ diễn ra như thế cho đến một ngày của năm 2013 bà Nguyễn Thị Ngả – mẹ của nguyên một lãnh đạo cỡ to của tỉnh Bắc Giang, bà nội của Phó chủ tịch huyện Yên Dũng lúc đó, ngã xuống.

Trước đó ông trưởng thôn với ông chi hội trưởng hội người cao tuổi thôn đã bàn nhau hễ có người làng nào ốm nặng thì phải thuyết phục để họ di chúc cho con cháu khi mất sẽ đem đi hỏa táng thế nhưng chưa thành công.

Do bà Ngả có con, cháu nhiều người thoát ly nên tư tưởng thoáng, dễ tuyên truyền, chuyện được cả gia đình, dòng họ hưởng ứng.

Trưởng thôn (trái) cùng chi hội trưởng người cao tuổi bàn cách lo việc tang văn minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trưởng thôn (trái) cùng chi hội trưởng người cao tuổi bàn cách lo việc tang văn minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kể từ đó, mỗi khi trong thôn có người ốm nặng, chi hội người cao tuổi lại mang cân đường, hộp sữa đến hỏi thăm, vận động khi nào chết thì đồng ý cho hỏa táng.

Có người nhà của một trường hợp hỏa táng xong đi gọi hồn về bảo: “Mẹ nóng quá, không chịu được các con ạ!” thì ông trưởng thôn phản biện lại: “Nếu thế thì địa táng nằm ở nơi ngập nước suốt thì lại kêu là mẹ lạnh quá, bí thở quá các con à?. Làm gì có chuyện thế? Chỉ là bịp bợm mà thôi”. Không cãi về lý được thì người ta cảnh báo gần xa: “Các ông làm trái quy luật của tổ tiên về sau làng xảy ra cái gì thì tự chịu trách nhiệm đấy…”

Ông Lương Văn Đó – chi hội trưởng chi hội người cao tuổi của thôn kể tiếp lúc phát hiện ra hội viên ốm nặng, đến vận động hỏa táng nhưng có người vẫn kiên quyết chỉ mặt con cháu mà đe rằng: “Nếu chúng mày mà hỏa táng tao thì dù có thành ma tao vẫn về hành cho ăn không ngon, ngủ không yên, nghe không?”.

Lúc họ mất ông vẫn phải đến túc trực đến giữa đêm, khi thợ kèn đã ngừng thổi, khi thầy cúng báo hết lễ mới về cho trọn tình, vẹn nghĩa.

Mộ với mộ ngay hàng thẳng lối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mộ với mộ ngay hàng thẳng lối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, thậm chí ngay cả trên huyệt mộ vừa quật lên để bốc mả, khi mà cánh trẻ bì bõm dưới quan tài mò từng mẩu xương còn cánh già đứng bên chỉ trỏ, ra lệnh.

Có trường hợp quan tài rắn bò lổm ngổm bên trong, có trường hợp do dùng nhiều thuốc kháng sinh khi ốm hay táng ở chỗ yếm khí nên thể xác không tiêu tan phải dùng dao để đẽo thịt, thực hiện xong về ốm khật ốm khừ cả tuần vì ám ảnh.

Cánh trẻ thấy ngán ngẩm nỗi vất vả của việc bốc mộ, cánh già thấy xót xa cho con cháu khi phải đụng tay, đụng chân vào những thứ hôi hám, độc hại, chi hội người cao tuổi thôn lại tranh thủ tuyên truyền: “Giữa chôn dưới đất, nước ngập bì bõm quan tài, 3 năm liền thân xác bị thối rữa, giòi bọ rúc với hỏa táng sạch sẽ, văn minh thì ông bà chọn cái nào?”.

Trước theo truyền thống cứ đi chôn xong là cả đoàn về nhà người có đám ma để ăn uống đông tới 30 – 40 mâm, giờ đi hỏa táng đưa ra đến cổng làng, quan tài lên xe thì ai cũng về nhà nấy, chỉ có người thân ở lại an ủi, dùng cơm cỡ 10 mâm mà thôi.

Đóng cửa nghĩa địa để trồng cây

Năm 2014 làng quyết định đóng cửa nghĩa địa hung táng để trồng cây tạo thêm không gian xanh cho người sống nhưng vẫn còn một trường hợp nhất định không chịu đưa mẹ đi hỏa táng mà khăng khăng chôn ở ngoài đồng.

Thất bại đó không ngờ lại dẫn đến thành công khi lãnh đạo thôn, chi hội người cao tuổi biết tận dụng cơ hội để vận động những người khác: “Các ông bà thấy một mình cụ X nằm chơ vơ giữa cánh đồng có lạnh lẽo không? Khi cụ còn sống ở với làng với xóm vui vẻ là thế mà đến khi chết lại chỉ một nấm mộ lẻ loi không biết bầu bạn cùng ai?”.

Thế là dân làng lần lượt bỏ cũ để theo mới, 100% người chết được đi hỏa táng, tính đến nay tổng cộng đã hơn 50 ca trong đó có người nhà của bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó chủ tịch xã…

Mỗi ca hỏa táng ngoài chế độ hỗ trợ của Nhà nước được 5 triệu, riêng thôn hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng trích từ quỹ mai táng do các gia đình và những con em thành đạt đóng góp.

Ông Nguyễn Kim Quyền - trưởng thôn: Thay đổi một thói quen ngàn đời tưởng rất khó như địa táng thế mà còn làm được thì những việc khác trong thôn sẽ thuận lợi hơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Kim Quyền – trưởng thôn: Thay đổi một thói quen ngàn đời tưởng rất khó như địa táng thế mà còn làm được thì những việc khác trong thôn sẽ thuận lợi hơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người mất nếu là đảng viên thì bí thư chi bộ là trưởng ban lễ tang, là dân thường thì trưởng thôn là trưởng ban lễ tang, tổ chức chu đáo, văn minh theo đời sống mới.

Thời gian kèn trống không quá 22 giờ đêm, không sớm hơn 5 giờ sáng, không được khóc thuê, không để quá 1 ngày, không dẫn lễ, không đi giật lùi, không chống gậy (nhằm chống việc cố đẻ con trai – PV), không rắc tiền vàng trên đường. Mất ở bên ngoài vẫn được đưa về làng bình thường, không hề kiêng kị…

Sau khi đóng cửa nghĩa trang hung táng thì nghĩa trang cát táng cũng được cải tạo với quy định không cho quây tường rào bao chiếm đất, tất cả mộ cùng một hướng, một kích cỡ dài 1,5m, rộng 1,2m, mộ này cách mộ kia 50cm để tiện đi lại thăm viếng và tiết kiệm đất đai.

Tôi cùng ông Quyền ra nghĩa trang làng. Nó được san gạt phẳng phiu với tường bao, rãnh thoát nước xung quanh, cây hương chính giữa, đường bê tông rộng rãi tiện cho xe chở tro cốt ghé vào làm lễ.

Mộ với mộ ngay hàng thẳng lối, từ của người chết già đến người chết trẻ đều đặt theo thứ tự trước, sau. Quan sát mãi tôi thấy một khoảng trống lớn giữa hai ngôi mộ nên mới thắc mắc, ông trưởng thôn cười rồi đáp: “Đó là tồn tại từ trước rồi, khi ấy làng mới chỉnh trang nghĩa địa đã thấy có ngôi mộ này. Về sau khi đào huyệt ở ô bên cạnh không thấy có móng chìa ra thì mới biết là mộ giả, đắp để giữ chỗ nhưng không ai nhận cả. Sắp tới chúng tôi sẽ bố trí để đặt một ngôi vào vị trí này”.

Khoảng trống giữa hai ngôi mộ này vốn là một mộ giả, nay sắp được đặt một mộ mới vào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khoảng trống giữa hai ngôi mộ này vốn là một mộ giả, nay sắp được đặt một mộ mới vào. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Kim Quyền – trưởng thôn Xuân Trung: “Cháu của bà Ngả – ca đầu tiên đi hỏa táng của làng giờ đều thành đạt, có người còn mới lên đến chức Phó Chủ tịch tỉnh thì giờ làng cần gì phải tuyên truyền về hiệu quả của hỏa táng nữa?”.

Tuyên truyền về việc tâm linh, thay đổi một thói quen ngàn đời tưởng rất khó như địa táng thế mà còn làm được thì những việc khác trong thôn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều từ mở đường, hạ ngầm cống rãnh, để rác theo điểm tập trung…

Hiện đường trục ô tô chạy quanh làng, hai bên đặt chậu hoa, trên tường là tranh bích họa, tối tối lên đèn sáng như trên phố. Cống rãnh được ngầm hóa, rác thải được thu gom theo điểm, không nghiện, không trộm cắp mà 5 dòng họ trong làng đều có quỹ khuyến học với hơn 170 người bằng từ đại học trở lên.

Việc đưa người chết hỏa táng ở làng Xuân Trung đã tốt nhưng chưa thật sự triệt để bởi chưa tiết kiệm diện tích đất mà chỉ rút ngắn quãng thời gian 3 năm nằm dưới mộ.

Bởi thế, chuyện một số xã ở huyện Đan Phượng TP Hà Nội tiến hành cuộc cách mạng trong mai táng với việc xây chung cư cho người chết tức nhà để tro cốt cho cả vài trăm đến một ngàn ca là một điều rất đáng học theo. Muốn biết cụ thể thế nào mời đọc giả theo dõi ở bài tiếp.

Theo NN

09:46:11 26-11-2020

Cũng như bao miền quê khác, làng có hai nghĩa trang, một hung táng mộ dài, một cát táng mộ tròn nhưng 6 năm nay nghĩa trang hung táng đã đóng cửa để trồng cây… Chuyện của ca đầu tiên Ngôi làng làm nên điều kỳ tích đó là Xuân Trung xã Xuân Phú (Yên […]

Đối tác của chúng tôi