Sự kiện - chuyên đề:

Nữ doanh nhân – Văn hóa doanh nghiệp sẽ nâng tầm cao mới

VHDN: Cuộc cách mạng 4.0 tác động sâu sắc và toàn diện đến sự tồn tại, phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Với bản tính thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn, đầy lòng nhân ái, các nữ doanh nhân Việt Nam đã đạt nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, khẳng định vị thế người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh Nghệ An và nữ doanh nhân Chu Thị Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Đức (đại diện chủ dầu tư) tại lễ khánh thành dự án DKC Petro – Ảnh: Xuân Thống

Doanh nhân nữ và những trở ngại chưa được khắc phục

Khi Việt Nam tham gia sâu vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh càng trở nên gay gắt thì thách thức lại càng lớn, và ở mỗi lĩnh vực đều có bất lợi đối với nữ giới. Đối với doanh nhân nữ bên cạnh những khó khăn về vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu lao động lành nghề, còn gặp nhiều khó khăn lớn hơn là sự chênh lệch về trình độ học vấn, nền tảng Văn hóa doanh nghiệp chi phối các mối quan hệ và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mình cũng như trong xã hội.

Tại Hội thảo “Nữ doanh nhân – Khát vọng toàn cầu, nâng tầm cao mới” tổ chức mới đây tại Nghệ An, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đang ở thời kỳ kinh doanh thương mại điện tử. Nhưng ở thị trường Việt Nam nhiều người không tin tưởng vào quảng cáo online. Chính các nhà quảng cáo đã đánh mất niềm tin từ người tiêu dùng khi có rất nhiều trường hợp nhận hàng không giống hình, không đảm bảo chất lượng xảy ra, hay việc đổi hàng, yêu cầu trả lại hàng lại gặp khó khăn. Điều này khiến doanh nghiệp gặp hạn chế trong việc quảng bá sản phẩm đến với công chúng”. Cũng theo bà Tuyết Minh, các doanh nghiệp chưa tìm ra phương pháp quản trị doanh nghiệp mang bản sắc riêng; nguồn nhân lực chưa theo kịp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0. Trong khi đó, tính liên kết kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp. Các đối tác, bạn hàng không tin tưởng nhau, chưa tạo được sự kết nối để cùng nhau phát triển. Thêm vào đó, các dịch vụ logistics có giá quá cao trong khu vực và trên thế giới; hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển chưa được đồng bộ. Tất cả những khiếm khuyết trên tựu trung lại là chưa xây dựng được một nền tảng văn hóa kinh doanh trong các hoạt động của doanh nghiệp. Đây là điều cốt lõi nhất đã tạo ra những khuynh hướng trên.

Chia sẻ về chủ đề này, ông Phí Trọng Đức – Giám đốc VCCI chi nhánh Nghệ An cho rằng, thực tế cho thấy phụ nữ khởi nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, thậm chí họ phải nỗ lực gấp đôi so với nam giới. Phụ nữ luôn bị áp lực về nhiều phía và ràng buộc vào khuôn khổ cuộc sống gia đình. Chính những điều này đã làm hạn chế thời gian xây dựng mạng lưới kinh doanh cũng như phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng nhiều đến xây dựng Văn hóa doanh nghiệp đó là quy chế, là lối sống, là chế độ chính sách, cách ứng xử giữa người lao động và chủ doanh nghiệp…

Nữ doanh nhân trước cuộc CMCN 4.0

Sau hơn 30 năm đổi mới, lực lượng nữ doanh nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, chiếm hơn 30% trong tổng số doanh nhân của cả nước, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 6/54 quốc gia có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Với số lượng khoảng 4,8 triệu hộ kinh doanh cá thể, tỷ lệ phụ nữ đóng vai trò lớn và cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, số doanh nhân nữ thành công, ít bị phá sản, đình trệ hơn nam giới.

Đại biểu đến từ các cơ quan quản lý và doanh nhân nữ chia sẻ ý kiến tại hội thảo.

Bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi sâu sắc tính chất công việc của các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nhân khởi nghiệp nói chung, doanh nhân nữ nói riêng đều phải có trình độ cao, đầu óc sáng tạo và linh hoạt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa còn là cơ hội ra đời và phát triển các mô hình kinh doanh mới, tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo không ngừng đổi mới, sáng tạo để bắt kịp, cùng tham gia hội nhập và phát triển trong mạng lưới thị trường thông minh, siêu kết nối.

Bà Trần Khánh Toàn- Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nữ Nghệ An cho rằng, bản thân mỗi doanh nhân nữ phải luôn kiên nhẫn, chịu khó học hỏi và hơn hết phải biết xây dựng và thực hiện cho được các hoạt động về Văn hóa doanh nghiệp rất bài bản thì “Trong công cuộc toàn cầu hóa, các doanh nghiệp sẽ giữ được bản sắc, tạo nên thương hiệu riêng của chính mình. Đồng thời  chú trọng đầu tư, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cần có sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài”.   Đồng quan điểm trên, bà Ninh Thị Ty – Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm đã phân tích ba nhân tố hội tụ ở mỗi doanh nhân nữ để khởi nghiệp thành công, gồm: Tâm – Trí – Tín. Cái tâm với người lao động, là đạo đức kinh doanh, là ứng xử và gắn trách nhiệm với cộng đồng. Trí là mỗi doanh nghiệp cần tìm cho mình một hướng đi riêng để thực hiện thành công ý tưởng của mình. Và trong kinh doanh chữ Tín đóng vai trò rất quan trọng, đó chính là văn hóa kinh doanh, quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp.

Vương Duyên

14:47:59 10-04-2019

VHDN: Cuộc cách mạng 4.0 tác động sâu sắc và toàn diện đến sự tồn tại, phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Với bản tính thông minh, sáng tạo, cần cù, kiên nhẫn, đầy lòng nhân ái, các nữ doanh nhân Việt Nam đã đạt nhiều thành công trong lĩnh vực kinh […]

Đối tác của chúng tôi