Người dân đổ xô trồng mít Thái bất chấp hệ lụy

Người dân đổ xô trồng mít Thái bất chấp hệ lụy

Giá mít Thái từ đầu năm đến nay liên tục tăng bất thường. Nếu như giá mít năm trước dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg thì nay tăng lên từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Từ giá trị hiện tại, người dân nhẩm tính cứ mỗi ha mít sẽ thu gần 1 tỷ đồng tiền lãi.

Trước việc giá mít tăng vọt, nhiều nông dân Bình Phước đã đua nhau chặt bỏ những cây trồng khác để đi mua giống trồng mít. Thế nên, giá mít giống hiện nay dao động cũng tăng vọt từ 40.000 – 50.000 đồng/cây, cao hơn rất nhiều so với năm 2018.

Theo giới chuyên môn, trước mắt, có thể cây trồng này mang lại lợi nhuận cao, nhưng nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời sự phát triển tự phát sẽ dồn đẩy nông dân đến chỗ thất bại.

Bởi cây mít cần đến 2 năm cho trái, trong khi đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu của loại cây này là Trung Quốc, vốn có hạn và chứa đựng nhiều bất trắc. Vì vậy, khi thị trường này có vấn đề, nông dân tốn mất thời gian, tiền của để chuyển sang cây trồng khác.

Trước thực trạng này, bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước khuyên người dân không nên chạy theo giá thị trường khi chưa nắm kỹ nguồn thu mua.

“Giá mít tăng cao bất thường từ đầu năm đến nay là do thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh. Cùng với mít, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng đang được giá. Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh Bình Phước nên tìm hiểu thị trường, nhất là vấn đề liên kết chuỗi sản xuất, tìm kiếm doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho nông sản”, bà Tuyết khuyến cáo.

Vị Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước cũng nhấn mạnh: “Người dân không chạy đua theo phong trào giá cao thì trồng, giá thấp thì chặt bỏ. Với cách làm như vậy, phần thua thiệt sẽ rơi vào nông dân. Việc giá mít bất ngờ tăng chưa chắc sẽ giữ được lâu dài. Ai dám đảm bảo sau khi mít giống trồng đến ngày thu hoạch vẫn được giá như hiện này”.

Được biết trước đó, tại tỉnh Bình Phước cũng xuất hiện tình trạng chuối tăng giá đột biết. Người dân nơi đây cũng chặt bỏ cây trồng khác để trồng chuối. Tuy nhiên, khi chuối thu hoạch thì thương lái không mua hoặc mua với giá rất rẻ dẫn đến tình trạng nông dân lỗ nặng.

Bài học về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế một cách tự phát trong nhiều năm qua đã quá rõ, thiệt hại luôn thuộc về người nông dân. Khi giá cả sản phẩm tăng cao, người dân lại ồ ạt chặt giống cây cũ, thay bằng giống cây đang đươc thịnh hàng với giá bán cao.

Cách làm tự phát, không theo qui hoạch của nông dân trong nhiều năm nay đã dẫn đến tình trạng “thừa hàng, dội chợ”, cung lớn hơn cầu, sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch nhưng không bán được, dẫn đến cảnh nợ nần vì đã đổ tiền vào đầu tư. Hệ luỵ sau cùng đã thấy rất rõ ràng, nông sản thừa, ế không có đầu ra. Rất nhiều người tiêu dùng cả nước đã phải chung tay “giải cứu” cho người nông dân.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp các tỉnh cần có sự tư vấn, quyết liệt với người dân trong việc trồng cây gì, nuôi con gì. Làm sao đảm bảo chất lượng tốt, số lượng vừa phải, đặc biệt là ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Đặc biệt, cần phải tuyên truyền để mọi người nông dân trong tỉnh thấm nhuần bài học xương máu từ việc “trồng – chặt, chặt – trồng” trong nhiều năm qua, qua đó, cần tỉnh táo hơn trong cách đầu tư, nghiên cứu đầu ra cho sản phẩm trước khi bắt tay thực hiện.

Theo enternews