Sự kiện - chuyên đề:

Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình vẫn “câu giờ” trong giải quyết khiếu nại

VHDN: Sự việc kéo dài hơn 2 năm, gần 400 lao động không công ăn việc làm, 60 cổ đông biểu tình gây áp lực với Ban lãnh đạo Công ty và các cấp, Công ty đang trên bờ vực phá sản,… Đó là thực trạng tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản Thái Bình. Chỉ vì thái độ không dám nhìn thẳng vào cái sai của mình để sửa chữa của những người liên quan đang thực thi công vụ ở tỉnh Thái Bình mà tình trạng này vẫn kéo dài.

 NỘI DUNG SỰ VIỆC

Công ty cổ phần Chế biến nông sản Thái Bình được cổ phần hóa năm 2004 (tiền thân là Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình – Doanh nghiệp Nhà nước). Sau khi cổ phần hóa, vốn Nhà nước không còn trong Công ty mà 100% là vốn của gần 60 cổ đông góp mua lại toàn bộ tài sản là các cửa hàng, nhà kho và văn phòng làm việc trên diện tích hơn 6000m2. Phương án kinh doanh Công ty được Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh tháng 4/2004 với gần 60 ngành nghề và mặt hàng. Ngày 25/5/2005, UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 6090,0m2, địa chỉ thửa đất Công ty đang sử dụng từ khi cổ phần hóa, thời hạn 5 năm. Năm 2008, Công ty được Sở Tài nguyên & Môi trường ký hợp đồng cho thuê đất (đối với các tổ chức kinh tế lựa chọn hình thức thuê đất) với thời hạn 5 năm kể từ ngày 9/1/2004. Đến ngày 31/12/2010 (cấp giấy trước 3 năm, còn 2 năm nữa hết hạn)?

Tháng 5/2010 thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty về hành vi sử dụng đất sai mục đích (sử dụng 13 gian bán hàng cơm, phở, cà phê và kinh doanh vật liệu xây dựng,…) Mức phạt là 8 triệu đồng, yêu cầu đóng cửa không tiếp tục bán hàng. Tháng 5/2016, Sở Tài nguyên & Môi trường công bố Quyết định thanh tra về việc chấp hành Luật Đất đai của Công ty. Sau gần 4 tháng thanh tra kết luận: “Công ty sử dụng đất sai mục đích gần 2000m2 trên tổng số 6197,1m2 đất của Công ty”. Sai phạm vẫn là những gian bán hàng như Quyết định xử phạt năm 2010 của thanh tra Sở, nhưng cái chính là Công ty không chịu sửa chữa “sai phạm” của mình ở quyết định sử phạt hành chính năm 2010 (tái phạm). Kết luận thanh tra còn đưa ra kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường hoàn tất thủ tục để thu hồi toàn bộ diện tích đất của Công ty để giao về Trung tâm Phát triển quỹ đất của Sở để quản lý. Ngày 30/11/2016, UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hồi 6197,1m2 diện tích đất thương mại dịch vụ của Công ty với lý do sử dụng đất sai mục đích, theo điểm a, khoản 1, điều 64 luật Đất đai.

Hành trình khiếu kiện

Kể từ khi có quyết định thu hồi đất phải đóng cửa ngừng sản xuất kinh doanh, trong thời gian này Công ty đã có nhiều công văn, đơn từ kêu cứu gửi tới Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh Thái Bình, đề nghị được xem xét, giải quyết để Công ty được tiếp tục thuê đất sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, nộp ngân sách cho Nhà nước. Nhưng Công ty vẫn chỉ nhận được công văn trả lời của Sở Tài nguyên & Môi trường về việc phải tự thanh lý (phá bỏ) nhà xưởng, cửa hàng của mình trả lại đất cho Nhà nước, bất chấp sự tồn tại của Công ty có còn hay mất?

Gần đến hạn chót thực hiện Quyết định (30/11/2017) Công ty buộc phải gửi đơn kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền từ tỉnh Thái Bình đến Trung ương và đưa sự việc này ra công luận nhờ can thiệp tác động giải quyết cứu vớt Công ty. Nhìn nhận sự việc chính đáng cần phải giải quyết nhanh chóng, thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng Chính phủ đã có ngay văn bản chuyển đơn và yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình khẩn trương giải quyết. Hơn một tháng sau đó Công ty mới nhận được văn bản trả lời số 112 ngày 17/1/2018 của Sở Tài nguyên & Môi trường nhưng vẫn khẳng định việc thu hồi đất của Công ty là đúng pháp luật?

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, Công ty đã có đơn khiếu nại văn bản này đến các cấp có thẩm quyền. Tại cuộc đối thoại giải quyết đơn do Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, Công ty đã viện dẫn những căn cứ pháp lý cụ thể liên quan để khẳng định việc thu hồi đất của Công ty là hoàn toàn không đúng pháp luật. Mà điểm xuất phát phải từ việc cấp GCN QSD đất cho Công ty vừa sai căn cứ, vừa thiếu căn cứ và không đúng với điều khoản quy định của Luật Đất đai về cấp GCN QSD đất dẫn đến hàng loạt sai trái bởi những quyết định đã ban hành sau đó, cụ thể:

– GCN QSD đất của Công ty cấp theo GCN đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch & Đầu tư. Công ty kinh doanh đúng trên thửa đất ghi trong GCN QSD đất, trên thửa đất đã có các cửa hàng của công ty. Mặt hàng kinh doanh đúng với giấy phép kinh doanh. Việc áp đặt Công ty lỗi hành vi sử dụng đất sai mục đích là hoàn toàn không có căn cứ.

– Kết luận thanh tra chính là sự sao chép nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lỗi hành vi sử dụng đất sai mục đích. Chỉ có phần chi tiết hơn về diện tích của 17 gian Công ty đang bán hàng là 1835,8m2. Nhưng trớ trêu thay, kết luận thanh tra lại kiến nghị thu hồi 6197,1m2 đất của Công ty đang sử dụng, kể cả phần không sai phạm là trái với quy định của pháp luật?

– Quyết định thu hồi đất số 3481/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh Thái Bình là hậu quả của việc thiếu kiểm tra, xem xét trong thực thi công vụ của những người liên quan. Quyết định sai phạm cả về nội dung (lý do thu hồi đất) lẫn hình thức văn bản là (thiếu căn cứ biên bản vi phạm hành chính) theo quy định bắt buộc của việc xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

– Sự chéo ngoe hơn phải là qua gần 4 tháng thanh tra, ngày 29/8/2016 mới có kết luận thanh tra, mới tìm ra “sai phạm” của Công ty để kiến nghị thu hồi đất, nhưng trước đó ngày 24/8/2016 UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn số 3068/UBND-TNMT chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường thu hồi đất của Công ty???

Như vậy việc thu hồi đất không phải là do vi phạm phải thu hồi mà ở đây áp đặt sai phạm để lấy cớ thu hồi đất của Công ty?

Hậu quả khôn lường

Đến nay, tất cả các quyết định từ xử phạt vi phạm hành chính đến quyết định thu hồi đất, mặc dù đã hết thời hiệu thi hành (điều 74, luật xử lý vi phạm hành chính), Công ty vẫn chưa phải nộp phạt hành chính, đất chưa bị thu hồi, tài sản chưa bị thanh lý (phá bỏ). Nhưng hậu quả của những quyết định trên thật là nặng nề: Công ty đóng cửa, hàng trăm lao động không có công ăn việc làm, tình trạng mất an ninh trật tự của các cổ đông trong Công ty đã ảnh hưởng nhiều đến xã hội. Tài sản hàng chục tỷ đồng của Công ty không được sử dụng hao mòn theo thời gian, mảnh đất vàng trong kinh doanh không được sử dụng, phát huy hiệu quả là một sự lãng phí vô cùng lớn,… Nặng nề hơn là Công ty đang trên bờ vực của sự phá sản.

Ai sẽ là người ra tay cứu giúp để nhanh chóng dừng lại hậu quả nghiêm trọng này?

Dư luận mong muốn những người thực thi công vụ có trách nhiệm trong sự việc, dám nhìn thẳng vào vấn đề cần giải quyết để nhanh chóng đưa Công ty sớm trở lại hoạt động bình thường.

(Bài 2: Tham mưu ra văn bản và quyết định trái pháp luật)

Nguyên Bình

07:58:40 12-03-2018

VHDN: Sự việc kéo dài hơn 2 năm, gần 400 lao động không công ăn việc làm, 60 cổ đông biểu tình gây áp lực với Ban lãnh đạo Công ty và các cấp, Công ty đang trên bờ vực phá sản,… Đó là thực trạng tại Công ty cổ phần Chế biến nông sản […]

Đối tác của chúng tôi