Sự kiện - chuyên đề:

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và ký ức Tết trồng cây ở Hòa Bình

VHDN: Trong các chuyến đi của mình đến mọi vùng miền đất nước, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu luôn mong muốn được trồng cây để gửi gắm thông điệp, mong cho Việt Nam ngày càng xanh hơn, môi trường càng được bảo vệ trước tình trạng biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, thiên tai. Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam xin gửi đến quý độc giả tâm sự của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu xung quanh vấn đề trồng cây, bảo vệ môi trường.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

Thưa Thượng tướng, ông đã đi khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, nhưng nhắc tới Tết năm nay, ông nghĩ đến nơi nào?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Có thể nói trên chặng đường tôi đã đi qua từ thời chiến đến thời bình, tôi đã đi tất cả các tỉnh thành trong cả nước, từ những nơi khó khăn, đến biển đảo, vùng sâu, vùng xa, nhưng Tết năm nay tôi nhớ đến mảnh đất Hòa Bình.

Vì sao Hòa Bình lại nằm trong ký ức của Thượng tướng khi Tết đến?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi luôn nhớ đến câu nói của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Không phải một lần tôi về thăm Hòa Bình, nhưng những ngày giáp Tết năm 2008, tôi về Hòa Bình và được nghe câu chuyện của người dân nơi đây kể lại. Tôi đã đứng trên vị trí Bác Hồ đã đứng khi đến thăm Hòa Bình. Bác đã chỉ cho lãnh đạo và nhân dân Hòa Bình rằng “Sau này các chú sẽ xây dựng thủy điện ở đây, để có thể ngăn được dòng nước chảy xiết và cung cấp điện cho cả nước”. Tôi còn nhớ mãi về nơi duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tượng Bác Hồ đã chỉ tay xuống dưới, và đó là nơi bây giờ tồn tại một nhà máy thủy điện với công suất vô cùng lớn, đúng theo mong muốn của Bác với nơi này. Tôi ấp ủ sẽ phải làm gì đó cho mảnh đất nơi tôi đã được nghe lại câu chuyện của Bác Hồ. Và hành trình của tôi đi khắp 67 quốc gia trên thế giới, tôi cũng ngẫm nghĩ, có ba việc ở đời chúng ta nên làm, thứ nhất là trồng cây có ý nghĩa, thứ hai là viết một cuốn sách để lại cho đời, thứ ba là cứu người. Và tôi đã chọn cây bồ đề được mang từ mảnh đất Phật, mảnh đất Ấn Độ, về ươm tại vườn nhà, sau đó đến dịp Tết đã quay lại Hòa Bình trồng cây với mong muốn thực hiện lời dạy của Bác, và lưu lại kỷ niệm với mảnh đất này.

Sau khi trồng, cây Bồ Đề đã trưởng thành như thế nào, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nhờ sự chăm sóc thường xuyên của quân đội, nên cây bồ đề lớn rất nhanh, tôi còn nhớ có một kỷ niệm khi thăm lại cây bồ đề đã trồng, với tấm biển lưu niệm, các chiến sĩ nói lại, hàng năm cứ đến tết, rất nhiều người dân đã đến đây để xin lộc từ cây bồ đề đất Phật, nhưng nếu để mọi người hái hết lộc thì cây sẽ không còn lá, nên phải có quy định là đến chỉ được chiêm ngưỡng và nếu có lá rụng mới được nhặt mang về. Bây giờ sau gần 10 năm, cây bồ đề rất phát triển và tỏa bóng sum xuê.

Được biết, trong quá trình công tác, ông đã trồng rất nhiều cây trên khắp cả nước, ông trồng cây là do sở thích, hay mong muốn gửi một thông điệp gì?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Bỗng dưng tôi nhớ đến câu thơ chúc Tết của Bác Hồ năm Mậu Thân 1968 “Năm nay thắng lợi vẻ vang/ Năm sau tiền tuyến chắc còn thắng to/ Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút/ Đánh cho Ngụy nhào”. Không chỉ trong những năm tháng chiến tranh, đến nay Việt Nam chúng ta vẫn có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, gần đây nhất là vấn đề môi trường, thiên tai. Vừa qua, có những trận lũ lụt lịch sử, trong khi tôi đã có rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tôi nghĩ rằng, những nơi rừng đầu nguồn, bảo vệ cây xanh tốt, trồng cây nhiều, giữ lại những cây cổ thụ thì sẽ giảm bớt đi hiện tượng lũ quét, làm cho người dân bớt chịu những hậu quả đáng thương. Tôi nghĩ rằng bảo vệ môi trường cũng chính là một cuộc chiến mà tự mỗi người dân phải ý thức về việc mình là một chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Vậy vấn đề môi trường có phải là điều ông đang trăn trở trong dịp Tết này?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ở đâu cũng vậy, trên mảnh đất Hòa Bình, ở nơi xây dựng Thủy điện Hòa Bình với việc cả đất nước kêu gọi thanh niên vào cuộc, ở nơi còn lưu giữ bức thư thế kỷ của thế hệ trước gửi thế hệ mai sau, và Thủy điện Hòa Bình là nơi chúng ta đã thể hiện sức mạnh của con người chế ngự sức mạnh của thiên nhiên, mang lại nguồn điện cho cả đất nước, cũng như làm giảm đi những cơn lũ tàn khốc. Hành trình tôi mong muốn trồng cây khắp đất nước cũng là gửi gắm thông điệp, để mong cho Việt Nam sẽ ngày càng xanh hơn, môi trường càng được bảo vệ, trước tình trạng diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, lũ lụt, hạn hán, thiên tai. Tôi mong rằng mỗi một nơi tôi đã đi qua, mỗi một cây tôi đã trồng, sẽ giúp cho thế hệ hôm nay thêm yêu màu xanh và sự trong lành của môi trường này. Đó chính là bảo vệ cuộc sống và tương lai của chính chúng ta.

Vâng, xin cảm ơn Thượng tướng. Thông điệp này mang theo cả mong muốn cho một năm mới trong lành và bình an với tất cả mọi người. Chúc Thượng tướng cùng gia đình đón một cái Tết an lành.

PV (thực hiện)

10:38:57 23-01-2018

VHDN: Trong các chuyến đi của mình đến mọi vùng miền đất nước, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu luôn mong muốn được trồng cây để gửi gắm thông điệp, mong cho Việt Nam ngày càng xanh hơn, môi trường càng được bảo vệ trước tình trạng biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn […]

Đối tác của chúng tôi