Sự kiện - chuyên đề:

Xã Tiền Phong – Huyện Thường Tín: Cần nhanh chóng giải quyết khiếu nại của người dân

Người dân tại xã Tiền Phong nhiều lần kiến nghị khiếu nại về việc chia ruộng đất qua các thời kỳ nhưng không được chính quyền giải thích và đưa ra lý do một cách thỏa đáng.
Vừa qua, Thời báo Làng nghề Việt nhận được đơn kiến nghị về việc giải quyết khiếu nại chia ruộng đất canh tác tại xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) của bà Nguyễn Thị Xuân có địa chỉ thường trú tại số 7 hẻm 59/27, ngõ Chùa Liên Phái, phường Cầu Dền, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.

Theo nội dung đơn gia đình bà Xuân trước đây có hộ khẩu thường trú tại đội 7, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Trước năm 1992, gia đình bà sinh sống ổn định và được cấp ruộng đất để canh tác tại địa phương. Diện tích đất này được gia đình bà Xuân sử dụng và canh tác bình thường tại khu vực xứ Đồng Nâu, xứ Đồng Hống, xứ Thiên Bồng.


Không đồng tình với trả lời của UBND xã tiền phong, người dân đã có đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

Khi đó, diện tích đất được cấp cho gia đình bà Xuân là 5 nhân khẩu gồm vợ chồng bà Xuân và 3 người con.

Theo trình bày của bà Xuân, sau năm 1992 gia đình bà cũng như nhiều gia đình khác tại địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn phải tạm xa quê để đi làm kinh tế và kiếm kế sinh nhai. Đến năm 1993, chính quyền xã Tiền Phong có tiến hành chia lại ruộng đất nhưng gia đình bà Xuân không được thông báo để biết.

Bà Xuân cho rằng căn cứ theo Luật đất đai năm 1993, Nghị định 64/1993/NĐ-CP thì gia đình bà đủ điều kiện được chia ruộng đất để canh tác.

Đến năm 2014, chính quyền xã Tiền Phong lại tiến hành chia ruộng đất nhưng vẫn không cấp đất canh tác cho gia đình bà Xuân. Qua 2 lần dồn điền đổi thửa năm 1993 và 2014, gia đình bà không được chia đất nên đã có làm đơn kiến nghị gửi tới UBND xã Tiền Phong. Nhưng tại buổi làm việc với UBND xã Tiền Phong và đội trưởng đội 7 vào ngày 12/10/2018 thì gia đình bà Xuân không có tên trong sổ định suất chia đất năm 1993 nên gia đình bà không được cấp đất canh tác.

Trước sự việc trên, bà Xuân cho rằng không được giải quyết thỏa đáng vì bà cho biết tại xã Tiền Phong có rất nhiều trường hợp đều rời khỏi địa phương như gia đình bà nhưng vẫn được chia ruộng đất như  hộ gia đình ông Thà (đi Hà Nội); gia đình ông Phương Phú (đi Nha Trang); gia đình ông Bòng (đi Hà Nội) đều có địa chỉ tại đội 7 thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong.

Gia đình bà Xuân đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy bà Xuân làm đơn gửi các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân vì sao gia đình bà không được chia ruộng đất canh tác. Vì sao gia đình bà Xuân không có tên trong sổ định suất chia đất năm 1993? Diện tích đất canh tác của gia đình bà sử dụng ổn định từ 1992 đã được chia cho ai? Căn cứ vào đâu để thu hồi diện tích đất ruộng gia đình bà sử dụng trước đó? Đối chiếu với các quy định hiện hành và các thời điểm chia đất, gia đình bà Xuân có được chia ruộng đất hay không? Căn cứ vào quy định nào để chính quyền UBND xã Tiền Phong không đưa gia đình bà vào danh sách sổ định suất chia đất?

Trước đơn thư kiến nghị trên, Thời báo Làng nghề Việt đã liên hệ làm việc với UBND huyện Thường Tín và UBND xã Tiền Phong nhưng đã nhiều tuần trôi qua vẫn chưa được phản hồi.

Đề nghị UBND huyện Thường Tín, UBND xã Tiền Phong nhanh chóng giải quyết thắc mắc, kiến nghị trên và trả lời Thời báo Làng nghề Việt để báo có cơ sở thông tin lại bạn đọc./.

Theo TBV
10:11:09 10-06-2019

Người dân tại xã Tiền Phong nhiều lần kiến nghị khiếu nại về việc chia ruộng đất qua các thời kỳ nhưng không được chính quyền giải thích và đưa ra lý do một cách thỏa đáng. Vừa qua, Thời báo Làng nghề Việt nhận được đơn kiến nghị về việc giải quyết khiếu nại […]

Đối tác của chúng tôi