Sự kiện - chuyên đề:

Báo chí – Doanh nghiệp mối quan hệ đồng hành và hỗ trợ

VHDN: Báo chí có vai trò rất lớn đối với phát triển đất nước cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội; trong đó có các doanh nghiệp và doanh nhân (DN&DN). Quan hệ giữa Báo chí và Doanh nghiệp (DN) không chỉ là quan hệ đồng hành mà còn hỗ trợ nhau.

Có lần, trò chuyện về mối quan hệ giữa kinh tế với báo chí, DN với báo chí trong cơ chế thị trường bên lề lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho phóng viên các báo, đài khu vực Trung du, miền núi phía Bắc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ – nhà báo Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ của Hội, giảng viên lớp học – chia sẻ: DN hay báo chí đều có vai trò đặc biệt. Báo chí và DN là bạn đồng hành – nghĩa là đi cùng con đường phát triển. Báo chí phản ánh hoạt động của DN, DN là nơi cung cấp thông tin cho báo chí. Không có DN, không có sản xuất thì báo chí lấy đâu nguồn tin để đưa tin! Thông tin kinh tế, xã hội, kể cả thông tin chính trị trên báo chí cũng rất cần cho doanh nhân. Doanh nhân tìm kiếm thông tin liên quan đến thị trường, khách hàng, sản phẩm. Những thông tin kinh tế trên báo chí có ảnh hưởng lớn và phần nào quyết định chiến lược kinh doanh của DN&DN. DN bao giờ cũng có nhu cầu quảng bá sản phẩm, tìm đối tác làm ăn thông qua kênh báo chí, ngoài kênh riêng của mình. Cùng một đối tượng công chúng, khách hàng, sản phẩm cùng phân khúc, nếu đối tác, đối thủ họ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên các phương tiện truyền thông, báo chí mà DN mình không làm là đánh mất cơ hội, bỏ trống thị trường và có thể phải tự rút lui khỏi thị trường. Ngoài kênh thông tin, báo chí còn là một kênh phản biện các DN, vừa biểu dương những điển hình tốt trong làm ăn, vừa phê phán, đấu tranh, lên án những DN&DN làm ăn không tốt, vi phạm pháp luật như tàn phá môi trường, làm hàng giả, hàng rởm, lừa đảo khách hàng, chất lượng sản phẩm không như quảng cáo… Mặt khác, không có một cơ quan báo chí nào không cần đến sự hỗ trợ của DN, nhất là những tờ báo tự chủ về tài chính, kinh tế. Kể cả những tờ báo tự chủ một phần hay hoàn toàn được bao cấp cũng cần đến sự hỗ trợ vật chất từ DN để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền vì lợi ích chung.

Ngẫm từ gần 40 làm báo, tôi thấy viết báo về kinh tế, về DN là làm báo chuyên biệt, có những đòi hỏi, yêu cầu về kiến thức kinh tế, lịch sử, chính trị, văn hóa,…; đồng thời, có những yêu cầu riêng về kỹ năng khai thác, xử lý thông tin kinh tế, thể hiện thông tin trong tác phẩm báo chí. Lĩnh vực kinh tế và DN là môi trường dễ có nhiều cám dỗ vật chất, nhà báo dễ lợi dụng và cũng dễ bị lợi dụng nhất nếu không có đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, nhà báo cần trau dồi đạo đức nghề khi làm báo về kinh tế, về DN. Hiện nay, vai trò của các DN&DN được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khẳng định, tôn vinh. Hơn ai hết, những người làm báo đã khích lệ, động viên và sát cánh với các DN&DN mọi lúc, mọi nơi trong đổi mới, hoạt động SXKD, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nguồn thông tin quý giá của báo chí không chỉ ca ngợi, phản ánh một chiều mà còn đề cập đến những vấn đề bất cập, làm hạn chế nguồn lực, tính năng động, sáng tạo của các DN, đòi hỏi các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, sửa đổi kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động, phát triển SXKD. Những điển hình tập thể, cá nhân được báo chí tôn vinh đã góp phần cổ vũ các DN&DN khắc phục khó khăn, vượt qua mọi rào cản trên con đường hướng tới mục tiêu xây dựng doanh nghiệp SXKD giỏi, phát triển bền vững. Không ít các DN đã trực tiếp về với nông dân xây dựng cơ sở vật chất, chế biến nông sản nâng cao giá trị kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới. Việc các nhà báo phát hiện, phê phán, thậm chí lên án những đơn vị và cá nhân quản lý, lãnh đạo làm ăn kém hiệu quả, gây lãng phí xã hội, vi phạm pháp luật, làm sai chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng rất cần thiết; đó là còn những lời cảnh tỉnh, răn đe có tác dụng tốt đối với các DN&DN.

Trong quá trình đổi mới, xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới giữa kinh tế và xã hội, giữa các chính sách và tính khả thi, giữa người sử dụng lao động và người lao động hay mối quan hệ giữa DN và các địa phương, các ngành… đòi hỏi báo chí phải nhanh chóng góp phần phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn đó. Làm báo vốn không phải là một công việc dễ dàng, cần có kiến thức đa diện về luật pháp, kinh tế, xã hội, dựa trên những hiểu biết rõ ràng về những sự việc cần phản ánh. Sự thiếu trung thực, khách quan, thói vụ lợi của một số ít nhà báo hay lối làm ăn chộp giật, chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo lý, pháp luật của một số doanh nhân đều mang lại sự nghi ngờ và thiếu tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, nhà báo phải rất dày công nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng thực tế, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau; đừng để vì một hành động vội vã, hấp tấp nào đó dẫn đến việc phản ánh, đưa tin thiếu khách quan, không xác thực. Có doanh nhân ở Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bày tỏ: Lúc thuận lợi cũng như thời kỳ khó khăn, nhà báo đến với doanh nghiệp để động viên, chia sẻ trách nhiệm với chúng tôi. Hơn ai hết, các nhà báo thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của người lao động và người lãnh đạo, quản lý trong cơ chế thị trường. Các nhà báo và các tờ báo là nơi các DN&DN có thể gửi gắm những tâm sự cuộc đời, công việc SX, KD với tất cả nỗi vui, buồn. Trong thực tế, có không ít tình bạn giữa nhà báo và doanh nhân bền vững, bởi đó là một quan hệ hoàn toàn không vụ lợi giữa những người bình đẳng và tin cậy lẫn nhau, chân thành và cởi mở với nhau.

Phóng viên VHDNVN đi thực tế tại Công ty CP Gốm Chu Đậu- Hải Dương

Nếu như báo chí đang nỗ lực để thiết thực hơn với giới DN&DN thì các DN&DN cũng đang hướng tới những giá trị văn hóa đích thực mà họ cần đạt tới – đó là văn hóa doanh nghiệp. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp được coi là tài sản của doanh nghiệp, là tổng hợp các hành vi ứng xử của doanh nhân – người đứng đầu doanh nghiệp và doanh nghiệp trong các mối quan hệ đối nội và đối ngoại. Đối nội là xây dựng doanh nghiệp đoàn kết, tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, thân ái, để mọi người cùng phấn đấu vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đối ngoại là thực hiện tốt các trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà nước, cộng đồng và xã hội; trong đó có cả quan hệ với báo chí. Ít mua báo, đọc báo, không chịu học tập nâng cao nhận thức từ báo chí; ít quan tâm đến hoạt động báo chí, không thiện cảm với báo chí hoặc lẩn tránh trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí .v.v. – tôi nghĩ rằng, đó chưa phải là thuộc tính hành vi của DN&DN có văn hóa !

NGUYỄN SẢN

14:33:58 19-06-2019

VHDN: Báo chí có vai trò rất lớn đối với phát triển đất nước cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội; trong đó có các doanh nghiệp và doanh nhân (DN&DN). Quan hệ giữa Báo chí và Doanh nghiệp (DN) không chỉ là quan hệ đồng hành […]

Đối tác của chúng tôi