Sự kiện - chuyên đề:

Bắt “cát tặc” và bắt hết những kẻ bảo kê, ăn hối lộ

Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm mang tên “cát tặc”, phải bắt hết cả những kẻ nhận hối lộ, can thiệp trái quy định như một số quan chức tại tỉnh An Giang.

Thêm một quan chức cỡ bự nữa bị bắt liên quan tới “đế chế” Trung Hậu – Tổng 68, do Lê Quang Bình làm Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc. Đó là người đứng đầu UBND tỉnh An Giang – ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam 4 tháng với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Bắt “cát tặc” và bắt hết những kẻ bảo kê, ăn hối lộ
Bị can Nguyễn Thanh Bình

Trước đó là ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang bị khởi tố về tội nhận hối lộ cùng 6 thuộc cấp bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ.

Tiếp đến là ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị bắt với cáo buộc nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình để chỉ đạo ông Nguyễn Việt Trí tạo điều kiện cho Trung Hậu – Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp & Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Kết quả điều tra xác định, Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,53 triệu m3 cát để cung cấp cho bốn công trình.

Lợi dụng “lá bùa” giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác hơn 4,78 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép hơn 3,2 triệu m3, có giá trị tạm tính khoảng 253 tỷ đồng.

Cát hút lên – tiền đổ xuống!

Khoản lợi nhuận khổng lồ “đế chế” Trung Hậu – Tổng 68 có được cùng với những lợi ích vật chất và tiền Lê Quang Bình hối lộ, biếu xén nhóm quan chức tỉnh An Giang như đã nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng trăm kilômét bờ sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở trong những năm qua, khiến hàng nghìn hộ dân phải di dời, phải mất nhà cửa, thiệt hại không biết bao tiền của.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, trong năm 2023, An Giang ghi nhận gần 100 vụ sạt lở, rạn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch… Sạt lở ảnh hưởng đến hàng trăm căn nhà dân, gây thiệt hại nhiều tài sản như nhà kho, nhà máy, lò sấy… và ảnh hưởng đến lộ giao thông qua lại của người dân. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở 8 tháng năm 2023 tăng hơn 2 lần.

Một thực trạng khủng khiếp mà tháng 8/2023, chính ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – người vừa bị bắt giam đã có báo cáo 3 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông với lưu ý “đặc biệt nguy hiểm cần thực hiện khẩn cấp” có tổng kinh phí 397 tỷ đồng…

Hôm nay, ông Nguyễn Thanh Bình cùng hàng loạt quan chức tỉnh An Giang đã phải trả giá cho những sai phạm đã ảnh hưởng đến không biết bao nhiêu gia đình và xã hội, gây thiệt hại cho Nhà nước. Ông Nguyễn Thanh Bình cùng loạt quan chức này sẽ phải chịu trách nhiệm, phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc của pháp luật là những tháng ngày trong lao ngục.

Đây là một bài học đắt giá trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; là lời cảnh tỉnh cho những kẻ đã can thiệp, tác động, nhận hối lộ để bảo kê cho “cát tặc” đục khoét lòng sông, ăn cắp tài nguyên khoáng sản. Những kẻ như vậy, phải bắt hết, bắt sạch để không còn làm hại dân hại nước.

Nguồn: Báo Công thương

09:48:25 26-12-2023

Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm mang tên “cát tặc”, phải bắt hết cả những kẻ nhận hối lộ, can thiệp trái quy định như một số quan chức tại tỉnh An Giang. Thêm một quan chức cỡ bự nữa bị bắt liên quan tới “đế chế” Trung Hậu – Tổng 68, […]

Đối tác của chúng tôi