Sự kiện - chuyên đề:

BHXH tỉnh Gia Lai: Triển khai nhiều giải pháp tiến tới BHYT toàn dân

VHDN: Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Chính sách BHYT thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Thực trạng và thách thức

Tính đến hết tháng 9/2022, tỉnh Gia Lai có trên 1,26 triệu người tham gia BHYT, bằng khoảng 83,7% dân số toàn tỉnh (chưa bao gồm lực lượng vũ trang tại chức trên địa bàn tỉnh), tăng khoảng 5,9% (tương ứng trên 69.600 người) so với cuối năm 2021. Thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 910.000 lượt người với số tiền trên 525,4 tỷ đồng. Việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số đã tạo bước chuyển lớn trong triển khai chính sách, tạo thuận lợi nhất cho người dân như việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc sử dụng căn cước công dân gắn chip (đã được đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm) để đi KCB thay thế thẻ BHYT giấy…

Đạt được những kết quả như trên nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan trong việc tham mưu Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh chỉ đạo sát sao việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, đặc biệt việc ban hành Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Gia Lai về hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng năm 2022; việc quan tâm của Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh huy động nguồn lực hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn với số tiền trên 01 tỷ đồng mua trên 23.000 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó nhiều người dân được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT để được chăm sóc sức khỏe.

Song bên cạnh đó, quá trình triển khai chính sách BHYT cũng gặp một số khó khăn nhất định, sự thay đổi về chính sách (Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc) đã tác động đến các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT, nhất là người dân, người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nhiều đối tượng thôi hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, xã hội, dẫn đến khó khăn nhất định trong việc tham gia BHYT của các đối tượng, đặc biệt là người tham gia BHYT hộ gia đình. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Mặt khác, phần lớn người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự giác tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, một số cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở còn chưa thực sự quan tâm, phối hợp trong triển khai chính sách BHYT đến với Nhân dân. Công tác tuyên truyền chính sách BHYT với người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, dẫn đến tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chưa tham gia BHYT trên địa bàn còn cao. Đây chính là những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến quá trình triển khai chính sách BHYT của tỉnh.

Phấn đấu đạt 92% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT năm 2022

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 90% và Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Gia Lai đạt 92%, đây là nhiệm vụ khá nặng nề đối với tỉnh Gia Lai nói chung và ngành BHXH nói riêng trong việc triển khai hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Tư vấn, đối thoại với người dân về chính sách BHXH, BHYT.

Để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT, cùng với các cấp, các ngành, BHXH Gia Lai tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, huy động sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN các cấp, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong việc quyết tâm triển khai hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan BHXH với UBND các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Hai là, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT theo Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện BHYT giai đoạn 2022-2025 cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để các đơn vị chủ động có kế hoạch phân bổ và giao chỉ tiêu thực hiện tới các xã, phường, thị trấn. UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn ngân sách địa phương tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHYT.

Ba là, đề xuất HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn giai đoạn 2023-2025.

Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHYT, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, đảm bảo phù hợp với từng nhóm người tham gia. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội và hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thôn làng, tổ dân phố về chính sách BHYT, đặc biệt là những lợi ích khi tham gia BHYT và những rủi ro khi không tham gia, cách thức tham gia,… để người dân tự giác tham gia và thụ hưởng chính sách.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại các doanh nghiệp, cũng như việc thực hiện các quy định chuyên môn trong KCB BHYT, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động và người dân khi tham gia BHYT.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các sở, ngành.

Bảy là, củng cố mạng lưới nhân viên thu thuộc hệ thống các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn; tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, không để xảy ra tình trạng các nhân viên thu hoạt động kém hiệu quả, chưa bám sát địa bàn, để người dân hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT.

Để nhiều hơn nữa người dân được bảo vệ trong mạng lưới an sinh xã hội, rất cần sự chung tay của cộng đồng, những tấm lòng hảo tâm của các đơn vị, doanh nghiệp góp sức để giúp người dân khó khăn trên địa bàn có thẻ BHYT, giúp người dân được hỗ trợ có thêm động lực vươn lên. Nhiệm vụ triển khai chính sách BHYT là của toàn hệ thống chính trị, do đó cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, vì mục tiêu mọi người dân đều được tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Nguyễn Thị Thu Hà 

16:28:35 09-11-2022

VHDN: Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao […]

Đối tác của chúng tôi