Sự kiện - chuyên đề:

Biển hồ Pleiku: Di tích thắng cảnh hùng vĩ

Một trong những danh lam thắng cảnh độc đáo của thành phố Pleiku là Biển Hồ (người dân địa phương gọi là Ia Nueng). Biển Hồ vốn là miệng núi lửa cũ đã tắt cách đây khoảng 200 ngàn năm. Cùng với núi Hàm Rồng (Chư HDrông) ở phía Nam Pleiku, Biển Hồ tạo cho Pleiku một một nét riêng hiếm có.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao thành phố Pleiku cho biết: Biển Hồ có diện tích khoảng 250 ha và có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Hồ nằm gọn giữa những dãy đồi núi thấp và rừng thông được trồng xung quanh. Trong đó có một doi đất vươn ra lòng hồ như một bán đảo. Nơi đây có thể nhìn thấy toàn cảnh Biển Hồ. Biển Hồ được người dân Jrai xem như con mắt xanh nhìn lên trời cao. Có người còn cho đây là viên ngọc bích quý giá của Pleiku, giữ vai trò là lá phổi xanh điều hòa khí hậu của khu vực.

Ngày 16/11/1988, Biển Hồ vinh dự được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. Biển hồ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xét, bình chọn là một trong 5 hồ đẹp nhất Việt Nam. Có nhiều truyền thuyết của người Jrai về Biển Hồ với biết bao sự ly kỳ và buồn thương. Truyền thuyết kể rằng: Biển Hồ (Ia Nueng) xưa là bến nước chung, nước rất xanh trong. Một hôm, trên đường đi đến bến lấy nước, Yă Pôm và Yă Chao phát hiện một con heo trắng rất đẹp. Yă Chao đã bắt con heo về nuôi. Hàng ngày chăm sóc, cho heo ăn những thức ăn ngon nhưng heo không ăn gì. Một lần, Yă Chao mang những chiếc bầu đi xuống bến Ia Nueng lấy nước về, có dính những hạt cát trắng, thì bỗng nhiên chú heo con đã liếm hết những hạt cát trắng ấy một cách ngon lành. Sau này, Yă Chao cứ đi lấy cát về cho heo ăn và lớn nhanh như thổi. Sau 3 lần trăng tròn, chú heo trắng lớn bằng con trâu to và khiến cho dân làng ngạc nhiên. Khi ấy, dân làng làm nhà rông mới và sai người đi tìm một con heo to để cúng Yàng và làm lễ ăn mừng. Tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy con heo to như già làng mong muốn nên trở về nhà Yă Chao xin bắt con heo trắng này để cúng. Yă Chao kiên quyết từ chối, dù phải đổi bao nhiêu tài sản. Nhưng cuối cùng dân làng đã quyết bắt con heo này về cúng Yàng và chia đều thịt cho dân làng. Yă Chao kiên quyết không nhận thịt và thề rằng: “Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp lở”. Nhưng đứa cháu của Yă Chao thấy thịt ngon đòi ăn và khóc cả ngày đêm nên bà không cầm được lòng mà phải cho đứa cháu ăn thịt heo trắng. Bỗng chốc, núi rừng rung chuyển, nhà cửa ngã nghiêng, vùi lấp cả dân làng. Hai bà cháu Yă Chao chạy nhưng không kịp, nên bị nước nhấn chìm, biến thành tượng đá dưới đáy hồ.

Cũng có truyền thuyết rằng: Đã từ xưa lắm, đây đã là nơi có cây cối xanh tốt quanh năm, chim muông nhiều vô kể. Nhưng từ trên trời nhìn xuống, Yang vẫn thấy ở đây có phần buồn tẻ. Để tạo nên không khí vui tươi, Yang cho chị em Yă Nâm và Yă Chao xuống lập làng và giao hẹn: già làng và những người uy tín trong làng phải kiêng thịt heo, nếu không tuân theo thì cả làng sẽ bị trừng phạt.

Yă Nâm lập làng lớn, còn Yă Chao lập làng nhỏ. Một hôm, trai làng vào rừng săn bắn, đến chân chí Teh (núi Đất), họ thấy một con heo rừng rất to, có bộ lông trắng muốt từ đâu chạy tới bèn giương ná bắn chết rồi đem về làng nướng cho con cháu ăn. Trong lúc nướng thịt, vì Yă Nâm và Yă Chao lấy tay lật thịt, nên mỡ heo tứa ra, làm tay hai người bị bỏng. Họ vội đưa tay lên miệng thấm nước bọt. Từ trên cao nhìn xuống thấy cảnh này, Yang vô cùng tức giận, ông liền cho thần Lửa xuống vùi cả hai làng vào trong lòng đất, tạo thành Biển Hồ ngày nay.

Ngoài những truyền thuyết trên, khoa học cũng đã chứng minh sự hiện diện của lớp cư dân đầu tiên ở Biển Hồ ít nhất là thời Tiền sử. Nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu của các nhà khoa học đã xác định, có một di tích khảo cổ học ở góc đông – nam hồ nước. Đáng chú ý là, năm 1993, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa thông tin Gia Lai tiến hành khai quật di tích này. Tại đây đã khai quật 50m2 , thu được 300 di vật đá, gần 4.000 mảnh tước được tách ra từ quá trình chế tác công cụ, hàng vạn mảnh gốm trong một tầng văn hóa nguyên vẹn. Kết quả khai quật di chỉ Biển Hồ và nghiên cứu các di chỉ hiện biết ở Gia Lai, lần đầu tiên các nhà khoa học đưa ra giả thuyết cho rằng có khả năng tìm thấy một văn hóa khảo cổ mới – Văn hóa Biển Hồ trên đất Tây Nguyên.

Với những giá trị cả về khoa học và với vẻ đẹp tự nhiên quyến rũ của Biển Hồ đã tạo nên nhiều cảm xúc cho mọi người khi chiêm ngưỡng thắng cảnh này. Nhiều văn nghệ sĩ trên các lĩnh vực văn thơ, nhạc họa, nhiếp ảnh…đã có rất nhiều tác phẩm đặc sắc về chủ đề Biển Hồ. Tuấn Kiệt có bài hát “Đến với Biển Hồ”, Nhạc sĩ Nguyễn Cường trong “Đôi mắt Pleiku”…

Là một hồ tự nhiên, có diện tích rộng, nên Biển Hồ được sử dụng làm nguồn nước phục vụ cho đời sống của nhân dân thành phố Pleiku. Vì thế, để đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh nguồn nước này, các hoạt động giải trí cũng như đánh bắt thủy sản trên hồ phải bị hạn chế. Sau khi tham quan thắng cảnh này, du khách tham gia các hoạt động giải trí, thưởng thức ẩm thực mang bản sắc của địa phương ở khu vực xung quanh hồ và những vùng lân cận.

Mặt khác, căn cứ vào Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lâm viên Biển Hồ đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt vào năm 2006 và Đồ án điểu chỉnh quy hoạch chung thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…,với sự đầu tư đúng mức, thì chắc chắn thắng cảnh Biển Hồ nói riêng và khu vực Biển Hồ nói chung sẽ có nhiều khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với với vị trí, với giá trị của Biển Hồ cũng như đáp ứng những nhu cầu của nhân dân và du khách thập phương khi đến thưởng ngoạn Biển Hồ.

Điểm đáng chú ý là trước đây ở doi đất như bán đảo của Biển Hồ có Lầu Vọng cảnh để du khách có thể nhìn toàn cảnh Biển Hồ và chụp ảnh lưu niệm. Năm 2018, Lầu Vọng cảnh được phá dỡ để xây dựng bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát như hôm nay nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và của du khách.

Công trình bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát này được Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức xây dựng. Được tỉnh đồng ý. Tượng quan thế âm bồ tát bằng đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân tỉnh Ninh Bình tạc với chiều cao tổng thể 15 mét, phần tượng Phật cao 7 mét, Đài hoa sen cao 3 mét. Đế tượng được ốp đá theo hình bát giác cao 5 mét. Trong thời gian qua nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái với một sự kính trọng và niềm tin thiêng liêng; đồng thời cũng là một công trình tạo điểm nhấn quan trọng của thắng cảnh Biển Hồ.

Cùng với các địa điểm du lịch trong thành phố như Quảng trường Đại đoàn kết với tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, Bảo tàng tỉnh, Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Hồ Diên Hồng, Di tích Lịch sử văn hóa Nhà Lao Pleiku, Đền tưởng niệm Hội Phú, Chùa Minh Thành… cùng nhiều địa danh khác của Pleiku và tỉnh Gia Lai, hy vọng rằng thắng cảnh Biển Hồ cũng sẽ tạo nên những ấn tượng sâu sắc, để lại những kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng du khách khi đến với phố núi Pleiku.

Thanh Hương

 

15:01:13 10-08-2020

Một trong những danh lam thắng cảnh độc đáo của thành phố Pleiku là Biển Hồ (người dân địa phương gọi là Ia Nueng). Biển Hồ vốn là miệng núi lửa cũ đã tắt cách đây khoảng 200 ngàn năm. Cùng với núi Hàm Rồng (Chư HDrông) ở phía Nam Pleiku, Biển Hồ tạo cho […]

Đối tác của chúng tôi