Sự kiện - chuyên đề:

Bình Liêu: Bình yên một dải biên cương

VHDN: Bình Liêu mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân ngọt ngào lễ hội giao duyên của người dân bản địa. Mùa hè mê mẩn trước dải lụa lúa vàng trải dài ngút ngàn trên các thửa ruộng bậc thang. Mùa thu ngỡ ngàng như lạc vào thế giới thần tiên của những cánh đồng lau trắng phủ kín đồi núi và khi đông đến, trong cái rét ẩm ướt, khắp các cánh rừng, bản làng, trên những con đường đất đỏ đều bạt ngàn một màu trắng tinh khôi, đẹp lạ kỳ của hoa sở.

Những ngày cuối năm, trong chuyến công tác, tôi có dịp được về thăm Bình Liêu -một huyện nhỏ vùng biên của tỉnh Quảng Ninh. Trước khi đặt chân đến nơi đây, trong tiềm thức của tôi, Bình Liêu là nơi biên cương hoang vắng và heo hút của núi rừng, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mà ông cha để lại.

Nằm cách thành phố Hạ Long 120km về phía Đông Bắc Quảng Ninh, giáp ranh biên giới với Trung Quốc, cách Hà Nội 270km, Bình Liêu có thể còn là một địa danh khá xa lạ với khách du lịch nhưng khi đã một lần đặt chân đến nơi này, sẽ thấy Bình Liêu hùng vĩ không kém Tà Xùa, hữu tình chẳng thua gì Hà Giang, thơ mộng không kém gì Sapa. Nơi đây đã mê hoặc tâm hồn tôi, bởi thời tiết dịu dàng, cảnh thiên nhiên nên thơ với những thửa ruộng bậc thang xanh muốt. Lần đầu đặt chân đến Bình Liêu, trên cung đường tuần tra biên giới này khiến cho tôi cực kỳ phấn khích bởi cảm giác kích thích muốn chinh phục thử thách và cả vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh núi non trùng điệp.

Vượt sống lưng khủng long, check-in cột mốc 1305 – một quảng đường đầy gian nan và thử thách. Cuộc ngao du, trải nghiệm khó quên với mỗi người khi được đi qua con đường mòn nằm giữa đỉnh núi cao mà dân phượt gọi là “sống lưng khủng long”. Cột mốc 1305 ngập tràn một màu xanh mướt của cỏ lau, của rừng thông xanh bạt ngàn. Đi giữa con đường này trong những ngày nắng đẹp chúng ta được chiêm ngưỡng một khung cảnh núi non vô cùng hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp, xa xa dưới chân núi là thung lũng với những thửa ruộng bậc thang của bà con dân tộc… Đến Bình Liêu mà không một lần đặt chân tới cột mốc 1297 thì thật sự đáng tiếc. Cột mốc 1297 là mốc ngắm hoa lau nở đẹp nhất, con đường leo lên dài gần 1km khá dốc, tuy nhiên có bậc thang nên việc di chuyển dễ dàng hơn. Hai bên bậc thang lau mọc nhiều, đang nở rộ rất đẹp và lãng mạn. Đứng trên cột mốc có thể phóng tầm mắt gần như trọn vẹn các dãy núi trùng trùng điệp điệp của Bình Liêu.

Bình Liêu mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân ngọt ngào lễ hội giao duyên của người dân bản địa. Mùa hè mê mẩn trước dải lụa lúa vàng trải dài ngút ngàn trên các thửa ruộng bậc thang. Mùa thu ngỡ ngàng như lạc vào thế giới thần tiên của những cánh đồng lau trắng phủ kín đồi núi và khi đông đến trong cái rét ẩm ướt, khắp nơi trong các cánh rừng, bản làng, trên những con đường đất đỏ dẫn ra phiên chợ đều bạt ngàn một màu trắng tinh khôi, đẹp lạ kỳ của hoa sở. Hoa sở đẹp và hoang sơ như vẻ đẹp của nàng sơn nữ, mỏng manh và kiên cường, đẹp bất chấp cái khắc nghiệt của gió bấc, mưa xa. Một dải biên cương khi đông về sáng bừng lên bởi những vương miện

 

trắng tinh khôi được kết bằng hoa sở, cài lên điệp trùng đồi núi, thôn xóm, bản làng. Cây sở gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu với người dân Bình Liêu, hoa sở trở thành hình ảnh có tính biểu tượng, thành niềm thương nỗi nhớ và niềm tự hào của người dân mảnh đất này.

Những ngày cuối năm, chợ phiên vùng cao Bình Liêu như nhộn nhịp hơn. Chợ phiên mang đậm nét sinh hoạt của đồng bào các dân tộc tiểu số vùng biên, lưu giữ khá nhiều những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Đến chợ phiên không chỉ để bán, để mua, để giao lưu, gặp gỡ mà còn để cảm nhận những thay đổi nơi vùng cao biên giới Đông Bắc Tổ quốc.

Hồng Nhung

Chia sẻ
22:48:41 22-01-2019

VHDN: Bình Liêu mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân ngọt ngào lễ hội giao duyên của người dân bản địa. Mùa hè mê mẩn trước dải lụa lúa vàng trải dài ngút ngàn trên các thửa ruộng bậc thang. Mùa thu ngỡ ngàng như lạc vào thế giới thần tiên của những cánh đồng lau […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi