Sự kiện - chuyên đề:

Bình Thuận : Hơn 2/3 chặng đường thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

VHDN: Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg giao chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Bình Thuận được giao chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2016 là 68,5%, 2017 là 75%, 2018 là 81%, năm 2019 là 86% và năm 2020 là 90% dân số.

Hơn 2/3 chặng đường đã qua, Bình Thuận đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hằng năm, không những thực hiện hoàn thành mà còn vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao: Năm 2016 vượt 1,18%, 2017 vượt 6,28% và năm 2018 vượt 1,72%. Kết quả đó đã tạo động lực mạnh mẽ, làm chuyển biến căn bản, toàn diện từ tư duy, ý thức, trách nhiệm đến hành động trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân của các cấp các ngành và người dân trong tỉnh.

Theo đó, hằng năm có trên một triệu người dân của tỉnh đã và đang được chăm sóc sức khỏe. Đây là cái lớn, cái đích cuối cùng trong thực hiện chính sách BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận.

Theo con số thống kê từ cơ quan BHXH, hằng năm nguồn kinh phí chi thanh toán khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT cho người dân trên địa bàn tỉnh là trên dưới 1.000 tỷ đồng. Trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn, đây chính là số tiền không nhỏ đối với sự nghiệp an sinh xã hội ở tỉnh. Theo đó, đã có hàng ngàn hộ gia đình may mắn thoát cảnh khó khăn về kinh tế khi có thành viên không may bị ốm đau, bệnh tật, được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi và quyền lợi được hưởng. Hàng ngàn người được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng; hàng trăm người được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB hàng trăm triệu đồng; nhiều trường hợp được thanh toán từ 300 đến 500 triệu đồng/năm… Với chi phí KCB như trên, nếu không có BHYT, nhiều bệnh nhân và gia đình sẽ rơi vào bẫy nghèo đói, khốn khó. Tiếp xúc với bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, mọi người đều khẳng định BHYT là chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, là “bà đỡ”, chỗ dựa tin cậy cho người dân khi chẳng may đau ốm, bệnh tật.

Trong giai đoạn hiện nay, địa phương đang thực hiện Nghị quyết số 32/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Thuận quy định giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đó, có 3 nhóm dịch vụ (DV) áp dụng cho người chưa có BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, như: giá dịch vụ KCB tăng bình quân 149%, giá dịch vụ ngày giường bệnh tăng bình quân 168%, giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng bình quân 136%. Với người chưa tham gia BHYT, khi đi KCB sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền để chi trả các chi phí, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và cuộc sống của gia đình. Vì vậy mở rộng diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân đặc biệt có ý nghĩa trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo mức phí đóng BHYT quy định như hiện nay, người tham gia BHYT chỉ phải bỏ ra số tiền từ 900 đến 2.100 đồng/ngày là được bảo hiểm về y tế, nhưng có được sự yên tâm hơn trong cuộc sống với bản thân và gia đình. So với mức hưởng BHYT như đề cập ở trên, lần nữa cho thấy tính nhân văn của chính sách BHYT, sự chia sẻ rủi ro từ cộng đồng những người tham gia BHYT, từ nguồn quỹ BHYT và sự hỗ trợ của nhà nước.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT của Chính phủ giao. Hằng năm có thêm hàng chục ngàn người tham gia BHYT (tương đương 5% dân số). Bình Thuận đã tiệm cận đến mục tiêu BHYT toàn dân và theo lộ trình thì năm 2019 có 86% và đến năm 2020 có 90% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện còn khoảng 19% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, thách thức được dự báo là không hề nhỏ, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Song song với việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT, chỉ tiêu bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động cũng đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là BHXH tỉnh – cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN rất quan tâm. Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH. Phấn đấu đến năm 2021: Có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp… Trong khi hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 13% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và khoảng 12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Với quyết tâm chính trị cao nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể CBCCVC BHXH tỉnh; ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị, doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

 Phạm Đình Cang

Chia sẻ
22:37:51 15-05-2019

VHDN: Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg giao chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Bình Thuận được giao chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2016 là 68,5%, 2017 […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi