Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà máy điện

Theo đánh giá của Bộ Công thương, TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ do tập đoàn này đang gặp khó khăn trong huy động vốn cho các dự án đầu tư, trong đó có vốn đối ứng triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I. Trong khi đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư để hợp tác của TKV cũng gặp khó khăn do thu xếp vốn vay cho dự án không có bảo lãnh Chính phủ vì vậy tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến chậm triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, không lường hết các yếu tố phát sinh như trượt giá, trượt tỷ giá…

“Giao Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I cho liên danh Geleximco – HUI, sẽ giúp TKV giảm áp lực thu xếp vốn, và tập trung thực hiện các dự án khác. Thay thế TKV tại dự án này, liên danh Geleximco và đối tác có trách nhiệm khẩn trương thực hiện dự án theo quy định đảm bảo tiến độ, chất lượng; thoả thuận bàn giao dự án, xem xét thanh toán các chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà TKV đã thực hiện”, công văn của Bộ Công thương kiến nghị.

Giải tỏa bế tắc và bảo đảm an ninh năng lượng

Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Geleximco cho biết, khả năng vay vốn nước ngoài, nhất là châu Âu để đầu tư các nhà máy nhiệt điện hiện nay là bất khả thi. Hơn 3 năm trước, khi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Geleximco làm chủ đầu tư đi vào triển khai, đã có lúc bế tắc về nguồn vốn. Geleximco đã mời nhà thầu từ các nước phát triển như: Pháp, Anh, Mỹ… nhưng không nhà thầu nào thu xếp được tài chính, mà đây là yêu cầu tiên quyết trong hồ sơ yêu cầu lựa chọn tổng thầu. Trước thực tế đó, Geleximco đã đàm phán được với Tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang, nhà thầu đã chứng minh được năng lực và có kinh nghiệm tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê mà TKV đầu tư trước đây. Kaidi Dương Quang và Geleximco đã hợp tác giải bài toán nguồn vốn vay cho dự án, từ đó công trình sớm đi vào triển khai, đến nay đã hoàn thành giải ngân dự án trên 90%. Nhờ dòng vốn được “bơm” kịp thời, cuối tháng 5 vừa qua, Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long đã chính thức phát điện thương mại lên hệ thống lưới điện quốc gia, Tổ máy số 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7-2018, hoàn thành vượt tiến độ khoảng 2 tháng, đặc biệt nhà máy đảm bảo tối ưu hóa tất cả các yêu cầu về công nghệ và xử lý môi trường nghiêm ngặt của Chính phủ đề ra, tiết kiệm cho chủ đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Về công nghệ, với nhà máy điện đốt than, quan trọng nhất là hệ thống lò hơi. Theo đó, công nghệ sử dụng trong Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I được liên danh Geleximco – HUI đề xuất là công nghệ siêu tới hạn, sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Các hệ thống vận hành chính của nhà máy sẽ được mời thầu quốc tế, sử dụng sản phẩm của các nước G7 hoặc sản phẩm có ủy quyền thiết kế chế tạo của các nước đó. Trên thực tế, công nghệ này đã được áp dụng thành công tại Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long với lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.

Mặt khác, với công nghệ này, nhiệt độ đốt thấp từ 850 – 920 độ C giúp hạn chế độc hại phát thải ra môi trường lại đạt hiệu quả kinh tế cao do than đốt chưa cháy hết được tuần hoàn đi tuần hoàn lại cho đến khi bị đốt kiệt. Nhà máy cũng sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi, bụi giữ lại từ 90 – 99%. Các phế thải sau đó được sử dụng cho công nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng (gạch không nung) theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng áp dụng cho nhà máy điện than. Ngoài ra, hệ thống của nhà máy còn xử lý được các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu… nước thải không xả ra môi trường mà được tái sử dụng hết.

Trở lại với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I, khi được giao đầu tư từ năm 2009, khởi công vào tháng 10-2015 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng. Tại công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề xuất phương án hợp tác đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập I vào ngày 11-6-2018 nêu rõ: “Thực hiện rà soát các dự án đang triển khai mà nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dẫn đến chậm tiến độ để có biện pháp xử lý thích hợp; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư các dự án nguồn điện phù hợp nếu đáp ứng yêu cầu không cần bảo lãnh Chính phủ, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường và có giá thành sản xuất điện hợp lý”. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể triển khai dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2018.

Rõ ràng, một dự án điện được đưa vào hoạt động không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực trạng nền kinh tế hiện nay cho thấy cần tin tưởng và trao cơ hội cho các tập đoàn tư nhân Việt Nam để họ chủ động “lập trình” việc đầu tư dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu về công nghệ, môi trường mà Chính phủ đặt ra. Có như vậy, mới nhanh chóng gỡ được những “điểm nghẽn” về đầu tư năng lượng đang rất cấp thiết hiện nay.

Bài và ảnh: THÁI HÀ theo QDND