Sự kiện - chuyên đề:

Chị Y VÊNG, như cánh chim Chơ Rao bay cao giữa đại ngàn Tây Nguyên

VHDN: Chị Y Vêng sinh năm 1950, người Dân tộc Xơ Đăng, sinh ra và lớn lên ở làng Van Tó, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Sinh ra trên quê hương anh hùng nên chị đã sớm giác ngộ cách mạng và đi theo các lớp cha, anh làm cách mạng, vậy nên chị đã trưởng thành từ rất sớm. Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Kon Tum. Cha là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, ông rất nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; con trai chị là U Huấn Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Tuổi thơ đã theo Cha đi kháng chiến.

Cha chị Y Vêng là ông A Tranh, ông theo bộ đội đi đánh giặc từ khi cái đầu cao chưa qua ngọn bắp, là một chiến sĩ gan dạ, mưu trí, dũng cảm, lập được nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1970 ông đã được đề nghị phong tặng anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, nhưng do cuộc chiến tranh ở đây trong giai đoạn này hết sức cam go, ác liệt nên hồ sơ, giấy tờ đã bị thất lạc, mãi đến năm 1995 ông mới được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chị Y Vêng nhớ lại khi còn rất nhỏ, vào một ngày trời mưa rất to, những con sông, con suối ở đây nước lớn và chảy xiết đi lại rất khó khăn, những người dân trong buôn làng không đi làm gì được đã tụ tập ở nhà bàn tán rất là nhiều chuyện, và cũng chính về chuyện này mà cha của chị Y Vêng mới có cơ hội nói chuyện với bà con thôn làng để tuyên truyền họ: “ Bà con mình phải đoàn kết ,thương yêu lẫn nhau để tạo nên sức mạnh đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Ông còn nói nó giống như những cái cây trong rừng nếu mọc đơn lẻ ở bìa rừng thì gió to nó dễ bị ngã, gãy. Còn mọc như những cái cây mọc trong rừng sâu nó thành hàng, thành bụi thì cho dù gió to đến mấy cũng khó làm nó ngã gãy. Chúng ta muốn đánh đuổi được giặc Mỹ xâm lược thì chúng ta phải đoàn kết trên dưới một lòng lại. Phải nghe theo Đảng, đi theo Bác Hồ cùng bộ đội giải phóng đuổi được giặc giải phóng đất nước thì cuộc sống của chúng ta mới được tự do, được ăn no, mặc ấm”. Từ đó người dân làng Van Tó, xã Đăk Ui nghe theo lời ông A Tranh cùng nhau đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội giải phóng. Cài đặt chông đánh đuổi Mỹ- Ngụy. Cho nên năm 1971 xã Đăk Ui đã được phong tặng danh hiệu xã Anh Hùng.

Mặc dù khi đó chị Y Vêng mới có 7 tuổi, nhưng với sự thông minh và nhanh nhẹn, chị đã cùng bà con đi cắm chông, đưa cơm cho bộ đội ở các hầm bí mật ở trong rừng, trong đó có cả hầm của cha chị và được ông dặn dò: “ Đừng cho ai nhìn thấy, cũng đừng nói với ai nghe con…”. Từ đó chị Y Vêng hiểu được câu nói và ý nghĩa của việc mình làm. Cứ mỗi lần đi đưa cơm, cõng gạo hay đưa tin cho bộ đội chị lại nhìn trước, ngó sau với sự nhanh nhẹn những bước chân thoăn thoắt khó có người nào theo kịp. Có những lúc chị lại cất tiếng hát thánh thót như giọng hót của chim Chơ Rao vang vọng cả một vùng núi rừng Tây Nguyên. Ngoài ra chị còn kêu gọi tuyên truyền cho những người có cùng lứa tuổi với chị đi đưa cơm, cõng gạo cho bộ đội, đào hầm, cắm chông chống những cuộc càn quét của Mỹ – Ngụy.

(Bà Y Vêng đang khuyên bảo các cháu lo học hành)

Chị kể lại tháng 12-1962 khi mới được 12 tuổi theo cha đi dự lễ kỷ niệm 18 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại xã Đăk Côi, H16 (nay thuộc huyện Kon Rẫy). Cũng từ đây chị xin đi theo đoàn văn công nghiệp dư của huyện đi hát những bài dân ca của các dân tộc như Xơ Đăng, Ê Đê, Ba Na, JRai… và những làn điệu hát Xoan để tuyên truyền cho bà con đi theo Cách mạng và động viên tinh thần cho bộ đội giải phóng đánh giặc. Cũng từ đây chị được các anh bộ đội dạy cho cách bắn súng, ném lựu đạn, huấn luyện, đánh giặc theo kiểu du kích, theo kiểu tấn công và cùng các anh tham gia rất nhiêu trận đánh ở khu vực rừng núi Gia Lai – Kon Tum giết được nhiều Mỹ – Ngụy .

Như cánh chim Chơ Rao bay giữa đại ngàn Tây Nguyên không biết mệt mỏi, ngày ngày chị vẫn thường xuyên tập múa, tập hát, khâu quần vá áo đi biểu diễn văn nghệ, tham gia nhiều trận đánh tiêu diệt được nhiều giặc với những thành tích không hề nhỏ. Cuối năm 1968, khi chưa tròn 19 tuổi chị đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và được phân công làm Đội trưởng Đội du kích xã, những năm này là thời điểm nóng bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, địch đã huy động các đơn vị quân đặc biệt tinh nhuệ như: “Sư đoàn Tia chớp nhiệt đới”, “Không vận số 7”, “Kỵ binh bay”, những đội Quân thám báo tinh nhuệ đổ bộ xuống Tây Nguyên như đèo An khê, Mang Yang, Plei Me… (Gia Lai): Tân cảnh, Đăk Lây, Đăk Ui ( Kon Tum). Cũng chính vào thời điểm này khi nhận được tin địch đưa quân đi càn quét chị đã chỉ huy 5 đội viên du kích của xã Đăk Ui gồm 3 nam 2 nữ đến Eo đồi Ngọc La để phục kích đánh địch. Trận đánh không cân sức giữa một bên là tiểu đoàn lính Mỹ – Ngụy hỗn hợp, một bên là đội quân du kích do chị chỉ huy với vũ khí thô sơ. Nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu đội du kích của chị đã hy sinh 3 chiến sĩ nam còn 2 chiến sỹ nữ thì bị lạc trong rừng, chỉ còn lại một mình chị với khẩu Cạc bin trong tay vẫn nhả đạn về phía chúng, rồi chị nhanh như con sóc thoăn thoắt nhảy qua các gốc cây rừng nhảy vào hang đá để chốn. Cuối cùng chúng không làm gì được tức quá đành nhả đạn vu vơ về phía chị xong thu dọn chiến trường rồi rút quân.

Những năm tháng trở về phục vụ nhân dân.

Được tôi luyện, rèn dũa trong chiến đấu, công tác chị ngày càng vững vàng và trưởng thành hơn. Năm 1970 đã được bầu vào ban chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp làm Bí thư Chi bộ xã Đăk Ui. Năm 1971, chị được điều về làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ H 16. Năm 1972, tại Đại hội Đảng bộ huyện chị được bầu làm Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy. Cũng trong năm này chị lấy chồng là anh U Điều, bộ đội  làm lính của cha chị, đã nhiều năm cùng cha chị chiến đấu trên khắp chiến trường Gia Lai – Kon Tum. Cưới nhau xong chị lo công tác dân vận, còn anh tiếp tục đi các chiến trường kể cả chiến trường Campuchia, giúp nước bạn đánh đuổi tàn quân Pôn Pốt. Đến năm 1979 anh mới trở về và năm 1980 anh, chị sinh được người con trai đầu lòng đặt tên là U Huấn. Cũng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong quá trình công tác, mặc dù công việc bề bộn nhưng chị vẫn giành thời gian đọc sách và học văn hóa, nghiên cứu triết học Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chị đã được điều về làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Phó ban Dân vân Tỉnh ủy. Cho đến tháng 10 năm 1991 tỉnh Gia Lai – Kon Tum chia tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trong các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, X và XI chị được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng. Trong quá trình công tác, cho dù ở vị trí nào hay cương vị nào, chị luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức tư tưởng đạo đức của người chiến sĩ cách mạng và tận tụy hết lòng phục vụ nhân dân nên được nhân dân tin yêu và kính trọng và bầu vào đại biểu Quốc Hội khóa X , khóa XI và chị lần lượt ngồi ở vị trí như Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, rồi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum và Ủy viên Ban Chấp trung ương Đảng khóa IX, khóa X. Năm 2010 chị được Nhà nước cho về nghỉ chế độ.

Đây là khoảng thời gian quý báu cho chị được nghỉ nghơi để thường xuyên về quê hương nơi chị sinh ra và lớn lên để được quây quần với bà con thôn làng và dạy bảo thêm cho con cháu của chị là người dân tộc thiểu số. Đó cũng là ước mơ quá đỗi bình thường và giản dị của chị.

Bài, ảnh: Lê Trọng Sáng

10:25:44 06-01-2023

VHDN: Chị Y Vêng sinh năm 1950, người Dân tộc Xơ Đăng, sinh ra và lớn lên ở làng Van Tó, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Sinh ra trên quê hương anh hùng nên chị đã sớm giác ngộ cách mạng và đi theo các lớp cha, anh làm cách mạng, […]

Đối tác của chúng tôi