Sự kiện - chuyên đề:

Chuyện ở cơ quan BHXH “nhiều nữ”

VHDN: Có một thực tế, đa số cơ quan BHXH trên cả nước, cán bộ nữ luôn chiếm số đông. Đối mặt với nhiều áp lực khi lượng công việc liên tục tăng, những cán bộ nữ cơ quan BHXH cũng phải biết vượt lên vất vả, tất cả vì công việc phục vụ Nhân dân.

Tập thể cán bộ nữ BHXH huyện Thanh Oai.

Những lần sáng đèn, về muộn

Nằm trên con phố chính của thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai, Hà Nội), trụ sở BHXH của huyện mang trên mình dáng vẻ khiêm tốn, nhưng bên trong tối nào cũng sáng đèn vì công việc. “Trụ sở cơ quan BHXH huyện bao giờ cũng là một trong những nơi sáng đèn muộn nhất ở con phố này”, chị Nguyễn Thị Bích Thục – Giám đốc BHXH huyện Thanh Oai mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Từ đây, nhiều tâm sự cũng được chị bộc bạch.

Chị Thục cho biết, do đặc thù công việc, 14 cán bộ cơ quan BHXH ở đây, đặc biệt là 9 cán bộ nữ có nhiều lúc phải “căng mình” để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trọn vẹn nhất. Khối lượng công việc ngày càng nhiều, nhân sự ít, nên hầu hết cán bộ đều phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều đầu việc. Ngay cả những mảng công việc khó khăn, phức tạp nhất cũng đều phải chia đều, không phân biệt nặng, nhẹ với cán bộ nam hay nữ. Dĩ nhiên với cán bộ nữ, những vất vả, nhọc nhằn dường như lớn hơn.

“Những lần phải trực tiếp đến đốc thu ở từng đơn vị, cán bộ nữ chịu áp lực lắm; đến gọi cổng rồi bị thả chó ra đuổi là thường”, Giám đốc BHXH huyện Thanh Oai nhớ lại những ám ảnh về khoảng thời gian còn đảm đương chuyên trách công tác nghiệp vụ cách đây chưa lâu.

Hiện trên địa bàn Thanh Oai có khoảng 960 đơn vị sử dụng lao  động (SDLĐ) tham gia BHXH, trong đó có tới hơn 90% doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ với chỉ 1-2 lao động. Quy trình thu với những đơn vị này cơ bản vẫn phải qua bấy nhiêu bước, thậm chí còn phức tạp hơn khi đầu mối cán bộ chuyên trách ở đơn vị gần như không có. Yêu cầu đặt ra là phải thu đúng, đủ nên từng cán bộ chuyên quản đều phải đốc thu sát sao, trách nhiệm từng tháng. Nếu không đến trực tiếp thì cũng phải liên tục gọi điện hướng dẫn, thúc giục, nhất là những ngày cuối tháng, cuối năm.

Chia sẻ thêm về những lần “sáng đèn” về muộn, lãnh đạo BHXH huyện Thanh Oai cho biết: “Cứ đến những ngày cuối tháng, cuối năm, cán bộ phải làm thêm tối ở cơ quan để kịp tiến độ. Cán bộ nam còn đỡ chứ với cán bộ nữ thì mỗi lần về muộn, thậm chí phải về khuya là thêm một lần “ái ngại” với chồng và gia đình nhà chồng”. Chị Thục tâm sự như để chúng tôi hiểu hơn tại sao trụ sở cơ quan BHXH luôn sáng đèn muộn nhất, khuya nhất ở đây.

Cũng theo lời tâm sự của nữ Giám đốc BHXH huyện, những công việc thường xuyên còn cố gắng sắp xếp được, nhưng với những đợt “cao điểm” thì cường độ làm việc luôn căng thẳng ở mức cao và không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận “tăng ca” thường xuyên.

Đơn cử như với dịp tăng cường vận động cài đặt VssID, cán bộ BHXH đi làm từ sớm, trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt; tối về muộn, lại ôm máy tính làm đến khuya cho tới khi xong việc. Công việc cứ tiếp diễn như vậy hằng ngày trong dịp “cao điểm”.

Cũng tương tự như thế, dịp cao điểm giải quyết hồ sơ hỗ trợ DN, NLĐ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Rà soát dữ liệu, gửi thông báo giảm đóng đến từng DN; rồi lại đôn đốc DN gửi thông tin kê khai của NLĐ, rà soát dữ liệu quá trình đóng, thông tin số điện thoại, số tài khoản ATM của NLĐ… Tất cả phải đảm bảo chuẩn chỉ, chính xác và nhanh nhất có thể. Áp lực dồn lên chỉ với 14 cán bộ trong khoảng 3 tháng cuối năm.

Mong được sẻ chia

Nói về những áp lực công việc mà cán bộ nữ ở cơ quan BHXH thường xuyên phải đối mặt, chị Nguyễn Thị Bích Thục kể câu chuyện vui: Có cán bộ nữ tâm sự, quá nhiều lần về muộn nên không ít lần ông chồng nói gửi đơn ly hôn. Nghe vậy, tôi cũng chỉ biết nói vui “thôi chờ mấy ông chồng của chị em ở cơ quan cùng nộp một thể cho đông”, chị Thục nói với giọng hóm hỉnh nhưng cũng đầy thương cảm cho những cán bộ nữ cấp dưới của mình. Hơn ai hết, với thâm niên trong ngành, chắc hẳn chị cũng đã từng có những trải nghiệm tương tự nên thấu hiểu hơn cả. “Nhiều lúc nữ cán bộ về muộn quá, chồng gọi video call, lãnh đạo BHXH huyện phải cố tình “chen” vào nói khó hộ, cốt cũng chỉ để mong nhận được sự thông cảm cho công việc chung” chị Thục kể.

Cán bộ BHXH huyện Thanh Oai thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp.

Có thể hiểu được phần nào “cái khó” của cán bộ cơ quan BHXH, nhất là những nữ cán bộ với những lần phải tăng ca, về muộn. Quả thực, rất khó để lý giải những nhiệm vụ mang tính đặc thù của cơ quan BHXH với người ngoài, ngay cả khi đó là những ông chồng. Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, nhìn lại những năm gần đây, năm nào cũng có những chiến dịch “cao điểm”. Ngoài VssID hay 116, trước đó còn là DK, DK-DC hay bàn giao sổ… Những cách gọi mang đậm tính chuyên môn mà chỉ người trong ngành mới có thể hiểu vì sao phải làm thêm, về muộn hay phải thường xuyên mang việc về nhà.

Vất vả như vậy, nhưng những nữ cán bộ BHXH huyện Thanh Oai vẫn luôn bền bỉ trong nhiều năm qua. Trong số 9 cán bộ nữ được biên chế chính thức ở đây, người có thâm niên lâu nhất là 25 năm, ít nhất cũng đã được 10 năm.

Như đã nói ở phần đầu bài viết, không chỉ riêng với BHXH huyện Thanh Oai, thực tế là ở đa số cơ quan BHXH trên cả nước, cán bộ nữ luôn chiếm số đông hơn nam. Có lẽ đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó vốn có của người phụ nữ Việt Nam là yếu tố để những nữ cán bộ cơ quan BHXH trên khắp cả nước luôn bền bỉ và vượt qua những áp lực công việc đang ngày càng lớn hơn.

 

Với lực lượng cán bộ mỏng, trong đó trên 62,5% là cán bộ nữ, đối mặt với áp lực công việc không hề nhỏ, nhưng các năm qua thành tích đạt được của BHXH huyện Thanh Oai rất đáng ghi nhận. Đơn cử như năm 2022 vừa qua, số lao động tham gia BHXH bắt buộc đạt 12.193, tăng 1.646 người so với năm trước; 2.357 người tham gia BHXH tự nguyện tăng 332 người so năm 2021. Số tham gia BHYT đạt 164.406 người, tăng 6.690 người so với năm 2021.

Tổng số thu của BHXH huyện Thanh Oai năm 2022 đạt 363,1 tỷ đồng, tăng 43,7 tỷ đồng so với 2021, vượt kế hoạch 12,5 tỷ đồng (vượt 2%), tăng 13,68% so với năm 2021. Tỷ lệ số tiền chậm đóng giảm còn 2,4% (tỷ lệ chậm đóng bình quân chung của các quận, huyện ở Hà Nội là 2,5%).

Đức Minh

 

14:16:51 09-03-2023

VHDN: Có một thực tế, đa số cơ quan BHXH trên cả nước, cán bộ nữ luôn chiếm số đông. Đối mặt với nhiều áp lực khi lượng công việc liên tục tăng, những cán bộ nữ cơ quan BHXH cũng phải biết vượt lên vất vả, tất cả vì công việc phục vụ Nhân […]

Đối tác của chúng tôi