CP Food-công ty con của tập đoàn lớn nhất Thái Lan – Charoen Pokphand Group vừa cho biết sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng một trung tâm chế biến thịt gia cầm và thịt lợn xuất khẩu tại Việt Nam.

Chuyên gia nhận định, CP Food sẽ biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, để hưởng đặc quyền thuế và xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu thông qua CPTPP

Chuyên gia nhận định, CP Food sẽ biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, để hưởng đặc quyền thuế và xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu thông qua CPTPP

FDI mở rộng xuất khẩu thông qua Việt Nam

Ông Montri Suwanposri, Giám đốc điều hành CP Việt Nam (CP Vietnam), một đơn vị của CP Food, cho biết đến nay công ty ông đã đầu tư tổng cộng 1 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 1993.

“CP Food sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chiếm 15% trong tổng doanh thu của công ty, bằng cách đầu tư thêm vào các nhà máy chế biến thịt. Nhà máy chế biến gia cầm hoàn thành sẽ có công suất chế biến 1 triệu con gà mỗi tuần. Tổng sản lượng thịt gà từ các hoạt động của CP Food tại Việt Nam vẫn thấp hơn đơn vị Thái Lan, nhưng công ty có kế hoạch nâng cao năng lực nhà máy tại Việt Nam trong tương lai”, ông Montri Suwanposri nhấn mạnh.

CP Food đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu thịt, cũng như tôm và cá, với hầu hết tất cả các loại thịt chế biến được đặt từ Việt Nam sang Nhật Bản, Trung Đông, Liên minh châu Âu và các nước khác.

Thậm chí, Giám đốc điều hành CP Việt Nam Montri Suwanposri còn cho biết, CP Food đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu tôm với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Công ty đang xem xét tăng công suất nuôi tôm ở Việt Nam lên 50 tỷ đơn vị mỗi năm (hiện tại đang là 12 tỷ một năm).

Bước đi của CP Food và sự đầu tư của doanh nghiệp này vào thị trường Việt Nam là ví dụ mới nhất về việc các công ty Thái Lan mở rộng sang các nước láng giềng có tiềm năng tăng trưởng. Xu hướng này đang nuôi dưỡng một loạt các ngành công nghiệp ở khu vực sông Mê Kông.

Bởi trên thực tế, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ bảy phê chuẩn CPTPP vào tháng 11/2018, trong khi đó Thái Lan thì chưa. Theo cam kết CPTPP, hàng hóa của doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Nhất là các mặt hàng có thế mạnh như nông thủy sản, điện tử, dệt may, da giày… đa số đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Cụ thể, việc tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78 – 95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 – 10 năm, đến cuối lộ trình giảm thuế, sẽ xóa bỏ đến 98 – 100% số dòng thuế. Như vậy, từ ngày 14/1/2019, hàng nghìn dòng thuế được xoá bỏ theo lộ trình cho hàng Việt. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có.

“CP Food sẽ biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, để hưởng đặc quyền thuế và xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu thông qua CPTPP. Ví dụ, Thái Lan có hạn ngạch xuất khẩu thịt gà sang EU. Nếu như họ đã sử dụng hết hạn ngạch từ Thái Lan, họ có thể xuất khẩu nhiều hơn bằng cách sử dụng hạn ngạch của Việt Nam”, Nhà phân tích của Bualuang Securities, một công ty chứng khoán hàng đầu ở Thái Lan nhận định.

Dữ liệu từ ASEAN cho biết, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đạt khoảng 780 triệu USD trong giai đoạn 2015-2017, tăng gấp ba lần so với giai đoạn 2010-2012.

Điều đáng nói, trong khi các doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh hoạt động đầu tư để tận dụng lợi thế từ CPTPP thì doanh nghiệp trong nước lại đang “bỏ phí”. Số liệu mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ghi nhận, quý I/2019, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng rất ít cơ hội xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP.

Nâng sức cạnh tranh doanh nghiệp nội

“Mặc dù có CPTPP, nhưng sau nhiều năm Việt Nam luôn tăng trưởng xuất khẩu vào Australia thì trong quý I/2019 xuất khẩu vào thị trường này lại giảm tới 14,6%, ít nhiều cho thấy việc tận dụng CPTPP để thâm nhập các thị trường khó tính là không dễ. Còn các thị trường xuất khẩu khác được cho là nhiều tiềm năng thì giá trị xuất khẩu quý I cũng khiêm tốn như: xuất khẩu vào Canada đạt 864 triệu USD; vào Mexico đạt gần 497 triệu USD…”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết.

Do đó, các chuyên gia đều cho rằng, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước thì bản thân doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội. Song song với đó, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng – yếu tố không thể thiếu được trong “hành trang” của doanh nghiệp khi tiến vào CPTPP. Nói như ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, bên cạnh lợi thế doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt.

“Chúng ta thấy rằng, với những quy định trong CPTPP, các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ thị trường các nước tham gia hiệp định cho đến “sân nhà”. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp với kinh tế thị trường còn kém, sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao thì nguy cơ bị lấn át tại thị trường nội địa không phải là ít”, ông Khanh đánh giá.

Vì vậy, theo ông Khanh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định, để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, một thách thức lớn không thể không nhắc đến đối với hàng hóa Việt Nam đó là quy tắc xuất xứ hàng hoá. Một số ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều khi tham gia CPTPP như da giày, dệt may…cũng gặp rào cản về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

“Để giải quyết bài toán này, buộc chúng ta phải có lộ trình chủ động nguyên liệu trong nước. Hiện đa số doanh nghiệp nhập nguyên liệu đầu vào từ các nước ngoại khối. Do đó, đã đến lúc phải nhanh chóng chuyển từ nhập nguyên liệu từ các nước tham gia Hiệp định CPTPP để đủ điều kiện quy tắc xuất xứ. Về lâu dài, các doanh nghiệp cũng cần tính đến việc đầu tư, thu hút liên kết đầu tư vùng nguyên liệu tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất trong nước”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da-giày-túi xách chia sẻ.

Theo enternews