Sự kiện - chuyên đề:

“Đèn xanh đèn đỏ” và tấm lòng của một người yêu thơ

VHDN: Anh thương binh Khúc Văn Lâm, người quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, một “miền quê huyền thoại”, một miền đất giàu truyền thống thi ca. Có thể nói rằng, anh là người yêu thơ, say thơ, một hồn thơ. Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc thi phẩm của anh.

Tác giả Khúc Văn Lâm.

Đề tài an sinh xã hội, về nếp sống văn hóa, trật tự giao thông, giữ gìn sự yên bình cho cuộc sống hôm nay, thật phong phú, nhưng khó viết cho hay và cũng ít người chịu viết. Hưởng ứng cuộc thi sáng tác văn học của Công an tỉnh Thái Bình, tác giả Khúc Văn Lâm đã vượt lên quy luật ấy, hoàn thành tập thơ “Đèn xanh, đèn đỏ” khá dầy dặn và đầy tâm huyết.

Đèn xanh đèn đỏ, tín hiệu chỉ dẫn người, xe lưu thông trên các ngã tư đường phố. Đèn xanh đèn đỏ cũng là biểu tượng gần gũi về Luật Giao thông của ngành công an. Đèn xanh, thông báo về sự yên lành, an toàn. Đèn đỏ cảnh báo về sự nguy hiểm cần chú ý.

Đèn xanh, đèn đỏ rõ ràng

Ta đi ta ngắm đúng sang cũng vừa

Tập thơ bắt đầu bằng phần nói về “mạch máu giao thông”. Đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Luật lệ rõ ràng, tuyên truyền giáo dục sâu rộng, thường xuyên, vậy mà “mạch máu giao thông” của chúng ta vẫn còn xảy ra nhiều việc đau lòng. Các đồng chí công an điều khiển giao thông, các biển báo chỉ dẫn, các phương tiện thông tin đại chúng,… đã góp phần không nhỏ cho sự an toàn trên từng cây số. Khúc Văn Lâm muốn góp một tiếng thơ, nôm na, trực tiếp, nhắc nhở mọi người về từng vấn đề cụ thể, không thể xem thường khi tham gia giao thông.

Trước hết, Khúc Văn Lâm nhấn mạnh vào yếu tố con người, nhận thức của người tham gia giao thông phải được xác định đầu tiên. Vỉa hè là của người đi bộ. Lòng đường là của ô tô, xe máy, người đi xe đạp, đi mép đường trong…

Ai ơi! Nhớ lấy mọi điều

Giao thông chỉ dẫn theo chiều ta đi

Chỉ riêng một việc “Đi theo phần đường”, tưởng rất giản đơn mà cũng có người, có nơi, có khi, không thực hiện được. Khúc Văn Lâm nhắc nhở nhiều việc rất cụ thể: “Để gọn gàng vật liệu”, không “Đèo hàng cồng kềnh”, “Lấn chiếm vỉa hè” cản trở giao thông. Xe máy không được đèo ba, phải đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm nên nhớ cài khóa… Nhiều việc cập nhật, rất có tính thời sự: đã uống rượu bia thì không cầm lái, cấm các trò đánh võng, đua xe…

An toàn giao thông phải gắn liền với môi trường giao thông. Khi ta phát động phong trào giữ gìn cho đường thông hè thoáng, đảm bảo mỹ quan thành phố, Khúc Văn Lâm là nhà thơ tiên phong khai thác đề tài này. Chuyện bán hàng, bàn ghế, dụng cụ ngang nhiên đây đó ở những hành lang giao thông, dẹp xong hôm trước, hôm sau vi phạm, nhà thơ nhắn nhủ “Chấp hành tổ phố mọi người/Xây dựng nếp sống cho đời văn minh”. Cây xanh cảnh đẹp, đường phố phong quang, nhưng vẫn xin nhắc nhở:

Đường đi mỗi ngày một đông

An ninh đường phố từ trong ra ngoài.

Môi trường đẹp, nhưng an ninh đường phố còn cần đẹp hơn. Ngày mùa, rơm rạ nhiều, không nên lấy lòng đường làm sân phơi. Đường sá đang phẳng, đẹp, lẽ nào lại đào bới lên “Sớm trưa chiều tối từng giờ/ Phòng khi ách tắc bất ngờ xảy ra”. Người lái xe tải, chở nguyên vật liệu, than, cát, đá, xi măng…được nhắc nhở giữ gìn môi trường rất cụ thể: “Ta nên che đậy vào ra an toàn…”. Che đậy cho nguyên vật liệu khỏi rơi vãi, góp phần bảo đảm an toàn cho môi trường giao thông.

Một loạt vấn đề về tệ nạn xã hội cũng được đề cập tới trong “Đèn xanh đèn đỏ”. Đèn xanh cho những việc làm người tốt việc tốt, như: trồng cây xanh, bảo vệ rừng, bảo vệ chim muông động vật hoang dã, trồng tre chắn sóng, bảo vệ cây xanh bóng mát… Đèn đỏ cảnh báo những việc làm ô nhiễm môi trường, chống ồn, chống bụi, chống xả nước thải ra sông ngòi, chống khai thác cát trái phép, chống bạo lực gia đình. Đèn đỏ cực lực lên án tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực, đánh nhau, gây gổ, làm mất trật tự nơi công cộng.

Đây là những việc làm cả xã hội phải quan tâm, đâu phải chỉ là công việc của ngành công an. Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, trong chương trình hoạt động của mình, đã thực sự góp tiếng nói của mình, làm cho cuộc sống của chúng ta văn minh trong sáng hơn. Trong các nhà trường, các tiết học giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng đã làm tốt công tác an sinh xã hội. Tôi nghĩ các bài thơ trong “Đèn xanh đèn đỏ” của Khúc Văn Lâm, có thể dùng để làm bài đọc thêm, bài học thuộc lòng cho học sinh.

Nhà nước quy định rõ ràng

Điều khiển xe máy phải càng thấm sâu

Học sinh nên nhắc nhở nhau

Luật lệ xe máy ta mau chấp hành…

Nôm na, thiết thực, dễ đọc, dễ nhớ, là chủ ý của tác giả Khúc Văn Lâm. Thể thơ lục bát mà nhà thơ quen dùng, được thể hiện trong “Đèn xanh đèn đỏ” là rất đắc dụng. Thơ về an ninh trật tự, xã hội, môi sinh, nếp sống văn hóa văn minh, mà ngành công an phát động, rất cần những cây bút giàu lòng tâm huyết như tác giả “Đèn xanh đèn đỏ” Khúc Văn Lâm.

Lương Hữu

Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình

Chia sẻ
14:25:24 25-10-2017

VHDN: Anh thương binh Khúc Văn Lâm, người quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, một “miền quê huyền thoại”, một miền đất giàu truyền thống thi ca. Có thể nói rằng, anh là người yêu thơ, say thơ, một hồn thơ. Tạp chí Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi