Sáng 23/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả và phát triển nhanh và bền vững”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế”,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế”.

Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nhập quốc tế là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước được cụ thể hoá theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. “Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của 30 năm Đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến văn hoá xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên thực tế, sau 5 năm hội nhập quốc tế giai đoạn 2014-2019 theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ và toàn diện. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm.

Theo đó, Việt Nam đã ký kết và kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA. Cụ thể, trong 5 năm qua, Việt Nam cũng đã ký kết 12 FTA và chuẩn bị ký kết 4 FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và sắp ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu. Đây cũng có thể coi là một trong những điểm nhấn của hội nhập kinh tế – một trong 3 lĩnh vực hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện.

“Chúng ta mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm cỡ khu vực và toàn cầu như APEC 2017, WEF ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Đây là những minh chứng cho đường lối Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế”, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán, ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng, bao gồm với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Những hiệp định này đã giúp mở cửa nhiều thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản.

Không những vậy, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã thúc đẩy thêm nữa cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Việt Nam cũng là một trong những nước có mức độ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên xây dựng AEC 2015 và hiện đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên của AEC 2015…

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới, trên thực tế Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tăng dần từ 22,35 tỷ USD năm 2013 lên 35,46 tỷ USD vào năm 2018. Ngoài dệt may, da giày, các loại nông sản như xoài, nhãn, vải, thanh long đã có mặt tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia.

Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế với chủ đề

Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả và phát triển nhanh và bền vững”.

Bốn lưu ý trọng tâm

Tuy nhiên, theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam quá trình hội nhập bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức cạnh trạnh.

Có bốn lưu ý cho Việt Nam trong hội nhập, thứ nhất, Việt Nam phải cải cách nhanh hơn, nhanh như thời điểm sau khi ra nhập WTO, cải cách chọn lọc hiệu quả trong đó có phát triển DNNVV. Thứ hai, hội nhập gắn với công nghệ. Thứ ba, chú trọng phát triển nhân lực đặc biệt là nhân lực số. Thứ tư, phát triển và hội nhập quan tâm đảm bảo vấn đề môi trường tiến đến những tiêu chuẩn tốt nhất.

Do đó, Thủ tướng đề nghị nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững” như chủ đề của Hội nghị, được tổ chức đúng 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và 5 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng yêu cầu đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin, tiếp tục hội nhập quốc tế, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện 5 mục tiêu của Nghị quyết 22.

Phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030…

Theo Enternews