Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nghiệp vượt khó thực hiện “mục tiêu kép”

VHDN: “Doanh nghiệp, doanh nhân cần tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ Tướng Chính phủ phát động, đồng thời tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, đúng pháp luật, tiếp tục tham gia đồng hành cùng Thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.” Đó là những chia sẻ của ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội nhân dịp đầu xuân mới với phóng viên Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Mạc Quốc Anh phát biểu đề xuất giải pháp, kiến nghị của doanh nghiệp lên lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Thưa ông, trước thềm năm mới Nhâm Dần, sau nhiều nỗ lực của Chính phủ và Nhân dân, doanh nghiệp đồng lòng thực hiện trạng thái “bình thường mới”, bỏ qua tư duy “zezo F0”, vượt khó thực hiện “mục tiêu kép”, dần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, thích nghi an toàn với dịch bệnh. Vậy năm 2022 doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nào?

Ông Mạc Quốc Anh: Thứ nhất là rủi ro về dịch bệnh. Các biến chủng mới có thể xuất hiện, tạo nguy cơ về một làn sóng dịch tiếp theo. Theo đó, dù nhiều thị trường mở cửa trở lại, vaccine nhiều hơn, doanh nghiệp vẫn rất e dè và thận trọng trước diễn biến bệnh dịch.

Thứ hai là nỗi lo về giá cả hàng hoá tiếp tục tăng cao trong năm tới. Nếu chuỗi cung ứng khó phục hồi hoàn toàn, giá cả hàng hoá đầu vào sẽ bị ảnh hưởng trong năm tới. Một số mặt hàng như thép có xu hướng giảm giá. Nếu tiếp tục có các đỉnh giá mới, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều thách thức, khó khăn.

Tiếp theo là xu hướng thắt chặt hầu bao của khách hàng. Lấy ví dụ với nhóm doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhu cầu của khách hàng sẽ không còn được như trước dịch, dù có thể tăng mạnh 2-3 tuần sau mở cửa.

Trong 6 tháng đầu năm 2022 DN vẫn khó, thậm chí cực kỳ khó khăn cho những đơn vị kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Nguyên nhân là các đơn vị này đã bị tổn thương nặng trong năm 2021 khi thời gian đóng cửa kéo dài “thổi bay” 1-2 năm lợi nhuận.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá chính sách hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này còn chưa đủ mạnh mẽ. Những hỗ trợ về chính sách thuế khoá, miễn giảm VAT chưa quyết liệt, thuốc vẫn chưa đủ liều với một cơ thể đang bệnh nặng.

Sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ có những biến động mạnh, xu hướng tăng trong năm 2022. Đơn cử như giá dầu lửa đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù một số dự báo cho rằng giữa năm 2022 trở đi có thể giảm, nhưng rõ ràng việc giá dầu lửa tăng sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách phía trước. Đó là sự gián đoạn sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác…thay đổi bởi tác động của đại dịch Covid-19.

Bước sang năm “Covid thứ 3”, Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội sẽ tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ và TP Hà Nội những cơ chế dành riêng cho doanh nghiệp trong năm 2022?

Ông Mạc Quốc Anh: Đối với Thành phố, Thứ nhất, Thành phố tiếp tục chủ động tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại (off line và online), tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách. Đẩy nhanh các gói đầu tư công, ưu đãi dành các dự án phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp làng nghề.

Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế…

Thứ tư, các sở, ngành TP Hà Nội đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý.

Về kiến nghị với Chính phủ: Nhóm vấn đề thứ nhất, đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có giá cho thuê ưu đãi, chương trình hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp này đưa nhà máy sản xuất vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Nhóm vấn đề thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; lãi suất cho vay tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với phương án kinh doanh của các doanh nghiệp…

Nhóm vấn đề thứ ba, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 6/2022.

Nhóm vấn đề thứ tư, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này.

Nhóm vấn đề thứ năm, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

. Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thưa ông, Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội có những kỳ vọng gì cho năm Nhâm Dần 2022?

Ông Mạc Quốc Anh: Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng có lợi, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp; phát triển bền vững.

Thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản trị doanh nghiệp, vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ động bắt nhịp các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của khu vực và các nước tiên tiến, đưa các sản phẩm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hưởng ứng tích cực Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh bài bản, đúng pháp luật, tiếp tục tham gia đồng hành cùng Thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.

Nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022, ông có điều gì gửi gắm đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp?

Ông Mạc Quốc Anh: Đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại, luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khẳng định vị thế, đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô, đồng thời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, tích cực tham gia đồng hành cùng Thành phố trong các chương trình an sinh xã hội. Chúc các doanh nhân đoàn kết cùng thành công!

Hạnh Dương

10:33:41 14-01-2022

VHDN: “Doanh nghiệp, doanh nhân cần tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam do Thủ Tướng Chính phủ phát động, đồng thời tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, đúng pháp luật, tiếp tục tham gia đồng hành cùng Thành phố trong các chương […]

Đối tác của chúng tôi