Sự kiện - chuyên đề:

Doanh nhân Hà Minh Tuấn và niềm đam mê xây dựng vùng dược liệu quý Hải Hà

VHDN: Là người gắn bó với vùng đất Hải Hà, Quảng Ninh, ông Tuấn trăn trở tìm cách bảo tồn giống ba kích tím đang ngày càng cạn kiệt. Sau 2 năm triển khai Dự án trồng cây ba kích tại thôn 3, xã Quảng Thịnh, cây ba kích đã phát triển tốt, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Ông Hà Minh Tuấn, Công ty Bách Thảo Trung Hiếu.

Ông Hà Minh Tuấn, Công ty Bách Thảo Trung Hiếu.

Ông Hà Minh Tuấn vốn là người kinh doanh văn phòng phẩm và làm nghề in ấn có thương hiệu ở Hải Hà – một huyện miền núi Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, nơi có nguồn tài nguyên rừng phong phú, đặc biệt là có cây ba kích tím – một loại dược liệu quý đang phát triển rất tốt ở đây. Khi được hỏi tại sao ông lại chuyển sang nghề trồng cây Ba kích mặc dù đây không phải là “chuyên môn” của ông? Ông Tuấn chia sẻ: Cây Ba kích là vị thuốc có tác dụng tốt với sức khỏe, đặc biệt đối với nam giới nên nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Để đáp ứng cho khách, hàng ngày người dân trong vùng mang cuốc, thuổng, vào rừng đào ba kích. Rừng xa, rừng gần, củ to, củ nhỏ đều bị đào tuốt nên nguồn ba kích ở Hải Hà cạn kiệt nhanh chóng, có nguy cơ tuyệt chủng giống. Là người gắn bó với  vùng đất này, ông Tuấn trăn trở, suy nghĩ phải tìm cách để bảo tồn được giống ba kích tím quý cho địa phương. Qua tìm hiểu, ông được biết từ những năm 1979 – 1982, cây ba kích đã được trồng thử nghiệm và phát triển tốt tại khu vực, nhưng vì nhiều lý do, sau đó không tiếp tục triển khai nữa.

Vườn ươm cây giống.

Vườn ươm cây giống.

Sau khi trao đổi ý tưởng, được anh em bạn bè ủng hộ, năm 2015 ông Tuấn tham gia thành lập Công ty TNHH Bách Thảo Trung Hiếu và bắt đầu triển khai Dự án trồng cây ba kích tại thôn 3, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà. Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới nảy sinh biết bao khó khăn trở ngại: Nào là giải phóng mặt bằng, tìm nguồn cây giống, nước tưới, nguồn điện, lao động.. Ông cùng gia đình đêm hôm sớm tối thức, ăn, ngủ với cây ba kích. Khó khăn nhất là tìm quy trình chăm sóc cây sinh trưởng đảm bảo khoa học, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Với mục tiêu cung cấp sản phẩm dược liệu sạch, Dự án của Công ty đã đầu tư đồng bộ và tương đối hiện đại. Bước đầu triển khai đã trồng được gần 4ha ba kích tím. Toàn bộ diện tích cây trồng này đã được lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, đồng thời các công nghệ sinh học từng bước được ứng dụng như: Công nghệ vi sinh để chống bệnh; chế phẩm phân bón hữu cơ và gần như không sử dụng các chế phẩm hóa học vô cơ trong chăm bón cây ba kích.

Năm 2017, Dự án đã đầu tư xây dựng vườn ươm cây giống công suất 350.000 cây giống/vụ để phục vụ kế hoạch trồng trọt các năm tiếp theo, đồng thời cung cấp cây giống cho các vùng lân cận, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu tại huyện Hải Hà.

Hiện nay dự án đang tiến hành mở rộng quy mô đầu tư. Năm 2018 sẽ xây dựng nhà máy chế biến dược liệu ngay tại vùng trồng; thực hiện mở rộng diện tích thêm 8 ha trồng cây ba kích hữu cơ trong năm 2018; hướng tới mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và Dự án sẽ thực hiện chuyển giao – hướng dẫn cho nhân dân địa phương quy trình trồng trọt để mở rộng vùng trồng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trồng cây dược liệu hữu cơ, đảm bảo cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất dược liệu của Dự án.

Cánh đồng ba kích.

Cánh đồng ba kích.

Với sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, quyết tâm của đơn vị, cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, sau 2 năm triển khai, cây ba kích đã phát triển tốt. Bên cạnh đó, hoạt động trồng cây dược liệu đã giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ông Tuấn nói vui, mới làm mà đã có người gọi ông là “Ông Tuấn ba kích”.Ông tự hào là người tiên phong khai thác thêm tiềm năng mới cho huyện Hải Hà, vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh.

Thành Quảng

14:16:06 08-12-2017

VHDN: Là người gắn bó với vùng đất Hải Hà, Quảng Ninh, ông Tuấn trăn trở tìm cách bảo tồn giống ba kích tím đang ngày càng cạn kiệt. Sau 2 năm triển khai Dự án trồng cây ba kích tại thôn 3, xã Quảng Thịnh, cây ba kích đã phát triển tốt, góp phần […]

Đối tác của chúng tôi