Sự kiện - chuyên đề:

Đội tuyển Việt Nam thua ngược Iraq và đẳng cấp của sân chơi châu Á

Rất nhiều người cảm thấy đáng tiếc cho trận thua Iraq, khi mà chúng ta lẽ ra có thể hoà. Nhưng từ khi nào một thất bại tại giải châu Á lại khiến người hâm mộ trong nước cảm thấy đáng tiếc như vậy? Đấy rõ ràng là sự thay đổi vị thế đáng kể mà chúng ta cũng chưa nhận ra!

Nếu hàng phòng ngự không mắc một số lỗi sơ đẳng, nhất là ở bàn thua thứ nhất (Duy Mạnh cần phá bóng ngay, thay vì giữ bóng trước đà lao xuống của tiền đạo đối phương) và bàn thua thứ ba (Hồng Duy phạm lỗi ở vị trí tối kỵ, ngay trước khu vực 16m50), đội tuyển Việt Nam đã có thể có kết quả tốt hơn, chí ít là có tối thiểu 1 điểm.

Chúng ta tiếc vì đội tuyển Việt Nam liên tục dẫn trước, nhưng rốt cuộc lại thua ngược bằng bàn quyết định được ghi bởi đội Iraq ngay ở phút cuối cùng của trận đấu.

Tâm lý đáng tiếc đấy có thể hiểu được, nhưng chúng ta cũng dường như quên mất đây là lần cực kỳ hiếm hoi, có thể là lần đầu tiên, ở đẳng cấp châu Á, ở VCK của sân chơi vô địch châu lục, chúng ta để thua mà cảm thấy đáng tiếc đến vậy.

Chúng ta cảm thấy đáng tiếc vì đội tuyển đã chơi tốt, tốt đến nỗi chúng ta nhìn chung quên mất đây là đẳng cấp châu Á, đây là sân chơi dành cho những đội tuyển hàng đầu châu Á, và đối thủ mà chúng ta vừa thua cũng là một đội từng vô địch châu Á.

Thật tình mà nói, nếu để ý kỹ, tố chất và kỹ năng của cầu thủ Iraq hơn cầu thủ Việt Nam nhiều lắm. Họ to hơn, khoẻ hơn, nhanh và dẻo dai hơn. Thậm chí, kỹ thuật cá nhân của phần đông cầu thủ Iraq cũng hơn cầu thủ Việt Nam.

Họ hầu như luôn thắng thế trong các pha tranh chấp tay đôi, trong các pha đua tốc độ. Thành ra, ngoại trừ các bàn thua, hầu hết các tình huống hãm thành của đội tuyển Iraq nguy hiểm hơn các đợt lên bóng của đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Iraq chỉ có điểm kém rõ rệt, dễ gặp ở các đội Tây Á nói chung, đó là tính kỷ luật chiến thuật không cao. Cầu thủ Iraq dễ mất bình tĩnh khi rơi vào trạng thái bất lợi, dẫn đến các pha phối hợp của họ, những tình huống xử lý mang tính quyết định của đội này không xuất sắc. Bằng ngược lại, có khả năng Iraq sẽ thắng đội tuyển Việt Nam sớm hơn.

Đội tuyển Việt Nam thua ngược Iraq và đẳng cấp của sân chơi châu Á - Ảnh 3.

… nhưng vẫn thua chung cuộc 2-3 quá đáng tiếc

Chúng ta không nhận ra điều đó vì đội bóng của HLV Park Hang Seo chơi hay hơn hẳn nhiều thế hệ đội tuyển Việt Nam trước đây, khi bước ra đấu trường châu Á.

Ngoại trừ năm 2007 được đá Asian Cup với tư cách chủ nhà, chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam thi đấu có đường có nét, có nhiều hướng tiếp cận cầu môn đối phương đa dạng như thế, giống như vừa thể hiện trong trận ra quân ở Asian Cup 2019.

Chúng ta cảm thấy đáng tiếc và có quyền tiếc khi đội bóng của HLV Park Hang Seo đánh rơi điểm vào đúng phút chót, nhưng chúng ta đừng quên đây là đẳng cấp châu Á, đẳng cấp mà bóng đá Việt Nam chưa bao giờ cảm thấy mình nhích gần lại với các nền bóng đá tầm châu lục như lúc này.

Chúng ta đang ở trình độ và vị thế rất khác so với chính chúng ta trước đây, trình độ mà chúng ta đá đàng hoàng với nhà cựu vô địch châu Á đến nỗi chính chúng ta còn không nhận ra đội tuyển Việt Nam chỉ kém đối phương trong khoảng 1/3 thời gian cuối trận, khi thể lực bị bào mòn, xuất phát từ tố chất của cầu thủ Đông Nam Á so với cầu thủ Tây Á. Chứ không phải kém rõ rệt, kém toàn diện như trước.

Tiếc thì vẫn cứ tiếc, nhưng phải rạch ròi và công bằng với đội bóng của HLV Park Hang Seo ở điểm, đẳng cấp châu Á đương nhiên khác đẳng cấp của giải vô địch Đông Nam Á, trình độ của cấp đội tuyển quốc gia đương nhiên khác hẳn trình độ của các giải trẻ!

Theo dantri

Chia sẻ
11:21:37 09-01-2019

Rất nhiều người cảm thấy đáng tiếc cho trận thua Iraq, khi mà chúng ta lẽ ra có thể hoà. Nhưng từ khi nào một thất bại tại giải châu Á lại khiến người hâm mộ trong nước cảm thấy đáng tiếc như vậy? Đấy rõ ràng là sự thay đổi vị thế đáng kể […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi