Sự kiện - chuyên đề:

Du lịch Việt cần nâng cao chất lượng để thu hút khách

VHDN: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác tiềm năng, lợi thế, không ngừng nâng tầm ngành công nghiệp không khói này đang là vấn đề được các cơ quan quản lý cùng những doanh nghiệp du lịch hết sức quan tâm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, đối với mỗi người Việt Nam, phát triển du lịch không chỉ vì kinh tế mà còn vì phát huy một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những nét đẹp tưởng chừng như mộc mạc, đơn sơ nhưng lại được du khách nước ngoài mong muốn trải nghiệm, chiêm nghiệm nhất.

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Hiện, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam mới xếp thứ 67/134 nước. Trong khi ai cũng nói rằng Việt Nam có điều kiện thiên nhiên, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, con người Việt Nam thân thiện, nhiệt thành với du khách và có nền văn hoá đậm đà bản sắc, có nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của nhân loại. Vậy làm sao để du lịch Việt Nam xét trên bình diện thế giới đừng có ở mức trung bình, yếu?”

Để trả lời câu hỏi này không phải dễ, nhưng trên thực tế du lịch Việt đã có bước tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, ngành du lịch đã có bước phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao, khách du lịch quốc tế tăng 1,7 lần; khách du lịch nội địa tăng 2,1 lần; tổng thu từ khách du lịch tăng 3,2 lần. Năm 2016, du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 417 nghìn tỷ đồng. Tháng 8 – vốn là tháng thấp điểm nhưng lượng khách đến Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng cao, với 1.229.163 lượt khách quốc tế, tăng 18,5% so với tháng 7/2017 và tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính 8 tháng năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8.472.379 lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2016; khách du lịch nội địa ước đạt 52,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 335.840 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bước đầu hình thành những điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Chất lượng và tính chuyên nghiệp ngày càng dần được nâng cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn chưa xứng với tiềm năng, du lịch Việt Nam còn những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu phát triển. Bởi để đạt được muc tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017, vấn đề đặt ra là các sản phẩm du lịch sẽ được khai thác như thế nào, theo nguyên tắc và tiêu chí cũng như cách thức chuẩn đến đâu mới có thể phát huy được tiềm năng vốn có một cách hiệu quả, bền vững trên sự hợp tác cầu thị.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, muốn hình thành sản phẩm du lịch thì điều kiện đầu tiên cần có là tài nguyên du lịch, tự nhiên và văn hoá. Quy mô, chất lượng, tính độc đáo, khả năng khai thác tài nguyên du lịch là những điều kiện quan trọng quyết định sức hấp dẫn và tính đa dạng của từng sản phẩm du lịch. Vừa qua, du lịch Việt đã xây dựng rất tốt sản phẩm mang tính chiến lược về du lịch biển – đảo, sinh thái, du lịch văn hoá mang tính quy mô trên toàn quốc. Với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược, mang tính chuyên nghiệp hoá cao như VinGroup, SunGroup, Mường Thanh… đã tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng tiện nghi, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đa dạng và phong phú cho các địa phương và mang một tầm cao mới cho xu hướng đầu tư, nghỉ dưỡng của du lịch Việt.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, Kiên Giang với lợi thế biển đảo, đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc đã định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư. Đến nay, Phú Quốc có 233 dự án với tổng vốn đầu tư gần 324.000 tỷ đồng. “Sản phẩm du lịch không chỉ gói gọn trong loại hình nghỉ dưỡng mà còn mở rộng sang du lịch kết hợp tìm hiểu văn hoá, lịch sử truyền thống, thể thao, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện quy mô lớn. Phú Quốc đang từng ngày phát triển để đáp ứng được nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Với số lượng phòng và dịch vụ đa dạng, du khách đến với Phú Quốc sẽ muốn quay trở lại”, ông Dũng nói.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group Hoàng Việt Cường thì cho rằng, với Sun Group việc xây dựng chất lượng, đẳng cấp và sự khác biệt phải đến từ những điều nhỏ nhất. Do vậy, Sun Group chú trọng đến việc tạo dựng văn hoá, văn minh cho những điểm đến du lịch của Sun Group xây dựng. Văn hoá, văn minh đơn giản chỉ là những nghi thức cúi mình xin chào khách từ lúc khách đến cho đến khách đi. Hay như việc tạo những lối đi riêng cho người khuyết tật tại tất cả những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Tập đoàn. Xanh, sạch, văn minh trong thái độ đón tiếp khách, đó mới chính là những yếu tố tạo nên đẳng cấp, chất lượng, hình ảnh tốt đẹp cho du lịch Việt trong lòng du khách. “Việt Nam có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi và chi tiêu nhiều hơn. Nhưng chúng ta cần cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay, đồng thời thay đổi cung cách, thái độ của người làm du lịch và cộng đồng. Trong những năm qua, Sun Group đã thành công trong việc tạo ra những sản phẩm đẳng cấp, khác biệt, chú trọng đầu tư vào tổ hợp du lịch – dịch vụ – nghỉ dưỡng tại các địa phương, xây dựng được các sản phẩm du lịch tốt thu hút du khách đến vui chơi và tiêu tiền nhiều hơn”, ông Hoàng Việt Cường cho biết.

Theo bà Nguyễn Lê Hương – Phó Tổng giám đốc Vietravel, một trong những nguyên nhân chính làm giảm tính cạnh tranh của du lịch Việt là do chúng ta thiếu sản phẩm tốt, đủ tính thuyết phục, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Muốn tạo được sản phẩm cho doanh nghiệp du lịch lữ hành, trước tiên phải tạo ra sản phẩm của du lịch Việt Nam, do vậy đòi hỏi cái nhìn lớn hơn từ phía ban ngành trong việc triển khai và quy hoạch xây dựng các tuyến điểm du lịch và loại hình du lịch để tạo ra các sản phẩm “đúng và đủ”. Đúng có nghĩa là đáp ứng đúng nhu cầu cho khách và đủ là trong giới hạn cho phép, không quy hoạch dàn trải, trùng lắp, lãng phí nguồn lực. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh thì cho rằng, một trong những nguyên tắc phát triển sản phẩm du lịch bền vững, có chiều sâu của mình phải dựa trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của du khách, tạo ra sản phẩm đặc thù, độc đáo, thoả mãn kỳ vọng, gây bất ngờ để du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm. Vì vậy, phát triển du lịch trong thời gian tới phải tập trung vào tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có bước phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, tạo ra sức bật và phát triển lâu dài.

Trân Trân

15:47:39 11-10-2017

VHDN: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác tiềm năng, lợi thế, không ngừng nâng tầm ngành công nghiệp không khói này đang là vấn đề được các cơ quan quản lý cùng những doanh nghiệp du lịch hết sức […]

Đối tác của chúng tôi