Sự kiện - chuyên đề:

Giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị ở Nghệ An: Khắc phục 2″điểm nghẽn”

VHDN:Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ gia tăng nhanh phương tiện cơ giới trên địa bàn TP Vinh thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức đối với giao thông đô thị. Trong điều kiện khai thác các tuyến vận tải hành khách còn gặp một số khó khăn, tồn tại; mạng lưới tuyến chưa hoàn chỉnh; công tác quản lý chưa đồng bộ thì bên cạnh chú trọng nâng cao văn hóa của người tham gia giao thông, việc xây dựng mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt là yêu cầu thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và chống ùn tắc giao thông.

Các phương tiện xe buýt phải “chèn mình”, cảnh tắc nghẽn giao thông cục bộ trên các tuyến đường ở TP. Vinh – Ảnh: Châu Yên.

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng

Thành phố Vinh là nơi có vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối giao thông của khu vực Bắc miền Trung với hệ thống giao thông đa dạng. Để thành phố trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ thì việc phát triển hạ tầng giao thông thiết yếu đồng bộ là hết sức cần thiết và cấp bách.

Hiện toàn thành phố có 350 tuyến đường đã được đặt tên với tổng chiều dài hơn 700 km, bao gồm cả đường đô thị và đường khu dân cư, trong đó mặt đường thảm bêtông nhựa, còn lại là mặt đường đá dăm láng nhựa và các kết cấu khác.

Trước sự gia tăng của các phương tiện giao thông, với cơ sở hạ tầng hiện có, tình trạng tắc đường đang diễn ra ngày một nhiều. Do vậy, vận tải hành khách công cộng, nhất là bằng xe buýt hiện nay không những góp phần giảm ùn tắc giao thông mà còn phù hợp với thu nhập của người dân, phần nào góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Loại hình vận tải này đang là xu hướng phát triển chính trong tương lai, đồng thời sẽ là lựa chọn thích hợp cho việc đi lại nội tỉnh và đi các tỉnh lân cận. Muốn vậy phải nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đảm bảo đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và nhu cầu đi lại của người dân. Bài toán đặt ra lúc này là để tạo dựng môi trường văn minh, an toàn khi lưu thông ưu tiên bằng phương tiện công cộng không chỉ cần sự trách nhiệm, chuẩn mực của đội ngũ nhân viên lái xe, phụ xe mà còn phải xuất phát từ chính ý thức, văn hóa của hành khách.

Xây dựng văn hóa giao thông

Để phương tiện giao thông này phát triển, cần chú trọng tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng phương tiện giao thông công công, coi việc lựa chọn, sử dụng phương tiện là bình thường, là văn hóa, tiện lợi, an toàn và kinh tế.

Cùng với đó, các đơn vị tổ chức tham gia loại hình dịch vụ vận tải này phải cải tiến cách quản lý, phục vụ hành khách đúng giờ, thuận tiện, lái phụ xe cũng phải xây dựng văn hóa ứng xử với hành khách; tổ chức giao thông phải thuận tiện, điểm đỗ phân bố đều khắp, hợp lý. Xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra môi trường mà người sử dụng phương tiện công cộng xem đó là tối ưu so với giao thông cá nhân khác.

Thành phố Vinh hiện nay có hàng triệu xe cá nhân, giao thông công cộng một thời gian dài vẫn chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân như giải quyết được yêu cầu của hành khách lên xuống dọc đường, đến các chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư trong các đô thị,… hạn chế được xe mô tô hai bánh chở khách (xe ôm) phát triển, làm giảm mật độ xe cơ giới cá nhân lưu thông trên các tuyến đường, làm giảm ùn tắc giao thông và gây ra tai nạn giao thông cao; đồng thời hạn chế tình trạng xe khách hoạt động tuyến cố định đón trả khách dọc đường. Tuy vậy, hệ thống nhà chờ, điểm dừng đón trả khách, điểm đầu điểm cuối tuyến xe buýt chưa được đầu tư đồng bộ đúng quy định; bãi đỗ xe buýt chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, các điểm cuối tuyến xe buýt mà chủ yếu là do doanh nghiệp tự đi thuê của các đơn vị khác; chất lượng phương tiện xe buýt đang bị xuống cấp, các đơn vị vận tải chưa được quan tâm bảo dưỡng sửa chữa đúng mức. Đặc biệt là văn hóa tham gia giao thông khi đi xe buýt chưa đi sâu vào ý thức của người dân như: yêu cầu xe buýt dừng không đúng điểm dừng, chưa giúp đỡ người già, phụ nữ có thai, trẻ em khi đi xe buýt… Vì vậy nếu không xây dựng văn hóa giao thông, đề cao luật lệ giao thông, không có kỷ cương đi lại, mạnh ai nấy đi thì dù có xây dựng đường rộng bao nhiêu đi nữa cũng không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông phức tại như lâu nay. Để có được mục tiêu đặt ra, đó là phải xây dựng văn hóa giao thông trên cả các yếu tố như duy trì thực hiện nghiêm pháp luật giao thông; xây dựng thói quen nhường nhịn; tôn trọng nhau khi tham gia giao thông và các tổ chức đoàn thể chính trị cần chú trọng tuyên truyền luật giao thông cho người dân, nhất là phải xây dựng cho được văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, cho người đi bộ, cho người tham gia giao thông cũng như đối tượng phục vụ các loại hình giao thông công cộng như xe buýt.

Châu Yên

Chia sẻ
14:25:58 10-09-2020

VHDN:Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ gia tăng nhanh phương tiện cơ giới trên địa bàn TP Vinh thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức đối với giao thông đô thị. Trong điều kiện khai thác các tuyến vận tải hành khách còn gặp một số khó […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi