Sự kiện - chuyên đề:

Giải mã tương lai cuộc đời qua phiên chợ Ba Tư

VHDN: Phiên chợ Ba Tư cổ không dùng tiền để mua bán hàng hóa. Người ta chỉ dùng hàng để trao đổi hàng. Cho nên không phải ai cũng có thể đi được phiên chợ Ba Tư. Người hiểu được ý nghĩa phiên chợ Ba Tư cũng có thể giải mã được hướng đi cho tương lai đời mình.

Dù ra đời từ ngàn năm trước, mỗi năm chỉ họp một lần của dân du mục từ các ốc đảo xa xôi giữa sa mạc cưỡi lạc đà đến để trao đổi sản vật. Thế nhưng, phiên chợ Ba Tư cổ lại được mệnh danh là “phiên chợ vĩ đại của nhân loại”.

Vậy, nếu hiểu được ý nghĩa của phiên chợ Ba Tư liệu có thể tự vạch ra hướng đi cho tương lai đời mình không? Trước khi hỏi câu này, thì có ai nghĩ tới trường hợp, nếu như không được dùng tiền để trao đổi hàng hóa thì chúng ta có đủ tự tin dựa vào khối óc và sức lao động của mình để đi phiên chợ Ba Tư không?

Ngày nay, người ta nói nhiều về sức mạnh của đồng tiền nhưng có ai tự đặt ra cho mình câu hỏi, đồng tiền có giá trị hay hoàn toàn không có giá trị. Điều này có liên quan đến ba hạng người. Hạng thứ nhất, phải dựa vào chính khối óc và sức lao động của mình làm ra mới có được đồng tiền. Hạng thứ hai là, chỉ biết ngửa tay xin tiền người khác rồi tiêu sài phung phí không thương tiếc (hạng người này thường rơi vào nhóm cô chiêu, cậu ấm, con, cháu nhà giàu có). Hạng người thứ ba là, không kiếm ra tiền, tư tưởng lúc nào cũng tỏ ra bất mãn với cuộc đời vì cho rằng, xã hội không công bằng với mình.

Sự thật mà nói, tiền hoàn toàn không có giá trị. Nói một cách dân dã, thì tiền chẳng qua chỉ là vật môi giới, biến việc trao đổi trực tiếp hàng hóa và dịch vụ thêm thuận tiện mà thôi. Bằng chứng tiền không có giá trị thể hiện khá rõ qua các thời đại khác nhau của lịch sử. Cụ thể, tiền của triều đại trước không hề có giá trị đối với triều đại sau. Những đồng tiền của triều đại sụp đổ chẳng qua cũng chỉ là đống giấy lộn đối với triều đại đang tồn tại mà thôi. Đấy là còn chưa kể đồng tiền liên tục bị mất giá trong chính chế độ lưu hành nó.

Ngược lại với tiền chính là của cải vật chất có vai trò thiết thực, được con người tạo ra bằng khả năng lao động. Ví dụ như vàng. Kể từ khi biết khai thác và sử dụng vàng thì con người hiểu được giá trị của vàng. Ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào, triều đại nào của lịch sử, người ta cũng đều phải cần đến vàng. Ngoài việc dùng vàng để giao dịch hàng hóa, dịch vụ, thì vàng còn được sử dụng làm đồ trang sức, hay ứng dụng trong lĩnh vực vật lý để quay lại phục vụ nhu cầu cho con người.

Chỉ có hạng người biết dùng chính khối óc và sức lao động mới tạo ra những thứ của cải vật chất đó. Nói một cách dễ hiểu là, muốn có được vàng thì anh phải dựa vào khối óc để đi tìm kiếm. Biết được chỗ có vàng thì anh phải bỏ sức lao động ra đào thì mới mong có được mà sử dụng. Từ đó có thể kết luận, muốn có của cải vật chất thì anh phải lao động, chỉ có lao động thì anh mới có của cải vật chất. Khi đó, anh chính là người tạo ra “giá trị”.

Trở lại với phiên chợ Ba Tư. Một phiên chợ không dùng tiền để trao đổi hàng hóa mà chỉ dùng hàng trao đổi hàng, thì có lẽ ba hạng người kể trên, chỉ có duy nhất hạng người biết sử dụng khối óc và sức lao động may ra mới đủ khả năng đi phiên chợ này. Bởi, chỉ có hạng người này mới tạo ra hàng hóa, thứ để đem đến chợ thực hiện việc trao đổi.

Các loại hàng hóa ở phiên chợ Ba Tư được phân định rõ ràng. Các gian hàng bày các mặt hàng bình dân, trung lưu, thượng lưu đều có vị trí của riêng nó.

Một anh chàng chỉ làm ra sản phẩm như:  gừng, quế, bắp, chà là, cọ dầu, hạt dẻ..thì chỉ có thể bày ở gian hàng dành cho những người bình dân. Vậy làm sao anh ta có thể đem hàng hóa của mình đến bày bán ở gian hàng của người trung lưu, thậm chí là gian hàng của giới thượng lưu?.

Trả lời được câu hỏi trên, có lẽ phải nhờ đến chính khả năng khối óc và năng lực lao động của anh ta. Nếu anh ta là người giỏi thật sự thì hiển nhiên anh ta sẽ làm ra những loại hàng hóa mà những người trung lưu, thượng lưu đang cần. Thậm chí hàng hóa mà anh ta làm ra vừa độc lại có giá trị ngay cả những người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu cũng không làm ra được. Khi đó anh ta đường hoàng có thể mang hàng hóa của mình đến xin gia nhập, bày bán ở gian hàng của hai tầng lớp này, tất nhiên sẽ không ai từ chối, vì hàng hóa của anh ta có thể làm thỏa mãn nhu cầu của họ.

Còn nhớ cách đây nhiều năm, tôi được xem bộ phim do Trung Quốc sản xuất với tựa đề: “Thần y Hỷ Lai Lạc”. Điều làm tôi tâm đắc chính là lang trung Hỷ Lai Lạc. Một ông lang trung nhà quê, không công danh, không chức tước (theo luật pháp triều đại nhà Thanh thì không được phép bước chân vào hoàng cung) nhưng lại được đặc cách vào cung khám bệnh cho: Từ Hy Thái Hậu, phi tần của vua, cách cách con của vương gia.

Điều gì khiến cho vương triều nhà Thanh phải hủy bỏ cái thông lệ “thường dân áo vải” không được bước chân vào cung cấm, chứ chưa nói đến việc được phép khám bệnh cho những con người được xem là “lá ngọc, cành vàng” đầy cao quý đó. Trả lời câu hỏi này rất đơn giản. Vì, ông lang trung này đã làm ra thứ “hàng hóa đặc biệt” mà chính bản thân các quan Thái y trong cung cũng không tài nào có được. Đó chính là khả năng chữa bệnh kỳ diệu của ông ta mà nghìn vàng cũng không thể mua được.

Khả năng chữa bệnh của ông ta có được xem là hàng hóa không? Tất nhiên là có. Chúng ta có thể xem nó là loại “hàng hóa đặc biệt”. Để có được loại “hàng hóa đặc biệt” này, chắc chắn vị lang trung nọ phải dành biết bao thời gian, sức lao động để miệt mài nghiên cứu về y học mới có được.

Cũng chính vì thế mà Hỷ Lai Lạc từ gã lang trung nhà quê đường hoàng bước chân vào giới thượng lưu, nhiều quan lớn trong triều hết lòng nể phục ông ta. Vị Vương Gia có con được ông chữa khỏi bệnh đã bỏ tiền ra xây tặng cả một hiệu thuốc to lớn với mục đích níu kéo ông ở lại kinh thành. Nhà vua thì ban hẳn cho ông chiếc hoàng bào của mình đang mặc. Từ Hy Thái hậu thì tặng ông hẳn một chiếc ô tô mua của người Tây. Thậm chí, cô chủ quán ăn đẹp nức tiếng đất Kinh Châu cũng mê mẫn đem lòng yêu một người vừa già, vừa xấu xí như ông. Và nếu được bình chọn, có lẽ ông chính là người đi phiên chợ Ba Tư đầy xuất sắc.

Quay trở lại nước ta. Theo số liệu thống kê, chỉ trong quý I năm 2016, cả nước có 225.000 người trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp. Thực chất, số liệu 225.000 người dùng để nói họ không được làm việc theo đúng chuyên môn của mình được đào tạo. Điều đó có nghĩa, họ chưa hẳn đã hoàn toàn thất nghiệp. Quan điểm thất nghiệp ở phương Tây khá rõ ràng. Vì cụm từ “thất nghiệp” dùng để chỉ những người không có công ăn việc làm, phải sống bằng đồng tiền trợ cấp ít ỏi từ phía Chính phủ.

225.000 người, trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp có thể khiến nhiều người giật mình. Nhiều sinh viên đọc được có thể sẽ nản chí. Thậm chí nhiều người còn cổ súy cho việc “học đại học cũng chẳng để làm gì”. Thực tế, trong bối cảnh biến động của thị trường lao động hiện nay thì con số này không có gì lạ cả. Cho nên những ý nghĩa tiêu cực trên hoàn toàn là sai lầm.

Học đại học để làm gì? Sự học trước hết để nâng cao trình độ hiểu biết của mình, sau rồi mới tính đến tìm kiếm việc làm. Khi đã có “trình độ thật sự” cho dù anh cử nhân kia không được làm đúng ngành nghề của mình đào tạo, thì anh ta vẫn đủ tài cơ ứng biến để tìm công việc mới cho bản thân.

Gần đây, VTV6 đài truyền hình Việt Nam có thực hiện chương trình “Sinh ra từ làng” thu hút được đông đảo giới trẻ có tinh thần làm giàu. Trong chương trình “Sinh ra từ làng” có rất nhiều chàng trai, cô gái từng tốt nghiệp cao đẳng, đại học khi ra trường không tìm được việc làm theo đúng chuyên môn của mình. Thế nhưng họ không bi quan, không tiêu cực đổ lỗi cho thế này, thế khác. Họ cũng không ôm tấm bằng ngồi chờ bố mẹ của mình dùng tiền, dùng mối quan hệ chạy chọt công việc cho. Ngược lại, họ đã đứng lên, dùng chính khối óc và sức lao động của mình bắt tay vào công việc thực tiễn để rồi trở thành các ông chủ có thu nhập hàng tỷ đồng/ năm.

Báo điện tử Vietnamnet đăng bài: “Bỏ giám đốc 1 triệu USD ở Singapore, làm ‘uber gia sư’ thu 4 tỷ/ tháng” khiến tôi vô cùng ấn tượng. Đó là cô gái Phạm Thị Vân Anh sinh năm 1988, quê ở Bắc Giang. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh doanh, dù đứng trước biến động của thị trường lao động nhưng bằng kiến thức thật sự học được từ đại học, Vân Anh vẫn xin được công việc tại một công ty nước ngoài. Sau vài năm làm việc, bằng năng lực cô đã được đề bạt chức giám đốc một doanh nghiệp ở Singapore với mức lương 60 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, cô lại từ chức để về Việt Nam mở dịch vụ “uber gia sư”. Sau 2 năm dịch vụ này của cô đã xem lại doanh thu 4 tỷ đồng/ tháng.

Tất cả những câu chuyện kể trên muốn chúng ta hiểu hơn rằng, là con người không nên bất mãn, đổ cho thế này, thế khác. Những con người tự sinh ra bất mãn chính là những con người không bao giờ vượt qua chính mình. Và chính họ cũng bị chính ý nghĩ tiêu cực của mình đánh bại mình. Thay vì thế, mỗi con người dù đứng trước sự biến động thế nào của hoàn cảnh, xã hội thì cũng phải mạnh mẽ vươn lên. Hay dùng chính khả năng khối óc, sức lao lao động của mình để tạo ra của cải vật chất, thứ mà xã hội cần. Như thế, bạn cũng có thể đi phiên chợ Ba một cách đàng hoàng mà không cần phải lo ngại.

Xuân Hoàng

09:15:20 11-11-2017

VHDN: Phiên chợ Ba Tư cổ không dùng tiền để mua bán hàng hóa. Người ta chỉ dùng hàng để trao đổi hàng. Cho nên không phải ai cũng có thể đi được phiên chợ Ba Tư. Người hiểu được ý nghĩa phiên chợ Ba Tư cũng có thể giải mã được hướng đi cho […]

Đối tác của chúng tôi