Sự kiện - chuyên đề:

Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ vượt qua khó khăn do dịch COVID-19

Với mục đích đánh giá thực trạng của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; những tác động của đại dịch đến doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sáng 14/8, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ vượt qua khó khăn do COVID-19”.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm: Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, Lưu Hải Minh; Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lumi Việt Nam Nguyễn Đức Tài; Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam Lê Anh Tiến.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Đánh giá tác động của dịch bệnh lên việc xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp khoa học công nghệ, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích nêu lên tình hình xuất khẩu tháng 5/2020 vừa được Bộ Công Thương công bố từ kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu quý 2/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, đặc biệt ở các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật, ASEAN… Đáng chú ý, 3 nhóm hàng chính là nông – thủy sản, nhiên liệu – khoáng sản và công nghiệp chế biến, tình hình xuất khẩu có cải thiện so với tháng trước, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất đến 60,6% là nhiên liệu – khoáng sản.

Ông Trần Xuân Đích đánh giá, trong chuỗi tác động toàn cầu đó, các doanh nghiệp khoa học công nghệ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư đã đến với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ ngay từ đầu mùa dịch, khi thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở nhiều ngành nghề khác nhau bị thu hẹp quy mô hoạt động, sụt giảm doanh thu, thậm chí “đóng băng” giao dịch.

Theo ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, trong số nhiều gói hỗ trợ từ Nhà nước được triển khai để giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ứng phó với đại dịch, việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Công văn 897/TCT-QLN của Tổng Cục thuế là chính sách hỗ trợ hiệu quả nhất.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lumi Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tâm thế “trường kỳ kháng chiến”. Giai đoạn này quan trọng nhất là doanh nghiệp sống và tồn tại được. Ban Giám đốc của các doanh nghiệp cần phân tích lựa chọn những nội dung thật sự cần thiết, nội dung có thể cắt bỏ, để tinh gọn, giảm chi phí tối đa. “Lúc này, sự nhạy bén, trực giác, khả năng xoay sở của người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng. Tất nhiên, trong nguy cơ cũng xuất hiện nhiều cơ hội, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội để “tồn tại”- ông Nguyễn Đức Tài nêu suy nghĩ.

Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trần Xuân Đích đánh giá: dịch COVID- 19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Ông dẫn chứng đã có một số doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh online, giao hàng và thanh toán tận nhà; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, trong đó nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên vật liệu. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Cụ thể một số doanh nghiệp như Công ty Sao Thái Dương đã hợp tác với các nhà khoa học để chế tạo thành công hai bộ kit phát hiện SARS-CoV-2; Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải đang nghiên cứu chế tạo thử nghiệm một số hợp chất nano từ thiên nhiên có khả năng ức chế SARS-CoV-2, ngăn bão hòa Cytokine và giảm khả năng đông máu, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19…

Đề cập tới những giải pháp để doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp cận các chính sách ưu đãi, ông Trần Xuân Đích cho rằng cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ. Đây là nhiệm vụ được Bộ Khoa học và Công nghệ đặc biệt chú trọng. Bộ đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền đồng thời ban hành nhiều quy định nhằm triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhận định về xu hướng của chuỗi cung cầu hàng hóa, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu trong thời gian tới, ông Trần Xuân Đích cho rằng, sau đại dịch, vấn đề dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đã và đang được một số quốc gia như Mỹ, Nhật, châu Âu… xem xét đặt ra, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung từ quốc gia này. Dự báo năm 2020, xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ thị trường Trung Quốc sẽ dịch chuyển đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu cũng như bán thành phẩm sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ, kể cả các ngành lớn như dệt may, da giầy… Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.

Với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu – bán lẻ đối với thị trường Việt Nam. Theo ông Trần Xuân Đích, đây là thời cơ để Việt Nam có thể bứt ra và giảm dần sự phụ thuộc. Đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp khoa học và công nghệ nói riêng đón những làn sóng đầu tư mới, những thị trường xuất nhập khẩu mới.

“Câu hỏi được đặt ra lúc này là, làm sao để chúng ta tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm thu hút và sẵn sàng đón tiếp, giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư để tranh thủ đón làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19”- ông Trần Xuân Đích nêu rõ.

Theo Báo tintuc

Chia sẻ
16:16:54 14-08-2020

Với mục đích đánh giá thực trạng của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; những tác động của đại dịch đến doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sáng 14/8, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức giao lưu trực […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi