Sự kiện - chuyên đề:

Hành trình “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” của nghệ nhân “trăm nghề quái kiệt”

VHDN: Cuộc đời mỗi người ít nhất đều một lần trải qua cơn bĩ cực hay vòng lao lý của số phận. Nhiều người khi gặp phải đã gục ngã, không có đủ sức mạnh để vượt qua. Anh Vũ Tấn Phúc (nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà thiết kế quảng cáo, nghệ nhân sinh vật cảnh) ở Công Luận – Văn Giang – Hưng Yên nhờ “tinh thần thép”, ‘trí tuệ thép” đã chiến thắng được sức mạnh từ “cơn bão” cây cảnh những năm 2010-2011.

Nghệ nhân sinh vật cảnh Vũ Tấn Phúc hoài niệm về tác phẩm lộc vừng cổ.

Khi “cơn bão” cây cảnh “càn quét” qua, nhiều chủ nhà vườn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, “đem con bỏ chợ”, khuynh gia bại sản trắng tay vỡ nợ về cây… Tuy nhiên, bằng niềm đam mê với cây, hoài cổ với vẻ đẹp của cây mà anh Phúc có được nghị lực và quyết tâm để vượt qua giông bão đó. Để khẳng định tình yêu của mình với sinh vật cảnh, anh Phúc chia sẻ: “Sinh ra trên đời mỗi người thường chọn cho mình một thú chơi bình sinh riêng vừa để giải trí, cân bằng nội tâm vừa tìm lại chính bản thân mình sau chuỗi ngày bị nhịp sống hối hả cuốn đi với bao cám dỗ và tạp niệm”.

Với tinh thần “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, một bản lĩnh mẫn tiệp, anh Phúc càng quyết tâm theo đuổi niềm đam mê đến cùng với sinh vật cảnh và có mục đích rất rõ ràng. Nhớ lại thời điểm suy thoái cây cảnh, anh Phúc tâm sự: “Cái gì cũng có cái giá của nó. Khi mình làm ăn được thì họ suy tôn lên làm “người hùng”.  Lúc sa cơ lỡ vận thì mới thấy ai là người thực sự tốt với mình. Không ai tự giúp mình bằng chính mình giúp mình. Phải tự tìm cho mình con đường riêng thì mới mong có được thành công”.

Nghĩ là làm, anh kiên định mục tiêu giữ lại vườn, cải tạo, chăm sóc, tạo tác nghệ thuật cho vườn cây cảnh của mình. Anh tập trung tâm huyết, dồn hết kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được từ nghề thiết kế quảng cáo, chụp ảnh… để ứng dụng vào làm cây. Anh bảo giữa chúng có mối quan hệ tương hỗ và cùng điểm chung là chủ nhân phải có óc sáng tạo và khiếu thẩm mỹ riêng thì mới có thể sáng tạo nên những tác phẩm “đứng lại với thời gian, đọng lại cùng năm tháng”. Trên toàn bộ diện tích có sẵn, anh chia làm ba vườn với 3 dòng cây khác nhau: cây giống, cây công trình bóng mát, cây bonsai. Nhiều người coi đó là khối tài sản vô cùng giá trị nhưng với anh cây cảnh nghệ thuật là “thú bình sinh” thanh cao, tao nhã “tu đạo” trong cuộc sống… “Cây không phải vật vô tri vô giác, cây cũng có “cảm xúc đồng điệu” giống con người. Nếu ai có tâm, có lòng với cây thì sẽ được cây bù đắp, người không phụ cây thì cây cũng sẽ không phụ người”, anh Phúc nhấn mạnh.

Có nhiều cách thích nghi và phát triển kinh tế gia đình, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Phúc chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng cây bonsai. Toàn bộ doanh thu từ việc bán cây bonsai anh xoay vòng vốn tiếp tục nuôi những phôi cây quý hiếm và phát triển dòng cây thế như sanh, si, lộc vừng… Đồng thời, anh cũng nhận tư vấn, thiết kế sân vườn, tiểu cảnh, phối đá cho các đơn vị có nhu cầu; đồng thời cung cấp cây phôi và tư vấn kiến thức về kỹ thuật tạo tác cũng như phòng bệnh cho cây cảnh… Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi anh lại “khăn gói” đi khắp mọi miền đất nước để học hỏi kinh nghiệm làm cây cảnh đồng thời tìm mua những loại cây đẹp, độc để bổ sung vào vườn cây của mình.

Ra về trong tiết trời thu se lạnh, chúng tôi vui mừng và khâm phục trước quyết tâm của anh. Anh đã vượt qua mọi khắc nghiệt của nghề nghiệp, của thời thế để tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật “độc nhất vô nhị”. Bởi lẽ con tim và khối óc anh đã dành chọn cho “nghề chơi cũng lắm công phu”.

Ái Liên

21:09:19 11-10-2018

VHDN: Cuộc đời mỗi người ít nhất đều một lần trải qua cơn bĩ cực hay vòng lao lý của số phận. Nhiều người khi gặp phải đã gục ngã, không có đủ sức mạnh để vượt qua. Anh Vũ Tấn Phúc (nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà thiết kế quảng cáo, nghệ nhân sinh […]

Đối tác của chúng tôi