Sự kiện - chuyên đề:

Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp việt nam

VHDN: Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hiệp hội, tên tiếng Anh: “Vietnam Association of Business Culture Development” – “VNABC”) được thành lập theo Quyết định số 2179/QĐ-BNV ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Điều lệ của Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam được Bộ Nội vụ phê chuẩn theo Quyết định số 596/QĐ-BNV ngày 04 tháng 6 năm 2014.

Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện, phi lợi nhuận nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các doanh nhân, doanh nghiệp và công dân Việt Nam quan tâm đến việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp (VHDN), đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh; tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần của doanh nghiệp và người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, giữ vai trò là cầu nối giữa hội viên với các cơ quan chức năng của Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.

  1. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN, GIÁ TRỊ CỐT LÕI, SLOGAN

Sứ mệnh: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. Nhiệm vụ cốt yếu và cũng là lý do tồn tại của Hiệp hội là xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế có hiệu quả.

Tầm nhìn: “Trở thành ngôi nhà chung về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Hiệp hội phấn đấu để làm tốt vai trò tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cùng nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trên cơ sở phát huy bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới.

Giá trị cốt lõi: Kết nối – Đồng hành – Hiệu quả. Hiệp hội là nơi kết nối doanh nghiệp, doanh nhân nhằm chia sẻ những giá trị chung về văn hóa kinh doanh; chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; hoạt động có hiệu quả, hướng tới sự thịnh vượng và nhân văn.

Slogan: “Văn hóa doanh nghiệp – Hình ảnh Quốc gia”. Hiệp hội đề cao và quảng bá trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp như là nền tảng để phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. 

  1. CHỨC NĂNG CỦA HIỆP HỘI
  2. Vận động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân thông qua các hoạt động thông tin, quảng bá nhằm tăng cường nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp và cạnh tranh lành mạnh.
  3. Triển khai công tác nghiên cứu và đề xuất chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân cũng như đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Chính phủ.
  4. Tiến hành các hoạt động đào tạo và tư vấn về các vấn đề thuộc văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp.
  5. Tổ chức các chương trình và hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm quảng bá về văn hóa doanh nghiệp và nâng cao đời sống văn hóa – tinh thần cho người lao động trong cộng đồng doanh nghiệp.

III. NGÀY VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ CUỘC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM 

Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và giao cho Hiệp hội nhiệm vụ chủ trì tổ chức triển khai Quyết định này với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục đích, yêu cầu của việc thiết lập Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam là:

– Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp;

– Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội;

– Tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp;

– Góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

– Việc tổ chức Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam phải thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; có chủ đề, chương trình, mục tiêu cụ thể, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời.

Ngày 7/11/2016, tại Lễ công bố Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội với 5 nội dung cụ thể sau:

Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp Việt Nam từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ba là, phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội.

Bốn là, làm lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh; tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo.

Năm là, nâng cao văn hoá tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hoá và môi trường làm việc.

  1. NHIỆM VỤ CỦA HIỆP HỘI

Để thực hiện sứ mệnh của mình và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau:

  1. Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức chương trình Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam vào 10/11 hằng năm đã được Chính phủ Việt Nam xác lập theo Quyết định số 1846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
  2. Chịu trách nhiệm tổ chức và huy động cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội tham gia vào việc triển khai Cuộc vận động trong toàn quốc về xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.
  3. Tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò quan trọng của văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong cộng đồng doanh nghiệp và trong toàn xã hội.
  4. Tôn vinh và khen thưởng các doanh nghiệp và doanh nhân đặc biệt thành công trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
  5. Đóng góp vào việc tạo dựng môi trường kinh doanh ở Việt Nam với việc đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cạnh tranh lành mạnh, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
  6. Xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa của Việt Nam với các chuẩn mực và tiêu chí quốc tế, thực hiện Quy chế tôn vinh doanh nghiệp và doanh nhân đạt tiêu chí “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu”.
  7. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nghiên cứu những chuẩn mực và tiêu chí về văn hóa doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm và thực tiễn của nước ngoài trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, tranh thủ sự hỗ trợ và giúp đỡ của quốc tế về vật chất và tài chính cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam.
  8. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI CỦA HIỆP HỘI

Để triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam do Thủ tướng phát động, Hiệp hội đã tích cực và chủ động tiến hành các công việc chủ yếu sau:

  1. Xây dựng Đề án triển khai và Chương trình hành động

Đề án và Chương trình hành động triển khai Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam 10/11 hằng năm và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hướng tới các mục đích, yêu cầu cụ thể sau:

– Động viên các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, thành phần kinh tế đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của VHDN đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của toàn nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

– Động viên doanh nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; thi đua phấn đấu không ngừng hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và thương hiệu của doanh nghiệp trong quá trình phục vụ xã hội và hội nhập quốc tế, qua đó phát hiện, tôn vinh doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

– Tuyên truyền, quảng bá và nhân rộng những điển hình doanh nghiệp, doanh nhân tiên tiến đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp mạnh, phát huy được những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc vừa tuân thủ những chuẩn mực, tập quán kinh doanh quốc tế.

– Tăng cường ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thực thi văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh văn minh, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

  1. Xây dựng Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu”

Quy chế này quy định việc xét chọn và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu” vào dịp Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam 10/11 hằng năm cho các doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp và tích cực hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Với tinh thần chủ đạo “Xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu”, là sân chơi của cộng đồng doanh nghiệp”, Quy chế này gồm các quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí, phương thức, trình tự và thủ tục xét tặng danh hiệu nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và tác dụng động viên, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và thực thi có hiệu quả văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

  1. Xây dựng Bộ tiêu chí “Văn hóa Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”

Trên cơ sở Quyết định số 1846/QĐ-TTg và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, các văn bản pháp luật của Nhà nước, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Bộ tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam” được xây dựng nhằm tạo thước đo để các doanh nghiệp, doanh nhân tự đánh giá về văn hóa của mình; làm căn cứ để xem xét, đánh giá và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu”; định hướng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bộ tiêu chí gồm các nội dung chủ yếu sau: (i) Văn hóa của người lãnh đạo doanh nghiệp; (ii) Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; (iii) Tinh thần thượng tôn pháp luật; (iv) Đạo đức kinh doanh; (v) Thực hiện trách nhiệm xã hội; (vi) Cạnh tranh lành mạnh.

  1. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về Quy chế tôn vinh và Bộ tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”.

Hiệp hội đã tổ chức 7 hội nghị tại Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Đồng Tháp… nhằm tuyên truyền, quảng bá về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các cơ quan báo chí, truyền thông, về Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu” và Bộ tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”. Các hội nghị cũng được sự quan tâm và tham gia tích cực của Ban Chỉ đạo khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên cũng như lãnh đạo các tỉnh, thành và các sở, ban, ngành của địa phương ở cả ba miền. Trên cơ sở đóng góp ý kiến tại các hội nghị, Hiệp hội sẽ hoàn thiện Quy chế tôn vinh và Bộ tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”.

  1. Công tác tuyên truyền, quảng bá và phối hợp với các địa phương triển khai Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp và trong toàn xã hội về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội đã ký kết hợp tác với một số cơ quan thông tin đại chúng, các hội, hiệp hội doanh nghiệp và địa phương như: Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Thế giới và Việt Nam; Cục Văn hóa Cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam; Tổ chức Mạng lưới Kinh doanh Quốc tế (BNI)…

  1. Chuẩn bị các công việc cần thiết để hoàn thiện tổ chức bộ máy triển khai Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

– Chuẩn bị thành lập Ban Tổ chức để triển khai Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gồm đại diện các hội, hiệp hội lớn, tính đại diện cao do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam là cơ quan thường trực.

– Thành lập Hội đồng Xét tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu” với thành viên là các nhà quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, thành viên Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam; có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét, đánh giá, phát hiện, thẩm định hồ sơ, lựa chọn, đề xuất số lượng doanh nghiệp được trao tặng danh hiệu, thu thập ý kiến, kiến nghị Ban Tổ chức xem xét, quyết định.

– Thành lập Ban Thư ký giúp việc cho Hội đồng Xét tặng danh hiệu trong việc thực hiện các hoạt động của chương trình Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa tiêu biểu”.

  1. Củng cố tổ chức bộ máy của Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam với việc thành lập/chuẩn bị thành lập các văn phòng đại diện ở khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc nhằm triển khai rộng khắp Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
  2. Tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Văn hoá doanh nghiệp – nền tảng để phát triển bền vững” tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/10/2017. Đây là hoạt động quan trọng đánh dấu một năm ngày Thủ tướng Chính phủ phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam 10/11/2017, đồng thời là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp về chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân.

Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao mọi sự hợp tác quốc tế và sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức kinh tế và xã hội, các doanh nghiệp và hội/hiệp hội doanh nghiệp, cũng như các cá nhân về chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật chất, tài chính, tinh thần đối với Hiệp hội trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam.

14:55:39 11-10-2017

VHDN: Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Hiệp hội, tên tiếng Anh: “Vietnam Association of Business Culture Development” – “VNABC”) được thành lập theo Quyết định số 2179/QĐ-BNV ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Điều lệ của Hiệp hội Phát […]

Đối tác của chúng tôi