Sự kiện - chuyên đề:

Huyền bí nơi bồng lai tiên cảnh Suối Giàng

VHDN: Suối Giàng, Yên Bái mùa nào cũng đẹp nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là những dịp đầu xuân, khi chút se lạnh còn vương vấn trên những triền đồi, hòa quyện trên những nương chè cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức lễ cúng nhằm tôn vinh cây chè cổ Shan Tuyết Suối Giàng, gắn với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc H’Mông với truyền thống yêu lao động sản xuất. Cây chè Suối Giàng đã trở thành biểu tượng của miền đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hoá và du lịch Tây Bắc.

 

Quà tặng của mẹ thiên nhiên

Giống như kẻ lữ khách lang thang đi khám phá cái đẹp “hoang sơ’ của núi rừng mà thiên nhiên đã ban tặng, chúng tôi đến với xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn, Yên Bái. Nơi này được ví như mảnh đất được mẹ thiên nhiên ban tặng để những nàng tiên trời xuống vui chơi thỏa thích. Mỗi du khách xa lạ như chúng tôi khi đến đây mới thấy được Suối Giàng đẹp “kỳ lạ, thần thánh” đến vậy. Khí hậu như một Sa Pa thu nhỏ “Mây vờn nắng nhạt quanh năm”. Ngôi làng nhà sàn của người H’Mông ẩn khuất sau những hàng chè cổ thụ Shan Tuyết vài trăm năm tuổi với thân cây nhuộm màu trắng mốc. Mỗi khi chiều buông những làn mây trắng từ đỉnh núi cao thẳm sà xuống dưới chân đồi như một dòng suối chảy trong xanh. Hình như là vậy, Suối Giàng – Suối lên trời cũng được người dân H’Mông ở đây đã gọi từ hàng trăm năm nay.

Đêm buông xuống thật nhanh trên rẻo cao cũng là lúc lữ khách tôi phải tìm một chỗ nghỉ chân và thật tuyệt khi ngôi nhà sàn của ông Sổng A Nụ người H’Mông làm du lịch đang mở rộng cửa đón khách. Bếp lửa than hồng, thịt nướng, rượu men lá và tiếng “thậm thịch” của cối giã gạo đã giúp du khách xua đi cái rét cắt da cắt thịt. Ông Sổng A Nụ luôn cười vang khi có khách đến ở. Ông bảo: “Uống rượu ở vùng cao khó say lắm, rượu chỉ làm cho người ta ấm bụng, nóng cái người lên được thôi”.

Đúng là vậy, uống nhiều rượu “gần như no cái bụng” mà chúng tôi nào có thấy say. Hình như trong lòng ai cũng nghĩ đi hàng trăm cây số, cuốc bộ, leo núi cả ngày trời lên đây để say, để ngủ là sao. Những cây chè Tuyết San trăm năm gắn với truyền thuyết  huyền bí ngoài kia luôn khơi dậy trí tò mò của lữ khách. Như đọc được suy nghĩ của khách, ông Sổng A Nụ trèo lên cây chè cổ thụ dưới sân hái nắm lạ xanh mướt cho ngay vào nồi nước đang sôi trên bếp, được một lát ông rót một bát cho mỗi  người. Ông Nụ bảo cứ uống chè đi đã, vừa uống vừa thổi, vừa nghe truyền thuyết về cây chè Tuyết Shan mới thấy vị chè nơi đây.

Sự thúc giục muốn được khám phá, cả đoàn du khách không ai bảo ai đều bưng bát. Ngụm một hơi nước chè, ông Sổng A Nụ bảo:

“Người H’Mông nơi đây uống chè Suối Giàng để cảm nhận được sự kết tinh của đạo lý làm người là quý trọng nhau, tin tưởng nhau, yêu thương nhau thì uống cùng nhau, không phân biệt thành phần, lứa tuổi, dân tộc, gặp nhau mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông đều cùng nhau thưởng thức, uống chè Suối Giàng là cảm nhận cái cao rộng của đất trời, là sự giao hoà giữ con người với thiên nhiên để xích lại gần nhau hơn”.

Và ông Nụ bắt đều kể về truyền thuyết cây chè Tuyết Shan. Truyền thuyết kể rằng, một sớm có nàng tiên nữ đã đến đây và gieo loại hạt lạ xuống vùng đất này. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nẩy mầm và mọc thành cây xanh tốt, tán cây ngày càng rộng, lá cây xanh ngắt to bằng nửa bàn tay, còn búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Khi ấy có một nhóm người H’Mông di cư đến đây, do loạn lạc đường xa, thiếu đồ ăn thức uống lại bị bệnh sốt rét hoành hành. Họ thấy cây xanh tốt lại mọc giữa chốn non cao liền hái lá cây ăn và kỳ lạ thay, sau khi ăn xong họ thấy tỉnh táo lạ thường. Thấy vậy, họ liền lấy lá cây đun với nước suối uống. Ngày này qua ngày khác, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều hết sốt và khỏe khoắn trở lại. Cho là có trời cứu giúp, mọi người quyết định ở lại đây với loài cây lạ và đặt tên nơi này là Suối Giàng. Từ đó, cây chè Shan tuyết đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây.

Ông Nụ bảo, lịch sử cây chè ở Suối Giàng xuất hiện từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa xác định được, với diện tích gần 400 ha, trong đó có hàng vạn cây chè 100 năm tuổi và 300 tuổi. Mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây chè cổ thụ nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được. Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tín ngưỡng dân gian chiếm một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người H’Mông ở Tây Bắc. Với quan niệm vạn vật có linh hồn, đồng bào Mông thường có tục cúng những hòn đá to, những cây cổ thụ… Hàng năm, người H’Mông Suối Giàng có cúng cây chè tổ. Lễ cúng cây chè vừa thể hiện nét văn hoá tâm linh vừa chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên nét đẹp độc đáo của Suối Giàng.

Đêm đã về khuya, cái rét “cắt da, cắt thịt” vùng cao đứng lấp ló ngoài cửa sổ. Rượu men lá bên bếp lửa hồng và truyền thuyết về cây chè Tuyết Shan đã làm du khách “thổn thức” quên đi rét của mùa đông Tây Bắc.

Tưởng chỉ mình tôi cả đêm dài thao thức nghĩ về “Nàng tiên trong truyền thuyết”. Theo cách nghĩ của dân tộc H’Mông thì nàng tiên ra sao nhỉ, rồi cây chè tổ to cỡ nào, lễ cúng ra sao nhỉ… Chả mấy chốc gà đã gáy, tiếng thậm thịch của cối giã gạo, tiếng lép bép của bếp lửa đã thúc giục cả tôi và đoàn du khách tung tấm chăn thổ cẩm ấm áp để đến với cây chè cổ và nghe những gì mà người H’Mông cúng.

Ông Nụ rồi cho biết: Vào dịp đầu xuân, mới diễn ra các lễ hội văn hoá dân tộc Mông Suối Giàng, khắp núi rừng lại vang tiếng khèn, tiếng sáo, mọi người dân đều vượt đèo lội suối đến trung tâm xã để chơi xuân. Còn thời gian này mọi người đang đi thu hoạch chè búp rồi.

Tôi có ý nhờ anh đưa đến cây chè tổ. Nơi mà hàng năm diễn ra lễ linh thiêng nhất của người H’Mông Suối Giàng. Ông Nụ đồng ý ngay và chỉ lên rừng, anh thấy cứ cây to nhất, cao nhất và có lớp cây mốc ẩm và gân guốc theo thời gian thì đó là cây chè tổ, cũng không xa trung tâm xã là mấy.

Anh Sổng A Nụ cho biết, lễ cúng chè tổ là nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu trong mỗi lễ hội, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, cảm tạ trời đất và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hoà, cầu cho cuộc sống ấm no hạnh phúc… Ngay tại gốc cây chè tổ, ông chủ lễ cung kính nói dõng dạc từng từ, từng chữ gửi gắm ước mơ và khát vọng của mình, để cộng cảm, cộng sinh và cộng mệnh với đồng bào.

Trong suy nghĩ của tôi lời cúng cây chè tổ phải huyền bí và linh thiêng mà chỉ có người dân tộc Mông mới hiểu được nhưng khi được anh Sổng A Nụ dịch và đọc lại lời cúng thì tôi mới thấy đây như một bài diễn văn khái quát lại sự biết ơn, cảm tạ của người H’Mông với trời đất đã ban cho cây chè để bảo vệ và nuôi dưỡng người Mông. Lời bài cúng vừa gần, vừa xa, vừa tâm linh vừa đời thường.

Hỡi trời đất, thần linh! Hôm nay, người Mông Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có chút lễ mọn dâng lên trời đất, thần linh, thần chè tỏ lòng thành tâm: Cầu thần trời, thần đất, thần chè phù hộ, che chở cho vạn vật, cầu cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc, cầu cho quê hương, đất nước thái bình – thịnh vượng.

Nhớ khi xưa, mới đến định cư, nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét, lầm than, tăm tối, người Mông chỉ biết cặm cụi làm ăn: trồng ngô, trồng lúa và săn bắt. Nhờ trời, nhờ ơn Đảng và Chính phủ, người Mông có cây chè quý, có được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, đời sống có nhiều tiến bộ. Hàng trăm năm qua, cây chè của tự nhiên đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hoá của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này. Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn con người, gần gũi và thân thuộc, gắn bó như  máu thịt với đồng bào. Trồng chè, thưởng thức chè đã trở thành nhu cầu, thành văn hoá. Suối Giàng hôm nay đã đổi mới rồi, lung linh điện sáng trên núi cao, vang vang tiếng trẻ học bài, người Mông có truyền hình để xem, có xe máy để đi, tất cả là nhờ cây chè, hương chè, búp chè mang lại. Hương thơm, vị đượm của chè Shan Tuyết Suối Giàng đang bay xa để mời gọi bạn bè bốn phương. Sản phẩm chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được bàn bè trong và ngoài nước ưa chuộng”.

Chúng tôi chỉ là những du khách và cũng được nghe lễ cúng cây chè tổ lần đầu nhưng những lời cúng cây chè tưởng chỉ những câu thần thông biến hóa nhưng đó là những từ ngữ mộc mạc, đơn giản và đúc kết trong lao động sản xuất của người H’Mông mà ra. Là loại cây mọc hoàn toàn tự nhiên ở các sườn núi quanh năm mây mờ bao phủ, được hấp thụ những tinh tuý của đất trời nên chè Suối Giàng có hương vị thơm ngon đặc biệt mà không có loại chè nào có được.

Đã bao đời nay, việc thu hái và chế biến chè Shan Tuyết Suối Giàng đều được người dân nơi đây thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống của người Mông, nên vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có. Đặc sản chè tuyết của Suối Giàng đã được nhiều nơi trong cả nước biết đến, và thường được nhiều người chọn làm quà biếu để tặng khách quý trong những dịp lễ tết. Bởi vậy cây chè Shan Tuyết cổ thụ được xem như là biểu tượng, là nguồn sống và cũng chính là cây xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc H’Mông ở Suối Giàng.

Một niềm vui không chỉ có người H’Mông Tây Bắc và cả những du khách phương xa như chúng tôi khi nghe được tin UBND tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của huyện Văn Chấn. Với việc xây dựng khu du lịch theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, cùng tiềm năng du lịch của vùng chè cổ thụ quanh năm trong lành, mát mẻ và lòng mến khách của người dân Suối Giàng đang hứa hẹn với du khách một điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch về cội nguồn ở Yên Bái. Đây là “chủ trương” quan trọng nhất với người H’Mông để bảo tồn những bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đồng thời thúc đẩy kinh tế vùng cao phát triển, điều kiện quan trọng nhất giúp người Mông yên tâm “an cư lạc nghiệp”.

Đến với dân tộc H’Mông Suối Giàng vào những ngày đầu xuân khi hoa mận, hao đào nở trắng rừng. Lữ khách chúng tôi không chỉ được tìm hiểu về đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc H’Mông, mà còn được hoà quyện với thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, được nhấp ngụm trà xanh ngọt nơi đầu lưỡi bên những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được hoà mình hiểu thêm nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian, cũng như nghề truyền thống của đồng bào H’Mông như: nghề rèn, đan lát và thêu dệt… Hơn hết đó là để cảm nhận sự thay đổi trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân H’Mông nơi đây.

Nguyễn Nhật Thanh

20:55:48 15-07-2018

VHDN: Suối Giàng, Yên Bái mùa nào cũng đẹp nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là những dịp đầu xuân, khi chút se lạnh còn vương vấn trên những triền đồi, hòa quyện trên những nương chè cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức lễ cúng nhằm tôn vinh cây chè cổ […]

Đối tác của chúng tôi