Sự kiện - chuyên đề:

Huyền bí tết nhảy của người Mán

VHDN: Người Mán, hay còn gọi là người Dao quần chẹt, vì quần của họ bao giờ cũng bó sát ống chân và đùi. Hàng trăm năm trước, tổ tiên của họ từ phương Bắc vượt biển vào nước ta. Họ sống trên các dãy núi, đốt nương làm rẫy, nhiều đêm sáng rực cả góc trời. Có khi họ hò hát, nhảy múa suốt đêm quanh ánh lửa bập bùng trên núi cao. Thế giới tâm linh, huyền ảo, hư thực cứ hiện về. Bây giờ, họ đã hòa đồng hơn với các dân tộc khác, xuống thấp hơn để sinh sống. Tuy nhiên, những tập tục về họ vẫn ẩn chứa nhiều huyền bí.

Tộc người huyền bí, hiếu khách

Ngày trước, nhà tôi ở Phố Vạc (Cẩm Thủy – Thanh Hóa), đêm đến chỉ cần ngước mắt về phía ngọn núi sau nhà là thấy trời đỏ rực. Cứ tháng ba, tháng tư, bà con người Mán lại rời nhà lên núi dựng lán sống cả vài tháng để đốt nương, làm rẫy. Họ làm việc cả ngày lẫn đêm. Có khi đến độ tháng 10, đúng vào dịp Tết nhảy, họ mới về nhà. Họ đốt lửa rồi nhảy, kéo dài 3 ngày, 3 đêm mà không thấy mệt.

Từ trong túi nải, họ lấy ra nhiều bức tranh, vẽ đủ mọi thể loại. Có khi vẽ một ông lão mày to, mắt sáng, râu dài dữ tợn, có ông rất hiền từ. Có khi vẽ cảnh núi non trùng trùng, điệp điệp. Tất cả như một kho báu bí mật chứa mọi sự huyền ảo tâm linh trong đó. Ánh lửa sáng rực, các bức tranh được treo khắp tường nhà đỏ đòng đọc, bay lất phất như ngọn lửa. Họ nhảy múa, hò hét, có lúc nghe nhẹ bẫng, có lúc nghe rợn cả người.

Ban đầu 10 thanh niên cầm lá cờ múa tít kêu gọi âm binh. Tiếp đó lại có một nhóm cầm dao găm bằng gỗ xoay múa liên hồi, biểu dương tinh thần thượng võ của người Dao trong quá trình đấu tranh chống giặc giã của ông cha. Rồi đến điệu múa phát nương, điệu bắt ba ba. Lại có cả những ông thầy tay phải cầm thanh kiếm, tay trái cầm chuông vừa khua vừa lắc, vừa rải tiền quan, lúc nhảy lên, lúc vung kiếm chém tới tấp.

Người Kinh gần đấy mỗi khi nhắc đến người Mán đều xem họ như một tộc người “phù thủy”, đầy huyền bí. Ở Cẩm Thủy, là một huyện trung du miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, người Mán chỉ quần cư tại hai xã Cẩm Bình và Cẩm Châu. Thế nhưng họ chỉ ở nhà được vài hôm rồi lại khóa cửa mà đi vì nhớ rừng. Từ Phố Vạc, tôi chỉ cần vài bước chân là đến Cẩm Bình. Mỗi lần đi qua, cả làng đều vắng hoe. Trái cây trong vườn của người Mán chín rụng gốc cũng chẳng ai dám bứt trộm. Đơn giản ai cũng sợ tộc người huyền bí kia biết bỏ bùa.

Chợ huyện họp gần ngã tư Bãi Kiểm. Mỗi lần người Mán xuống chợ, họ đi cả đoàn. Họ vận trang phục đỏ rực pha lẫn màu chàm. Tai đeo khuyên, cổ đeo vòng. Rồi lắc tay, lắc chân, tất cả đều bằng bạc sáng loáng. Mỗi lần nghe tiếng kêu leng keng là biết ngay có người Mán. Trông họ như thổ dân khiến bọn trẻ chúng tôi ù té chạy.

Mãi đến sau này, những định kiến của tôi mới được tháo gỡ. Cả lớp chỉ có duy nhất một cô bạn người Mán tên là Bàn Thị Thương, chúng tôi hay gọi là Thương Mán. Thế hệ chúng tôi ai cũng mê sắc đẹp của Thương. Hồi ấy cứ vào đầu tháng 12 âm lịch, cả lớp lại theo Thương về nhà ăn Tết. Nhìn họ cổ quái vậy, thế mà hiếu khách lắm. Khách đến nhà càng đông họ càng thích.

Món ăn của người Mán rất đơn giản, chỉ có bánh dày làm bằng gạo nếp nương, thứ ngọc trời mà họ thu hoạch được suốt cả năm trời đốt nương làm rẫy. Họ đem gạo đồ thành xôi, rồi bỏ vào cối giã cho thật nhuyễn mới nặn thành bánh. Cả con lợn làm thịt chỉ có một món duy nhất là luộc. Thức ăn không bầy ra đĩa mà cho vào lá chuối. Ăn một con lợn không đủ, họ sẵn sàng ra chuồng bắt luôn một con nữa làm thịt. Họ ăn tết suốt cả tháng trời cho đến cận ngày 29/12 âm lịch, rồi chuyển sang ăn tết cổ truyền của người Việt.

Lời hứa truyền đời

Giờ, tôi lại được đón tết của người Mán. Ông Hà Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu, cùng hai cán bộ cũng xuống tận nhà dân bản ăn tết. Bây giờ, ô tô, xe máy có thể chạy đến tận sân từng hộ, vì bà con đã di cư xuống thấp hơn để sinh sống.

Chủ nhà Dương Văn Xuân ở làng Sơn Lập, xã Cẩm Châu nghe nói có chúng tôi xuống thăm nên rất trịnh trọng tiếp đón. Tết bây giờ còn to gấp cả chục lần cái tết nhiều năm trước tôi dự ở nhà Thương. Tại nhà ông Xuân, con cháu tập trung đông đủ, nào anh em họ, nào thông gia, bạn hữu. Trong nhà bày la liệt cỗ, ngoài sân dựng rạp trông như đám cưới.

Sơn Lập hiện có hơn 160 hộ người Mán, nhưng chỉ 53 hộ là có giường thờ đầy đủ các vị thần linh. Người Mán ở Cẩm Châu có 12 họ như: Triệu, Dương, Bàn, Phùng…, trong đó mỗi họ chia làm hai nhánh. Cụ thể, họ Triệu gồm: Triệu lớn, Triệu nhỏ. Bàn cũng có Bàn lớn, Bàn nhỏ. Họ Triệu chiếm khoảng 70%.

Chủ tịch Lập là người Mường nhưng lại mê nét văn hóa, phong tục tập quán của người Mán. Chẳng thế mà năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 12 âm lịch là ông xuống ăn tết với bà con. Bản tính vốn tò mò, cái gì không hiểu ông càng muốn biết. Ông thích nghe cảnh người ta đọc mo, hay cảnh nhảy múa.

Càng theo dõi, ông Lập càng cảm thấy cần phải tìm hiểu. Bởi, nó vừa hư, vừa thực, đôi chút có phần tâm linh kỳ bí, lúc lại thấy một kho tàng văn hóa ẩn chứa cuộc sống tinh thần của họ. Kỳ thú với nét văn hóa lạ lẫm đó, ông cũng có ý định thành lập khu người Mán. Diện tích 10ha đất mà ông dự kiến cho người Mán vào đó sinh sống đã có quy hoạch. Song khó khăn lớn nhất của ông là sợ không được cấp trên phê duyệt.

Sáng kiến của ông Lập theo tôi cũng khả thi, bởi có thể mở ra hướng khai thác du lịch văn hóa. Ngay cả tôi, một người năng đi, biết nhiều mà cũng chưa hết bất ngờ về tộc người kỳ bí này. Trước ban thờ các vị thần linh đặt một cái thủ lợn sống, bên cạnh là nguyên bộ lòng, gan. Tiếp theo là bánh dày, vàng hương, tiền bạc. Tổng cộng có 3 mâm cỗ, mỗi mâm có một thầy ngồi đọc mo. Các thầy đọc cùng một lúc rằng: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, xin mời Ngọc Hoàng cùng các vị thiên binh, thiên tướng hạ phàm thưởng thức lễ vật và phù hộ cho con cháu”.

Các thầy mo đọc một lèo suốt gần hai giờ đồng hồ mới nghỉ. Trước đó, một ông thầy tay phải cầm cái gậy dài đầu bịt sắt cùng một cành lá tươi. Cái gậy tượng trưng cho việc cày cấy gieo hạt, còn cành lá dùng để quét sạch rủi ro. Trên cửa nhà người Mán còn treo một cành lá tươi. Song cành lá ấy tuyệt đối không được có mủ nhựa. Người Mán cho rằng, cành lá là để mời các vị thiên binh, thiên tướng vào nhà để đuổi yêu tà. Nếu cành lá có mủ sẽ dính yêu tà ở lại nên người Mán rất kỵ điều này.

Thầy cúng Bàn Phú Nhuận (65 tuổi) bảo: Cả năm người Mán chỉ có 3 cái Tết quan trọng, gồm: Thanh minh, Rằm tháng 7 và Tết nhảy, trong đó Tết nhảy là đặc biệt nhất. Cả mấy chục năm trời mỗi hộ mới được đăng cai một lần. Trước khi đăng cai, gia chủ phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm để cả làng đến ăn và nhảy suốt 3 ngày 3 đêm. Cuộc đăng cai tết nhảy tương đối tốn kém nhưng ai cũng muốn tham gia. Gia súc nuôi trong nhà đều phải giết sạch để tế thần linh. Nếu muốn nuôi thì phải đem đi nơi khác gửi, xong Tết nhảy mới được đem về.

Truyền rằng, hàng trăm năm trước, tổ tiên người Mán gồm 12 dòng họ từ phương Bắc đã vượt biển vào nước ta lập nghiệp. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà không thấy bờ, bất ngờ có một trận bão to, gió lớn làm cho tàu thuyền của họ chao đảo. Trong lúc nguy cấp, các dòng họ cầu xin Bàn Vương, tổ tiên nếu tha chết cho họ thì mọi người sẽ tổ chức Tết nhảy 3 ngày 3 đêm để cảm ơn ân đức. Lời thề vừa dứt thì mây quang, gió lặng. Từ đó, tục Tết nhảy ra đời và truyền cho đến ngày nay.

Nguyễn Xuân Hoàng

14:13:26 23-01-2018

VHDN: Người Mán, hay còn gọi là người Dao quần chẹt, vì quần của họ bao giờ cũng bó sát ống chân và đùi. Hàng trăm năm trước, tổ tiên của họ từ phương Bắc vượt biển vào nước ta. Họ sống trên các dãy núi, đốt nương làm rẫy, nhiều đêm sáng rực cả […]

Đối tác của chúng tôi