Sự kiện - chuyên đề:

Kon Tum : Đẩy nhanh thu hút, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế

VHDN: Tính đến nay, tại Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 111 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.237 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng quản lý, thu hút đầu tư

Xác định thu hút đầu tư sẽ tạo động lực phát triển nhanh và mạnh mẽ KKT và các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum (BQL) đã tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, đồng thời tập trung hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm để tạo “Lực kéo” quan trọng vào các KCN. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT, thời gian qua BQL tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn được phân cấp.

Trong năm 2022, BQL đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 13 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 191,25 tỷ đồng; quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 11 dự án; chấp thuận điều chỉnh

chủ trương đầu tư của UBND tỉnh cho 1 dự án; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 12 dự án; hiệu đính 1 dự án; ngừng hoạt động 2 dự án; chấm dứt hoạt động 11 dự án. Tính đến nay, tại các KCN, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 111 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 4.237 tỷ đồng; trong đó, có 72 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Hằng năm, các doanh nghiệp KCN, KKT nộp ngân sách nhà nước trên 80 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 2.000 người lao động trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thời gian qua, BQLKKT tỉnh Kon Tum đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm; rà soát, lập danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong các KCN, KKT. Đồng thời, bố trí cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm công tác để hướng dẫn, hỗ trợ và giúp nhà đầu tư trong quá trình lập và triển khai các thủ tục đầu tư vào KKT, KCN. Từ đó góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Nâng cao hiệu quả hoạt động trang thông tin điện tử của KKT, đẩy mạnh thực hiện xử lý, giải quyết các thủ tục đầu tư trên môi trường mạng; chuyển đổi số trong công tác điều hành và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư. Năm 2022, tổng số thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ và trả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh là 73 thủ tục hành chính; 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã được trả kết quả đúng hạn, trước hạn.

Với vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, BQLKKT thường xuyên tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn, điển hình là tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Phát triển KKT, KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030” và trình bổ sung KCN sản xuất, chế biến dược liệu tập trung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Qua đó, góp phần quan trọng tạo động lực để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai quy hoạch đảm bảo hợp lý và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư; tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng thiết yếu và mở rộng diện tích các KCN ở những nơi có hạ tầng đồng bộ, thuận lợi thu hút đầu tư gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư trong các KCN trên địa bàn. Cùng với đó, chú trọng công tác đối ngoại thông qua KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Lào và Campuchia, gắn kết với hành lang kinh tế Đông-Tây, tạo động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, có quy chế hoạt động riêng, được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ; phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới, gắn kết với hành lang kinh tế Đông-Tây của khu vực, khai thác có hiệu quả tiềm năng trong khu vực.

Khu Công nghiệp Hoà Bình, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Theo ông Vũ Mạnh Hải, Phó trưởng BQLKKT tỉnh Kon Tum, thời gian tới sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT nhằm tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phối hợp với các ngành chức năng rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhà đầu tư.

Với lợi thế của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y cùng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ và tỉnh Kon Tum đối với KKT, đặc biệt là tinh thần làm việc của cán bộ công chức, viên chức BQLKKT tỉnh Kon Tum, hy vọng trong thời gian tới, diện mạo KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ ngày một phát triển, đưa Kon Tum trở thành một tỉnh khá trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Thanh Hải

15:39:30 09-03-2023

VHDN: Tính đến nay, tại Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 111 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4.237 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng quản lý, thu hút […]

Đối tác của chúng tôi