Sự kiện - chuyên đề:

Ngành chăn nuôi làm gì để tránh thua trên sân nhà trong cuộc chơi CPTPP

VHDN: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Với nhiều ngành hàng đây là cơ hội lớn, tuy nhiên ngành nông nghiệp trong nước lại chịu nhiều sức ép, đặc biệt là chăn nuôi được nhận định là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

TS.Trần Toàn Thắng – Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF- Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, ngành chăn nuôi là ngành bị  ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm đi ở mức 0,37%-0,52%. Tuy nhiên, vẫn giúp xuất khẩu tăng thêm thêm được 2,18% đến 2,35%. “Như tôi nhìn nhận thì nếu chẻ cả các góc độ tăng trưởng của ngành, XNK của ngành cộng với việc phân bổ lợi ích các nhóm trong xã hội thì ngành nông nghiệp có thể bị tác động nhiều nhất. Đặc biệt là ngành chăn nuôi, Việt Nam không có lợi thế, và bị tác động âm. Nếu ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng thì đại bộ phận người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng.” TS. Trần Toàn Thắng nói.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), một số chủng loại nông sản mà một số nước CPTPP có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng phải nhấn mạnh: “CPTPP chính thức có hiệu lực, nông nghiệp Việt Nam đối diện với rủi ro tổn thương rất lớn, điển hình là ngành chăn nuôi khi các nước thành viên CPTPP như Chile, Canada, Australia, New Zealand được đánh giá là tiên tiến, hàng đầu thế giới. Nếu không nâng cao bảo vệ thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình sẽ rất gay go chứ không hề thuận lợi như năm 2018”.

TS. Trần Toàn Thắng thông tin thêm, trong chuyến đi khảo sát ở khu vực miền núi mới đây của chúng tôi cho thấy, những hộ về chăn nuôi, sẽ thấy tác động rõ nét nhất là chăn nuôi bò thịt. Tỷ lệ nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, Úc vào Việt Nam tương đối lớn đã tạo nên sức ép đối với ngành nuôi bò thịt của Việt Nam và trong tương lai gần thì rất khó có giải pháp gì lớn để thay đổi được. Bởi đối với ngành nông nghiệp để thay đổi được năng lực cạnh tranh thì phải bắt đầu từ con giống.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nhận định, năng suất lao động của Việt Nam quá thấp. Trong khi trang trại chăn nuôi quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ có 1 – 2 lao động thì ở Việt Nam có tới trên 20 lao động. Ngoài ra, các yếu tố như dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… cũng là những thách thức không nhỏ với chăn nuôi Việt Nam. “Điều dễ thấy là, sản phẩm chăn nuôi từ một số nước như Australia, Canada, Mexico, Malaysia sẽ nhập vào Việt Nam nhiều hơn khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% theo lộ trình của CPTPP. Trong khi đó, các thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand… lại có hàng rào kỹ thuật tương đối cao. Muốn tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Huệ, Ủy viên Thường trực CLB Nông nghiệp CNC Việt Nam cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam vẫn thụ động trên chính sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đang sản xuất những cái mình có chứ chưa sản xuất cái thị trường cần. Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết. Doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin nên không đưa sản phẩm đi chào, thay vào đó trông chờ vào doanh nghiệp nước ngoài sang tìm kiếm, khi đó có thể rơi vào vị thế là người gia công cho họ.

Ông Nguyễn Cao Trí – Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam phân tích, tham gia CPTPP có cả những nước mạnh về chăn nuôi, về quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng như New Zealand, Mexico. Khi đó, chúng ta có thể phải chịu đựng nhiều rủi ro cạnh tranh. Theo ông Trí, các giải pháp trang trại chăn nuôi heo của Việt Nam chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình, vừa và nhỏ nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, công nghệ cũng rất quan trọng. Công nghệ cần phải nuôi tối ưu và tự động cho từng giai đoạn của con vật cùng công nghệ kiểm soát môi trường bên trong. Một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình chăn nuôi là nguồn cung cấp thực phẩm. Hiện, 60-65% chi phí chăn nuôi nằm ở nguồn thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nguồn lương thực đầu vào tốt, được kiểm soát chất lượng, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn vật nuôi đồng thời áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Do vậy, “chúng ta cũng cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm sao để tạo ra vùng trọng điểm trong chăn nuôi như mô hình của các nước tiên tiến. Để làm điều này cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, Chính phủ để tăng sức cạnh tranh, đón đầu lợi thế của CPTTP.” Ông Trí nói.

Bên cạnh đó, các DN chăn nuôi cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác trong khối CPTPP nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn chăn nuôi lớn trong cũng như ngoài khối CPTPP. “Đây chính là cơ hội tốt để các DN chăn nuôi tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng thực phẩm khu vực nội khối, toàn cầu”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, để vượt qua thách thức từ CPTPP, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thí điểm một số mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ, hỗ trợ DN và nông dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp… Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, có cơ sở để tin rằng các sản phẩm do các tập đoàn này làm ra sẽ có khả năng cạnh tranh trên “sân nhà”. Ngoài ra, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại.

Mỹ Dung

17:11:14 13-03-2019

VHDN: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Với nhiều ngành hàng đây là cơ hội lớn, tuy nhiên ngành nông nghiệp trong nước lại chịu nhiều sức ép, đặc biệt là chăn nuôi được nhận định là bị ảnh […]

Đối tác của chúng tôi