Sự kiện - chuyên đề:

“Người viết sử” Quân khu 1

VHDN: Sau những biến thiên của lịch sử, có một người vẫn âm thầm bám sát từng đường đi, nước bước của dân tộc qua các cuộc đấu tranh. Ông là Giáp Ngọc Giới (72 tuổi), người làng Um Ngò, Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang.

Ông Giới thường xuyên bên bàn làm việc, miệt mài viết sử.

Viết từ trong quân ngũ

Qua lời kể của ông, chúng tôi được biết nhiều hơn về con người cũng như công việc của ông. Chẳng là trong và sau thời gian công tác tại Quân khu 1, ông dành thời, gian tâm huyết của mình (1994-2007) để nghiên cứu, tổng kết và viết sử qua các cuộc đấu tranh. Ông chủ yếu viết về lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị của Quân khu 1 qua các thời kỳ. Với vai trò là người trực tiếp biên soạn cộng với sự giúp sức, đóng góp ý kiến từ Thượng tá Nguyễn Minh Sử; Trung tá, cử nhân Lê Quang Tự, các cuốn sách lần lượt nhận được sự quan tâm từ các đồng nghiệp nói riêng cũng như độc giả nói chung. Cuốn biên niên về công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng vũ trang Quân khu 1 Việt Bắc là tiền đề để ông cho ra cuốn sách mang tên “Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang Quân khu 1 Việt Bắc, ( 1945- 2000)”. Với cuốn sách  trên, ông chỉ rõ hai quan điểm lớn: Đó là sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là những sự kiện, tư liệu được ông sưu tầm, thống kê từ các kho tư liệu của Nhà nước. Phần lớn các sự kiện ấy được tóm gọn lại và được ông ghi chép một cách có hệ thống.

Được biết công việc sưu tầm của ông cùng đồng đội gặp không ít khó khăn, với số lượng từ 5- 6 người chia nhau ra, lần lượt vào kho lưu trữ của đơn vị để thu thập thông tin, tư liệu. Trở ngại lớn nhất là thủ tục vào tìm hiểu có những quy định về công tác bảo mật chặt chẽ, đi liền với đó là quy chế ngặt nghèo. Nhất là khi thời kỳ đó, cuộc cách mạng mới chỉ manh nha, mang tính chất cuộc “cách mạng trứng nước” nên khả năng lưu trữ thông tin còn đơn giản, sơ khai. Hơn nữa, với quỹ thời gian dài của cuộc chiến, đất nước oằn mình trong khói bom với 3 cuộc chiến tranh lớn, lịch sử có sự biến thiên nhanh chóng nên tư liệu, sự kiện không được thống kê đầy đủ hoặc có những sai sót không đáng có. Thêm nữa, trong quá trình sưu tầm tài liệu để viết sử, ông nhất mực tuân thủ theo dòng tư liệu chủ lưu, chính thống về các sự kiện. Bởi với ông đó là những tài liệu quý, “ bất di bất dịch”.

Sau quá trình nghiền ngẫm, nghiên cứu các tư liệu ấy, ông tập hợp lại tất cả rồi phát triển thành những quan điểm, phân tích, đánh giá cùng nhận định của người trong cuộc. Như một nhà sử học uyên thâm, khi nhắc tới dấu mốc sự kiện lịch sử nào ông cũng nói vanh vách diễn biến, kết quả cũng như bài học kinh nghiệm thực tiễn liên quan tới sự kiện ấy. Theo đó, vấn đề thứ hai được ông đề cập tới trong cuốn sách liên quan tới lực lượng vũ trang Quân khu 1 (6 tỉnh phía Bắc). Ở vấn đề này, ông nêu rõ sự phát triển, trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu qua các thời kỳ, nhất là từ khi có Đảng tới nay. Tiếp đó ông còn dành nhiều trang viết để nói về lịch sử Quân khu ủy Việt Bắc, lịch sử của Quân đoàn 26 (tiền thân là lịch sử Binh đoàn Pắc Bó). Ông tâm sự: “Qua việc viết lên những trang sử hào hùng ấy, điều làm tôi tâm đắc nhất là ở sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với riêng tôi, vấn đề này thực sự có sức lan tỏa vô cùng lớn, tác động sâu sắc tới tâm tư, nhận thức trong tôi…”. Ngoài ra, với việc hoàn thành xong hai bài tổng kết mang tên: Tổng kết về chiến dịch biên giới thu đông (1950), công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch (chiến dịch Đông- xuân 1953- 1954) hay cuộc chiến đấu và lịch sử của Cục chính trị Quân khu 1… Tất cả đều mang nặng dấu ấn của người cầm bút uyên thâm như ông.

Được Bộ Tư lệnh Quân khu 1 giao phó việc nghiên cứu, tổng kết, viết lịch sử của Quân khu 1, ông không  những làm kịp tiến độ mà còn hoàn thành một cách xuất sắc. Đặc biệt khi đảm nhiệm chức vụ Chánh văn phòng quân đoàn 26, Quân khu 1, ông tiếp tục được thủ trưởng giao cho nhiệm vụ viết lịch sử Quân đoàn Bắc Pó trong khi gánh nặng “cha già, mẹ héo” (cụ thân sinh ra ông nhiều lần bị đột quỵ vì tai biến) nhưng ông vẫn hoàn thành sứ mệnh trên trong thời gian sớm nhất. Vì lẽ đó, sau khi về hưu, ông vinh dự được hưởng lương thiếu tướng, 14 năm cấp hàm Đại tá.

Làm tròn trọng trách với dòng họ

Với thâm niên 45 năm công tác liên tục trong quân đội, không chỉ tài tình trong công tác nghiên cứu, tổng kết, viết lịch sử qua các thời kỳ mà ông còn chứng tỏ tài năng kiệt xuất của mình với trọng trách làm Trưởng ban Liên lạc họ Giáp tại Việt Nam. Đi kèm với đó là các hoạt động mà ông đã thực hiện thành công: Xây dựng quy chế hoạt động của các tộc họ Giáp tại Việt Nam, tổ chức các cuộc chạp họ (tháng Chạp) để tôn vinh những người có công, thành danh, tiêu biểu trong dòng họ. Theo lưu truyền được biết, Trạng nguyên Giáp Hải là tổ phách họ Giáp tại Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), cha thân sinh ra trạng nguyên là cụ Khánh Sơn Tiên Sinh. Do đó, hàng năm ông thường xuyên tổ chức kỷ niệm và các cuộc hội thảo về dòng họ. Ngoài ra, hàng năm ông đều tham gia hội thảo Danh nhân khoa Bảng Giáp Hải do tỉnh Bắc Giang tổ chức, cũng như hội thảo truyền thống hiếu học khoa Bảng tỉnh Bắc Giang. Ông chia sẻ: “Mỗi lần đi là một lần nhớ, nhớ về cội nguồn họ Giáp lừng lẫy, vẻ vang. Đặc biệt, khi hướng ngòi bút của mình để viết lên những bài văn tự, bài phát biểu trong các cuộc hội thảo… lòng tôi lại ngân lên những cảm xúc khó tả”. Ngoài ra, ông còn tham gia viết về lịch sử phường Trần Phú, dựa trên những tư liệu do Đảng ủy, UBND phường Trần Phú cung cấp, sau đó ông tự mày mò nghiên cứu, lựa chọn, chỉnh lý và biên soạn.

Ái Liên

10:08:54 09-11-2017

VHDN: Sau những biến thiên của lịch sử, có một người vẫn âm thầm bám sát từng đường đi, nước bước của dân tộc qua các cuộc đấu tranh. Ông là Giáp Ngọc Giới (72 tuổi), người làng Um Ngò, Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang. Ông Giới thường xuyên bên bàn làm việc, miệt […]

Đối tác của chúng tôi