Sự kiện - chuyên đề:

Những “tâm thư”, đơn xin giảm nhẹ cho quan chức vi phạm quá lố

Công ra công, tội ra tội; sai phạm phải xử lý, pháp luật phải thượng tôn. Không thể mang cảm xúc hay thiện ý để xin giảm nhẹ hình phạt cho quan chức vi phạm.

Thông tin đáng chú ý trong phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Việt Á chiều qua (9/1) là bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương được hơn 100 giáo viên, cựu học sinh Trường THPT Cầu Xe (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Lý lẽ được luật sư trình bày tại tòa là từ năm 1988 – 1995, bị cáo Thăng là giáo viên Trường THPT Cầu Xe; từ năm 1995 – 2020, bị cáo Thăng giữ nhiều chức vụ trong khối Đảng bộ tỉnh Hải Dương.

“Trong hơn 30 năm công tác, dù ở bất kỳ chức vụ, vị trí nào, ông Thăng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp, cấp trên tin tưởng, được trao tặng 43 bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương của Đảng và Nhà nước”, luật sư trình bày.

Những “tâm thư”, đơn xin giảm nhẹ cho quan chức vi phạm quá lố
Bị cáo Nguyễn Thanh Long và Phạm Xuân Thăng tại tòa

Ngay cả bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế – một quan tham bị cáo buộc nhận hối lộ tới 2,25 triệu USD của Công ty Việt Á, đứng trước tòa liên tục xảo ngôn tỏ ra mình thanh liêm, công tâm, cũng có người viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt với những lý lẽ không liên quan, như: Ông Long là “một sinh viên giỏi”, “ là nhà khoa học có kiến thức tinh thông”, “một người nhiệt thành, tâm huyết, giỏi chuyên môn…”.

Trước đó, hồi tháng 7/2023 là đại án chuyến bay giải cứu. Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ của 2 doanh nghiệp, với tổng số tiền 2 tỷ đồng, cũng được 71 cán bộ, giáo viên của Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) gửi “tâm thư” tới Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Một sự tương đồng, một điểm chung rất giống với đại án Việt Á khi những giáo viên viết “tâm thư” xin giảm nhẹ tội cho bị cáo Chử Xuân Dũng không hề liên quan tới vụ án, những lý lẽ đưa ra cũng mang đầy cảm tính: Ông Chử Xuân Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp nhà trường xây dựng thành công mô hình THPT công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào cuối năm 2020; ông Dũng có nhiều đóng góp to lớn cho ngành Giáo dục Hà Nội…

Xin được nói thẳng: Công ra công, tội ra tội, vi phạm phải được xử lý, pháp luật phải thượng tôn, không thể nhập nhèm đánh tráo khái niệm như cách hiểu của nhiều người.

Đối với các bị cáo như Nguyễn Thanh Long và Phạm Xuân Thăng, công của các bị cáo đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những bằng khen, giấy khen, bằng việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn, bổng lộc nhiều hơn…

Và những bằng khen, giấy khen ấy cũng là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự là “người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác”, sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.

Còn về tội, xin được nhắc lại kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Ông Phạm Xuân Thăng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách của Nhà nước, nhân dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Long đã nhận hối lộ 2,25 triệu USD; đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit test Covid-19, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật, không có căn cứ, để Công ty Việt Á tổ chức sản xuất, tiêu thụ kit test theo đơn giá mà ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á nâng khống, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Ông Long đã phản bội lại nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phản bội lại nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày của đồng chí, đồng đội mình, phản bội lại nhân dân trong cuộc chiến với “giặc” dịch, “mở đường” để Công ty Việt Á nâng khống giá kit test, thu lợi bất chính số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Như lời của đại diện Viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố, phạm vi vụ án rất lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi; mọi người đều hiểu rõ bối cảnh dịch bệnh trong vụ án này; do đó Viện kiểm sát rất thận trọng, mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo đã được cân nhắc nhiều.

Thế nên, những người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án không nên có những hành vi viết đơn, ký gửi những “tâm thư” tới tòa án nhân các cấp để xin giảm án cho các bị cáo, nhất là những vụ án như đại án Việt Á.

Hãy để những các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện công tác xét xử một cách độc lập, khách quan, công tâm, công bằng theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nguồn: Báo Công thương

15:53:46 12-01-2024

Công ra công, tội ra tội; sai phạm phải xử lý, pháp luật phải thượng tôn. Không thể mang cảm xúc hay thiện ý để xin giảm nhẹ hình phạt cho quan chức vi phạm. Thông tin đáng chú ý trong phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Việt Á chiều qua (9/1) là bị cáo […]

Đối tác của chúng tôi