Sự kiện - chuyên đề:

Nợ 40 triệu từ sơ sinh đến người già trong cả đống tiền không tiêu nổi

Với 4 triệu tỉ đồng nợ công thì từ sơ sinh cho đến già lão, mỗi người sẽ gánh hơn 40 triệu đồng nợ công – tính toán của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng.

Trong khi vay nợ nước ngoài đang tạo áp lực gánh nợ rất lớn thì rất nhiều công trình xây dựng cơ bản đang không thể giải ngân. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 đến tháng 6 mới giải ngân được 4,3%/. Ảnh: Minh Quân

“Có lần cử tri chất vấn: Tại sao họ không làm gì mà con họ phải gánh 30 triệu đồng nợ công?”. Ông Dũng bắt đầu phát biểu bằng một câu hỏi. Và câu trả lời là giờ, từ 30 triệu mỗi người đã tăng lên 40 triệu đồng.

Đúng là có nhiều vấn đề, có nhiều câu chuyện buồn từ “đống nợ” này.

Vấn đề ở chỗ số trả nợ trực tiếp đến 2021 sẽ là 368.000 tỉ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách. Tức là cứ thu được 100 đồng thì 27,4 đồng trả nợ.

Câu chuyện buồn, là vì nợ nần chồng đống, trong khi chi thường xuyên vẫn tới 63,4%. Và “chi đầu tư phát triển là một câu chuyện buồn của năm 2020”.

Nhưng bi kịch không phải, không chỉ là ở đống nợ. Bi kịch là vay về rồi tiêu không nổi.

Có một chi tiết không ngẫu nhiên. Trong chỉ 3 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 3 lần thúc giục việc giải ngân đầu tư công.

Trong bối cảnh dịch bệnh, giải ngân đầu tư công chính là việc nhà nước đứng vai trò hộ chi tiêu, đưa dòng tiền vào nền kinh tế mà không gây ra lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa tạo việc làm…

Ai cũng biết thế. Chỉ có điều chúng ta không làm được.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài đến 31.10 chỉ ước đạt 18.089 tỉ, tức là chỉ được hơn 30% so với kế hoạch.

Tại sao lại có chuyện vô lý, kỳ cục như thế?

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương có lần nói về một “nút thắt”: Dự án càng lớn, càng khó xây dựng kế hoạch và khó trong việc giải phóng mặt bằng.

Theo ông Phương: Quy trình xin phê duyệt đầu tư rất nhanh, dự án mới ước chừng quy mô đầu tư là đã được phê duyệt, đăng ký vào kế hoạch, xin cấp tiền. Nhưng thực tế thì sao? Không thể tiêu được tiền đó vì chúng ta chưa làm được gì, công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát, tính toán thiết kế chi tiết… còn phải tiếp tục làm, và chắc chắn là nếu không thể có khối lượng công việc nghiệm thu thì không thể giải ngân. Đó cũng là lý do tiền cứ treo hết năm này qua năm khác.

Có một tâm lý mang tính bệnh trạng là “Xin sẵn”, vì sợ đến lượt mình hết vốn. Cho nên, nhiều dự án chưa xong khâu chuẩn bị nhưng đã xin cấp vốn rồi mãi không thể giải ngân.

Thủ tướng đã nói rất rõ rồi: Đơn vị nào giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ bị chế tài. Bởi “không thể để có tiền mà không tiêu được do sự chủ quan, tổ chức thực hiện kém”.

Có lẽ, đã đến lúc cần có một chế tài thật sự, cho những cá nhân cụ thể.

Chứ đấy! Thủ tướng thiếu mỗi nước cầm tay chỉ việc mà tiền cả đống vẫn không tiêu nổi. Trong khi dân “không làm gì”, không vay ai, đang gánh cũng cả đống nợ.

Theo LDO

Chia sẻ
14:19:33 03-11-2020

Với 4 triệu tỉ đồng nợ công thì từ sơ sinh cho đến già lão, mỗi người sẽ gánh hơn 40 triệu đồng nợ công – tính toán của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng. “Có lần cử tri chất vấn: Tại sao họ không làm gì mà con họ phải […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi