Sự kiện - chuyên đề:

Phát triển du lịch sinh thái: Cách nghĩ, cách làm mới ở Tây Bắc

VHDN: Việc xây dựng khu du lịch theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, cùng với phát huy tiềm năng du lịch của vùng chè cổ thụ quanh năm trong lành, mát mẻ, Suối Giàng đang hứa hẹn trở thành một điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch về cội nguồn ở Yên Bái.

Tắm khoáng nóng giữa ruộng bậc thang

Cách trung tâm thị trấn Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chừng 2 km, bản Lừu, xã Hát Lừu có một khu du lịch tắm suối khoáng nóng. Du khách đến đây được nghỉ dưỡng suối khoáng nóng tự nhiên nằm dưới thung lũng nhỏ, phía trước là những thửa ruộng bậc thang, phía sau là đồi thông vi vu gió lộng tạo nên một khung cảnh hữu tình và thơ mộng.

Giới thiệu với du khách, anh Vũ Mạnh Cường, chủ nhân của điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cho biết, suối khoáng nóng có nguồn nước trong vắt, ấm áp, nhiệt độ trung bình từ 35 – 38 độC, nồng độ lưu huỳnh vừa phải, không quá gắt nên rất phù hợp cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh. Vào những ngày mùa đông, mặc dù thời tiết lạnh giá nhưng nếu được ngâm mình trong dòng khoáng nóng, du khách sẽ không hề có cảm giác rét buốt.

Anh Vũ Mạnh Cường cũng cho biết, khu du lịch nghỉ dưỡng này có diện tích trên 15.000 m2, bao gồm hai bể tắm tập thể và gần 10 phòng nghỉ lớn nhỏ, có sức chứa gần 80 khách nghỉ qua đêm. Ngoài tắm khoáng nóng, khu nghỉ dưỡng còn phối hợp với những địa chỉ chế biến ẩm thực tin cậy trong vùng phục vụ các loại hình ăn uống theo phong tục của đồng bào Mông và Thái rất dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như: thịt nướng, cá nướng, xôi ngũ sắc, thịt sấy, măng rừng nướng.

Trong dịp Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 – 70 lượt khách, vào ngày cuối tuần hay lễ tết có thể lên tới 300 lượt khách. Nhiều du khách khi đến đây đều có chung cảm nhận, hơi khoáng cùng dòng nước ấm áp và khung cảnh ruộng bậc thang của người Mông hòa quện với núi rừng Tây Bắc không chỉ mang lại cảm giác thư giãn mà còn giúp lấy lại sức khỏe, năng lượng…

Anh Cường cho biết, thời gian tới, anh sẽ cố gắng huy động vốn để mở rộng diện tích đất đồi, làm thêm các nhà nghỉ homestay, nâng cấp hệ thống đường giao thông đảm bảo thuận tiện cho khách du lịch đến thăm và tắm suối nước nóng  Trạm Tấu.

Nghĩ dưỡng giữa khu chè cổ

Rất nhiều du khách khi đến với Tây Bắc đều mong muốn được hòa mình vào thiên nhiên, được tìm hiểu các nét văn hóa dân tộc bản địa… Như hiểu được những nguyện vọng của du khách, chị Sủng Thị Lan, người dân tộc Mông đã đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái vườn chè cổ Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái.  Du khách đến đây được ngắm những khu rừng hoang sơ tuyệt đẹp, được nhấp ngụm trà xanh ngọt nơi đầu lưỡi bên những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được hiểu thêm nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian, cũng như nghề truyền thống của đồng bào H’Mông, như: nghề rèn, thêu dệt và được sống trong không khí lễ hội của dân tộc H’Mông Tây Bắc.

Ấn tượng đối với tôi hay bất cứ ai lần đầu tiên gặp chị đó là  người phụ nữ linh hoạt, thân thiện, tiếng nói rủ rỉ, thì thầm và có khuôn mặt đặc trưng của người phụ nữ Mông. Chị Sủng Thị Lan kể, sau 7 năm vợ chồng xuống phố chăm chỉ kinh doanh, năm 2012 anh chị quyết định về quê xây dựng bản Mông với số vốn ban đầu hơn 6 tỷ đồng để qui hoạch lại 2 ha đồi với  600 cây chè cổ thụ của gia đình để làm khu du lịch sinh thái.

Chị Lan cho biết, đến nay khu du lịch đã đi vào hoạt động ổn định, tuy khách đến thăm quan còn ít, chị vẫn tạo điều kiện cho 4 người địa phương có công ăn việc làm. Dù phải bù lỗ nhưng niềm vui lớn nhất đối với chị đó là khu du lịch sinh thái của gia đình đang góp sức mời gọi khách du lịch đến với Suối Giàng và quan trọng hơn là người dân nơi đây bắt đầu biết phát triển du lịch sinh thái dựa vào cây chè cổ thụ và chẳng bao lâu nữa cây chè cổ thụ lại được biết đến khi tỉnh Yên Bái xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Như vậy cây chè Suối Giàng sẽ được bảo tồn, Suối Giàng sẽ là một điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch về cội nguồn ở Yên Bái.

Rất nhiều du khách nước ngoài lần đầu tiên đến thăm Suối Giàng cảm thấy rất thích thú, bởi thiên nhiên Suối Giàng rất đẹp, con người nơi đây rất thân thiện, mến khách. Đặc biệt, nơi đây có khu du lịch sinh thái để dân tộc Mông được tụ hội vui chơi. Đây cũng là nơi bảo tồn được rất nhiều cây chè cổ thụ mà không nơi nào có được. Chị Lan cho biết, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Việc xây dựng khu du lịch theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, cùng tiềm năng du lịch của vùng chè cổ thụ quanh năm trong lành, mát mẻ và lòng mến khách của người dân, Suối Giàng đang hứa hẹn trở thành một điểm đến lý tưởng cho hành trình du lịch về cội nguồn ở Yên Bái.

Hướng đi mới phải được qui hoạch

Tỉnh Yên Bái được biết đến với các địa danh như: hồ Thác Bà, hồ Đầm Hậu, đầm Vân Hội, vùng văn hóa Mường Lò đặc trưng dân tộc Thái, danh thắng cấp Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo Tây Bắc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải, núi Tà Xùa, Tà Chì Nhù của huyện Trạm Tấu, Khu sinh thái Suối Giàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, vùng đất ngọc của huyện Lục Yên…

Năm 2017 là năm tỉnh quan tâm đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khởi động năm du lịch với chủ đề lung linh sắc màu văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tỉnh đã đón trên 507.000 lượt khách du lịch, tăng 3,4% so với cùng kỳ, vượt 1,4% so với kế hoạch, doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt trên 270 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp đăng ký tổ chức kinh doanh lữ hành du lịch, 150 cơ sở kinh doanh lưu trú, 145 hộ gia đình hoạt động homestay.

Tuy vậy, những mô hình du lịch sinh thái nhỏ lẻ được các hộ đầu tư lại chưa được quan tâm. Hiện nay, các mô hình du lịch sinh thái chưa phát triển nở rộ. Nhưng về lâu dài nếu người dân thấy lợi trước mắt mà đầu tư ồ ạt sẽ phá vỡ qui hoạch phát triển du lịch của địa phương. Vấn đề này tỉnh Yên Bái cần sớm nhìn ra, chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai các hoạt động du lịch theo đề án của tỉnh và có sự hỗ trợ vốn, nhân lực, cũng như kiến thức về du lịch. Có như vậy tỉnh Yên Bái mới tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng đến sản phẩm mới nhưng vẫn đảm bảo tính đặc trưng của tỉnh nhằm tạo nên sức hút riêng so với các tỉnh miền núi trong khu vực.

Nguyễn Nhật Thanh

10:00:14 13-04-2018

VHDN: Việc xây dựng khu du lịch theo hướng bảo tồn, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, cùng với phát huy tiềm năng du lịch của vùng chè cổ thụ quanh năm trong lành, mát mẻ, Suối Giàng đang hứa hẹn trở thành một điểm đến lý tưởng cho hành […]

Đối tác của chúng tôi