Sự kiện - chuyên đề:

Thái Thụy – Thái Bình: Hơn 170 ha lúa chết bất thường

Người dân thì nghi do đồng ruộng bị nhiễm nước mặn nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình lại khẳng định do “hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn” dẫn đến ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây hoa màu. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước mặt của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) lại cho thấy độ mặn cao gấp nhiều lần quy định.

Sự cố chưa có tiền lệ

Phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường, đại diện người dân 5 thôn của xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian vừa qua, gần như toàn bộ diện tích lúa vụ chiêm xuân 2023 của người dân bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân, mặc dù việc gieo cấy đều đúng thời vụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Công Quang, đại diện cho người dân thôn Tân Phương, xã An Tân cho biết: “Tôi sinh sống và canh tác nông nghiệp ở đây đã hơn 60 năm nhưng chưa từng thấy sự việc tương tự như thế này bao giờ. Khoảng 10 ngày sau khi nhân dân cấy xong thì cây mạ có hiện tượng chết héo hàng loạt. Người dân sau đó phải đi mua mạ ở xã khác về cấy nhưng sau một thời gian, cây vẫn bị vàng héo, không thể phát triển. Một số khu vực tuy cây lúa vẫn phát triển nhưng không trổ bông hoặc nếu có thì hạt lép”.

img-3786.jpg
Người dân xã An Tân muốn biết chính xác nguyên nhân khiến hơn 170 ha lúa chết bất thường (ảnh được phóng viên ghi nhận vào tháng 6/2023)

Tương tự, ông Mai Nhân Duẩn, đại diện cho người dân thôn Tân An nói: “Người dân chúng tôi phát hiện vấn đề bất thường từ đợt trồng cây vụ Đông năm 2022. Bằng chứng là cây hoa màu (hành, dưa hấu…) của người dân đều không cho thu hoạch. Thế nhưng thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là do thời tiết cực đoan chứ không nghĩ đến việc nguồn nước, đất có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên khi cả xã đồng loạt gieo cấy và đồng loạt bị ảnh hưởng thì chúng tôi mới đặt nghi vấn và làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Điều mong mỏi của người dân chúng tôi là cơ quan chức năng phải tìm ra được nguyên nhân khiến lúa chết hàng loạt và hướng xử lý vấn đề trên”.

Ông Trần Văn Lèo, người dân thôn Tân An bức xúc cho biết thêm: “Hàng năm người dân chúng tôi đều lấy nước canh tác từ hệ thống kênh N2 để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, từ vụ đông 2022 kênh N2 cải tạo, sửa chữa bờ kè nên lượng nước chảy về không đủ. Chính vì vậy, khoảng tháng 10, 11/2022, Ban Quản lý Hợp tác xã Thuỵ Tân đã sử dụng nguồn nước từ cống Cao Cổ (cống này lấy nước từ sông Hóa, một nhánh sông đổ ra biển của hệ thống sông Thái Bình do Xí nghiệp Khai thác Công trình Thủy lợi huyện Thái Thụy quản lý – PV) với hi vọng có nước ngọt phục vụ sản xuất. Tuy nhiên người dân chúng tôi nghi ngờ người vận hành cống Cao Cổ đã lấy nước không đúng kỹ thuật khiến một lượng lớn nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Tân cho biết, tổng diện tích gieo cấy toàn xã khoảng 172 ha, trong đó diện tích gieo cấy thực tế là khoảng gần 140 ha. Diện tích lúa bị ảnh hưởng (bị chết hoặc không cho thu hoạch) chiếm khoảng 90% diện tích gieo cấy thực tế. Phần diện tích còn lại có cho thu hoạch nhưng năng suất cũng chỉ đạt khoảng 25% so với trước đây và chất lượng hạt lúa rất thấp.

Những báo cáo trái ngược?

Hiện nay, mong mỏi lớn nhất của người dân xã An Tân là cơ quan chức năng phải xác định được nguyên nhân lúa chết có phải do nhiễm mặn hay không? Hướng xử lý nếu nước, đất bị nhiễm mặn là như thế nào?

lua-chet-2-.jpg
Rễ cây lúa không thể phát triển do nghi bị nhiễm nước mặn (ảnh phóng viên chụp vào tháng 6/2023)

Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Nghiên, Chánh Văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết: “Sau khi nắm bắt được thông tin, lãnh đạo huyện đã giao cho UBND xã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh, báo cáo lại để tìm những giải pháp khắc phục. Huyện cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình xuống lấy mẫu đất và nước để xác định nguyên nhân cụ thể. Mục tiêu cấp thiết là xử lý vấn đề để bà con có thể tiếp tục canh tác vụ tới. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan liên tục cho thau chua, rửa mặn toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng”.

Trong khi đó, tại văn bản phản hồi thông tin gửi Báo Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình khẳng định tình trạng lúa chết, lúa kém phát triển không phải từ nguyên nhân nguồn nước cho sản xuất bị nhiễm mặn. Tất cả quy trình lấy nước phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp vụ Xuân của các xã phía Bắc của huyện Thái Thụy (trong đó có xã An Tân) đều đảm bảo độ mặn ≤ 0,6‰, đảm bảo chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình, nguyên nhân chính khiến lúa chết, phát triển kém là vì: “Do đất của xã này là đất chua mặn, đã được cải tạo tầng đất canh tác trong nhiều năm qua. Vụ lúa Xuân năm 2023, do thời tiết từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh (độ ẩm thấp, thời tiết hanh khô, lượng mưa thấp gần như không có mưa đến đầu tháng 5/2023) nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn dẫn đến tái mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa. Đặc biệt với một số hộ nông dân, do sử dụng các giống lúa không phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nên lúa phát triển kém, lúa không trổ bông được hoặc có trổ nhưng bông nhỏ, tỷ lệ lép cao là không tránh khỏi”.

lua-chet-3-.jpg
Lúa nếu có cho thu hoạch thì bông lép, chất lượng hạt lúa rất thấp

Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu đất của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) lại cho thấy điều ngược lại. Cụ thể, ngày 7/6/2023, cán bộ của Trung tâm này đã về lấy mẫu nước và đất để phân tích. Kết quả phân tích độ mặn của 5 mẫu nước ở 5 địa điểm khác nhau tại xã An Tân đều vượt quy chuẩn ≤ 0,6‰ mà Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình đưa ra. Mẫu nước mặt lấy tại sông Chung Thủy Nông – thôn Tân Phương đạt độ mặn 4,52‰ và mẫu nước mặt lấy tại sông Đặc 7 – thôn Tân Trường dù có độ mặn thấp nhất nhưng cũng đạt 2,27‰.

Đáng nói là gần 2 tháng sau, dù các đơn vị thủy nông của huyện Thái Thụy đã liên tục thau chua, rửa mặn diện tích đất bị ảnh hưởng nhưng kết quả phân tích mẫu nước, mẫu đất của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) cho thấy độ mặn vẫn ở mức cao. Cụ thể, mẫu nước mặt lấy tại sông Chung Thủy Nông – thôn Tân Phương ngày 31/7/2023 đạt độ mặn 2,47‰ và mẫu nước mặt lấy tại sông Cầu 34 – thôn Tân An dù có độ mặn thấp nhất nhưng cũng đạt 1,57‰.

Như vậy nếu đối chiếu theo tiêu chuẩn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình về độ mặn phải ≤ 0,6‰ để đảm bảo chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì kết quả phân tích mẫu nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho thấy, nguồn nước của xã An Tân có độ mặn vượt tiêu chuẩn gấp nhiều lần.

Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình vào cuộc xác minh, đưa ra kết luận cuối cùng và có câu trả lời thỏa đáng cho gần ngàn hộ dân ở xã An Tân về nguyên nhân và giải pháp khắc phục để người dân chuẩn bị cho các đợt nông vụ tiếp theo.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin…

Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường

09:30:10 25-08-2023

Người dân thì nghi do đồng ruộng bị nhiễm nước mặn nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình lại khẳng định do “hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn” dẫn đến ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây hoa màu. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước mặt […]

Đối tác của chúng tôi