Sự kiện - chuyên đề:

Thông điệp từ bức thư ngỏ gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước của một doanh nhân

Ngày 02 tháng 11 năm 2018, doanh nhân Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, Hải Phòng đã công bố bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp ông vừa được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường

Nội dung bức thư nêu “10 sự việc có thật” trong đời doanh nhân của ông. Đó là những “kiếp nạn” về thủ tục hành chính, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Bức thư là lời kêu cứu khẩn thiết của một doanh nhân, rộng hơn là của đại diện cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân; là sự đòi hỏi gay gắt và kỳ vọng lớn lao của toàn dân vào sự thay đổi thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói riêng, đất nước nói chung, nhằm đảm bảo sự chiến thắng của lợi ích Quốc gia trong cuộc chiến với các biểu hiện đa dạng của thói tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích giả tạo, tham nhũng và lợi ích nhóm.

Từ những “kiếp nạn” trong sản xuất kinh doanh…

Theo nội dung tâm thư của doanh nhân Tạ Quyết Thắng, Công ty Sơn Trường có lẽ đã bị phá sản từ lâu nếu phải vay vốn ngân hàng, vì công ty này phải mất 10 năm (2008-2018, tức dài hơn cả cuộc trường chinh oai hùng 9 năm kháng chiến chống Pháp của dân tộc) để được cấp sổ đỏ cho một khu nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn nhất miền Bắc, với số vốn đã đầu tư 170 tỷ đồng ở xã Phù Long, huyện Cát Hải.

Với diện tích đất sử dụng gồm 17ha thuê trong 50 năm, dù nhà máy đã hoạt động, nộp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng và tiền thuê đất đã được thanh toán. Nhưng công ty cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do chưa được cấp sổ đỏ, gây khó khăn cho mục tiêu huy động vốn xây dựng nhà máy hoàn thiện với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng không dám cho công ty vay vốn khi công ty chưa có giấy phép xây dựng, mở rộng sản xuất bê-tông đúc sẵn ở giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng trên lô đất 12 ha tại thị xã Sơn Tây đã có bìa đỏ từ năm 2008 và đã đầu tư giai đoạn 1, để sản xuất tấm Hollowcore, tấm tường bê tông và ống cống; dù nhà máy đã đi vào sản xuất gần được 03 năm…. Hơn nữa, Công ty thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất từ tên cũ (Trạm tư nhân Vận tải Vật tư nông nghiệp) sang tên mới, chính chủ (Công ty TNHH Sơn Trường), dù UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản số 579/ UBND-ĐC2 ngày 23/01/2015 đồng ý về mặt chủ trương cho phép Công ty TNHH Sơn Trường tiếp nhận việc chuyển giao này. Lý do “thay đổi quy hoạch” sử dụng đất của Thành phố là cơn ác mộng thực sự và kéo dài của công ty, khiến Công ty TNHH Sơn Trường không thể xin được giấy phép xây dựng, tức không được sử dụng đất, dù đã tiến hành xong giải phóng mặt bằng và sau hành trình 11 năm mới được cấp bìa đỏ thuê đất để xây dựng Nhà máy bê tông đúc sẵn tại phường Quán Toan, quận Hồng Bàng.

Lý do thay đổi quy hoạch cũng là nguyên nhân khiến dự án Nuôi tôm giống ở xã Xuân Đám, huyện Cát Hải của công ty bị dừng lại dở dang, dù trước đó UBND thành phố Hải Phòng đã có nhiều văn bản cho phép triển khai dự án và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Hiện công ty vẫn thấp thỏm chờ UBND thành phố Hải Phòng cho biết phải chờ bao lâu và số tiền đã bỏ ra cho dự án này là 17,8 tỉ đồng sẽ được giải quyết như thế nào? Đây có thể coi là 2 điển hình của tình trạng “họa vô đơn chí” từ rủi ro chính sách, khiến doanh nghiệp vừa phải đóng tiền thuê đất, vừa không được sử dụng đất, trong khi cơ quan nhà nước bình an vô sự, không giải thích, không ai chịu trách nhiệm theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, số 10/2017/QH14 ngày 20-6-2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Một kiếp nạn khác mà Công ty Sơn Trường phải trải qua với tổn phí hàng trăm tỷ đồng là việc cả tin vào lời mời gọi đầu tư của UBND tỉnh Quảng Bình theo Thông báo số 298/TB-VPUBND ngày ngày 27/2/2012; Theo đó, tỉnh này hoan nghênh công ty đầu tư nhà máy bê tông đúc sẵn tại tỉnh và cam kết sẽ cấp ngay mỏ đá và mỏ cát làm nguyên liệu sản xuất cho nhà máy. Vậy là Công ty Sơn Trường đã đầu tư một nhà máy bê-tông công suất 60.000 m3 bê tông/năm và tổng mức đầu tư 122,36 tỉ đồng và nhà máy đã đi vào sản xuất. Nhưng gần 3 năm qua đi, lời hứa của UBND tỉnh vẫn “thoảng gió bay”, việc cấp mỏ đá vẫn chỉ nằm trên giấy, buộc nhà máy phải đóng cửa, vì không thể chịu được chi phí sản xuất bằng nguồn đá mua theo giá thị trường…

… Đến “kiếp nạn” khi làm việc thiện

Trong kinh doanh bị hành đã đành, trong hoạt động từ thiện của mình, công ty cũng không dễ dàng đạt được “sở cầu như ý”, cụ thể: Công ty đã phát tâm xây tặng cây cầu nối qua sông Tam Bạc có chiều dài 140m, chiều rộng 26,4m bắc từ bến xe Tam Bạc sang khu dân cư của phường Hạ Lý, với tổng số vốn theo dự toán là gần 80 tỷ đồng. Không kể thời gian hơn 3 tháng để công ty xin tư vấn Trường đại học Hàng Hải khảo sát và thiết kế, thì thủ tục phê duyệt phải trải qua 17 lần họp, cùng vô số các văn bản khác nhau. Ngày 20/3/2017, UBND thành phố họp chốt ngày khởi công, thì phát hiện chưa có giấy phép xây dựng theo Điều 89 của luật Xây dựng 2014. Cũng may cả hệ thống chính trị vào cuộc, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định cầu vẫn được triển khai theo kế hoạch và UBND Thành phố giao cho Sở Xây dựng làm nhanh giấy phép xây dựng. Tới nay, Sở Xây dựng vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng cho cây cầu này, trong khi công ty chỉ mất 50 ngày đã xây xong cây cầu.

Tương tự, đầu năm 2017, Công ty đã nhận lời với chủ tịch UBND huyện An Dương đầu tư xây dựng cầu Hỗ Đông tặng nhân dân huyện An Dương. Cầu TNHH Sơn Trường hàng năm vẫn phải nộp tiền thuê đất, nhưng không được sử dụng sau hơn 10 năm chờ cơ quan chức năng làm có chiều dài khoảng 70m và chiều rộng 12m. Công ty đề nghị UBND huyện sớm làm thủ tục thiết kế và cấp giấy phép xây dựng cầu. Nhưng đã gần 2 năm qua mà UBND huyện cũng chưa làm xong các thủ tục cần thiết, bất chấp nhân dân hai bên đầu cầu có rất nhiều kiến nghị và bức xúc.

Đặc biệt, mới đây, ngày 28/8/2018, công ty đã khánh thành Ngôi trường mới khang trang 3 tầng,12 phòng học tặng cho trường Tiểu học Nam Sơn. Nhưng để bàn giao và đưa trường vào sử dụng theo hướng dẫn của huyện An Dương phải cần tới 23 thủ tục và thời gian 300 ngày, trong khi công ty xây dựng trường chỉ mất 30 ngày. Trộm vía, may trường hợp này không cần phải xin cấp phép xây dựng, đỡ mất từ 6-12 tháng nữa.

Thủ phạm chính: Bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, đội ngũ công chức yếu kém và vô tâm…

Đất nước muốn phát triển thì phải có đầu tư và người dân có việc làm. Đội ngũ doanh nhân có tâm huyết và trách nhiệm xã hội làm sao hăng hái khởi nghiệp sáng tạo trước rừng thủ tục hành chính quá xa với tiêu chí “Nhà nước sáng tạo” như thực tế hiện nay.

Tại sao thủ tục quản lý đất lại nhiêu khê đến thế, gây lãng phí nhiều thời gian và làm mất hết cơ hội đầu tư? Tại sao riêng tờ giấy phép xây dựng trong dự án đầu tư đã có sức mạnh vô hiệu hóa mọi văn bản pháp lý khác, nhất là giấy phép đầu tư, sổ đỏ cấp cho đất được đầu tư phù hợp các quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt? Tại sao các cơ quan có chức năng vô tình hay cố ý làm chậm (hoặc không làm) những thủ tục hành chính theo đúng trách nhiệm và quy trình, thời gian quy định của mình, tạo rủi ro chính sách và gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp (thậm chí doanh nghiệp còn bị phá sản) thì chưa thấy ai bị luận tội và đưa ra xét xử như các tội phạm hình sự, tham nhũng và trộm cắp dân sự đủ loại khác?

Bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả kèm theo đội ngũ công chức yếu kém và vô tâm sẽ đẻ ra nhiều văn bản pháp quy không phù hợp, nhanh lạc hậu chính là cái gốc sinh ra thủ tục hành chính rườm rà, tiêu cực như hiện nay. Israel có 07 triệu dân và ngành nông nghiệp chỉ có 3% dân số, nhưng tự cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu rất lớn, một phần bởi toàn bộ công chức trong nông nghiệp của họ chỉ có 78 người, kể cả Bộ trưởng. Cố tiến sĩ Alan Phan người Mỹ gốc Việt nhận xét: “Muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển phải giảm biên chế cán bộ nông nghiệp và các cấp quản lý trung gian từ 70-80%”.

Thủ tục hành chính là kẻ thù giết chết lao động lớn nhất! Bộ máy hành chính đã, đang và sẽ quyết định giàu nghèo cho mỗi quốc gia…! Lẽ nào chân lý đơn giản này không đúng trong hành trình Việt Nam Đổi mới, Hội nhập, Vươn mình sánh vai cùng thời đại…?!

Một doanh nhân người Hongkong nói với một lãnh đạo Sở Giao thông Công chính tỉnh Quảng Ninh tại Móng Cái vào tháng 10/2010: “Ở Việt Nam nếu thủ tục hành chính mà như Hongkong, thì sẽ giàu hơn Hongkong và ngược lại, ở Hongkong mà thủ tục hành chính như Việt Nam, thì sẽ nghèo hơn Việt Nam”. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương-Bộ KH&ĐT đối với 2.600 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, ngoài quốc doanh hoat động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất tại 10 địa phương năm 2016, có hơn 40% DN vừa và nhỏ phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước (có giảm so với 64% năm 2015).

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố sáng 14/3/2017, dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 DN, trong đó có trên 10.000 DN dân doanh và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì chỉ số PCI các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách. Khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp chỉ còn 17 điểm, thấp kỷ lục trong 12 năm qua.

Nhờ vậy, 65% DN hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo CPI-2016 cũng cho thấy có hai nghịch lý đáng lo ngại sau: Nghịch lý thứ nhất là ngược so với tổng thể môi trường đầu tư được cải thiện là tình trạng chậm, thậm chí nặng nề hơn về các chi phí không chính thức ở khu vực DN trong nước.

Theo đó, trung bình có khoảng 66% DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức (tức cao hơn 12 – 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 – 2013) và chúng chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ (cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm kể từ 2014 trở về trước).

Điểm nghịch lý thứ hai là hiện tượng DN tự nguyện “tra dầu bôi trơn” lớn hơn hẳn so DN bị đòi hỏi phải chi bôi trơn.

Theo VCCI, trong số 45% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016, chỉ 8% DN là bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Tỉ lệ này nhỏ hơn 5 lần so với tỉ lệ DN chủ động đưa biếu (44%). Đặc biệt, 59% các DN tin rằng hành vi chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi này là phổ biến, trở thành “luật bất thành văn”. Hơn nữa, gần 80% DN trả lời việc đưa quà là nhằm tạo lập mối quan hệ, như một “hợp đồng bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai. Sự phổ biến của chi phí bôi trơn đã bình thường tới mức hai bên mặc định cần có và khi không có thì bên cảm thấy thiếu và bên chưa an tâm. Điều này có thể thấy rõ qua báo cáo PCI 2016, khi mà có tới 88% DN ít nhiều đều gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước do không “bôi trơn”…

Trong Báo cáo kết quả giám sát lĩnh vực Thuế và Hải quan năm 2015 do VCCI công bố ngày 12/12/2015, có 55% DN cho rằng nếu không “chi thêm” thì DN sẽ bị phân biệt đối xử (tới 85% cho biết sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; 68% bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 66% gặp phải thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế).

DN là đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận. Một DN không bao giờ “chi bôi trơn” khi không bị đòi hỏi hay không mưu cầu vì lợi ích của mình. Đó là lẽ thông thường của đời sống kinh tế thị trường.Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hiện tượng DN dù làm đúng, nhưng vẫn phải có khoản phí bôi trơn do sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh tra, kiểm tra thuế…chứng tỏ chất lượng và kỷ luật công vụ của công chức thuế Việt Nam có nhiều điều đáng quan ngại. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nguyên nhân chính của việc các DN chấp nhận những khoản chi phí không chính thức là do tâm lý muốn nhanh được việc và do thái độ làm việc của một số cán bộ công chức cố tình gây nhũng nhiễu, làm khó DN.

Khi xu hướng coi việc đưa (bị động bắt buộc hoặc chủ động không bắt buộc) và liên tục gia tăng mức “chi phí không chính thức” để “bôi trơn thủ tục” được “mặc định” như một phần tất yếu của cuộc sống doanh nghiệp và các quan hệ xã hội thì độ “ô nhiễm môi trường” đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đậm đặc và tiêu cực. Bởi chúng không chỉ làm cản trở cạnh tranh lành mạnh, tăng chi phí sản xuất và giảm bớt lợi nhuận của DN, mà còn tạo kẽ hở cho thất thu NSNN vì áp thuế sai hoặc bỏ qua những sai phạm của DN, gây hại cho nhà nước, thị trường và xã hội; Hơn nữa, chúng còn tiếp tay cho các hành vi tiêu cực và vi phạm pháp luật khác, cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn trong sản xuất-kinh doanh, đầu tư công và đầu tư xã hội.

Tăng chi phí bôi trơn không chỉ làm tăng gánh nặng chi phí và thể chế của DN, gây thiệt hại chung cho xã hội, mà còn trở thành thước đo mức độ nghiêm trọng của tham nhũng, cũng như là bằng chứng cho thấy sự bất lực, kém năng lực, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước nói chung, công cuộc chống tham nhũng nói riêng. Mức độ các chi phí không chính thức tỷ lệ thuận với năng lực gây nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của một số cán bộ, và cả với sự chủ động mặc cả của chính doanh nghiệp để “tiết kiệm” một phần nghĩa vụ nộp thuế hoặc thời gian xếp hàng làm thủ tục, thậm chí để dễ “chen ngang”, vượt lên chiếm lợi thế với đối thủ của mình.

Những chi phí không chính thức chỉ có thể bị loại bỏ bằng những biện pháp chính thức đồng bộ và nhất quán…Hơn nữa, chi phí không chính thức còn là biểu hiện chính thức của tham nhũng.

Trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội sáng 28-10-2016, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã nhìn nhận, công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra,đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, Chính phủ đánh giá.Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp nêu thực trạng đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến. Bên cạnh đó cũng phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức. Một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”…

Đòi hỏi bức thiết của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân

Thực tiễn thế giới cho thấy, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng.

Vì vậy, trong thời gian tới, xóa bỏ sự mặc định sống chung với tham nhũng nói chung và chấp nhận các chi phí không chính thức nói riêng, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực đã được hiến định…Chính phủ, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và đáp ứng thông lệ quốc tế; tổng kết, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp theo hướng hiện đại, dựa trên quản lý rủi ro; tiếp tục đơn giản hoá TTHC, tăng cường công khai minh bạch, dụng công nghệ thông tin đồng bộ và toàn diện trong giải quyết TTHC và kết nối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành; Đặc biệt, các cơ quan chức năng và Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm rà soát lại các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình để cương quyết loại bỏ tất cả các khoản phí ngầm, các khoản thu không đúng chế độ để tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Đằng sau cải cách thủ tục hành chính là lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát các con dấu và chữ ký! Đằng sau bức thư ngỏ gửi lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta là lời kêu cứu khẩn thiết của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân; là sự đòi hỏi gay gắt và kỳ vọng lớn lao của toàn dân vào sự thay đổi thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói riêng, đất nước nói chung cần mang tính đột phá và thực chất… nhằm đảm bảo sự chiến thắng của lợi ích Quốc gia trong cuộc chiến với các biểu hiện đa dạng của thói tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích giả tạo, tham nhũng và lợi ích nhóm…!

Theo DNHN

 

Chia sẻ
13:28:33 01-12-2018

Ngày 02 tháng 11 năm 2018, doanh nhân Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, Hải Phòng đã công bố bức thư ngỏ gửi Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp ông vừa được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi