Sự kiện - chuyên đề:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Công nhân, lao động kỹ thuật cao là tài sản quan trọng của quốc gia

VHDN: “Lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có trình độ kỹ thuật là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài…”, đó là khẳng định của Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ với 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao của 23 tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành và tổng công ty đại diện cho hơn 6 triệu công nhân lao động trong cả nước diễn ra sáng 5-5 tại TP. Hồ Chí Minh. 

Tham dự buổi gặp gỡ còn có Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan.

Những kiến nghị của người lao động

Mở đầu phần trao đổi, anh Đinh Đăng Đoàn, Quản lý thiết bị, Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: tiền lương thuê chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc rất cao, trong khi khả năng của công nhân, lao động kỹ thuật cao cũng đáp ứng được, nhưng tiền lương trả cho người lao động (NLĐ) trong nước lại rất thấp, chưa tương xứng. Một trong những lý do là họ chưa được đào tạo, chưa có bằng cấp phù hợp. “Nhiều công nhân tay nghề rất tốt, không thua kém những quản lý, thậm chí chuyên gia nước ngoài nhưng lại nhận được mức lương rất thấp so với chuyên gia. Đó là một thiệt thòi lớn. Bên cạnh đó, chế độ khen thưởng ở doanh nghiệp cũng chưa thực sự tạo động lực cho NLĐ”, anh Đoàn nêu. Anh Đoàn cũng cho rằng, các trường cần đào tạo ngành sát với thực tế, mở các ngành mới phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao

Cùng nêu ý kiến về công tác đào tạo nghề và khuyến khích NLĐ học nghề, anh Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp vật lý giếng khoan-VSP nêu: hiện nay có tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp do việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Kể cả CNLĐ đang làm việc đi học cũng phải học quá nhiều lý thuyết.

“Theo tôi, Chính phủ quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo CNLĐ kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề hiện nay vừa để người học có động lực vừa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động cạnh tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách để doanh nghiệp tạo điều kiện cho NLĐ học tập bài bản, đóng góp hiệu quả cho doanh nghiệp, chứ không nhất thiết phải có bằng cấp đúng chuẩn mà không vận dụng vào công việc thực tế được. Chính phủ quan tâm chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chất lượng và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về năng lực nghề nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nhân, lao động kỹ thuật cao, tạo điều kiện để những người có chuyên môn giỏi sau 30 tuổi có thể phát triển thành những nhà khoa học, tổng công trình sư để phục vụ cho doanh nghiệp, đất nước”, anh Quang nêu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi công nhân Nguyễn Đình Tuyên, Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (Đồng Nai)

Trả lời ý kiến, kiến nghị của NLĐ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định việc thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn mà Bộ và các bộ, ngành liên quan đã và đang tập trung để làm sao việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ. Khắc phục tình trạng các trường “có gì đào tạo đó” hoặc “tiện đâu đào tạo đó” mà không gắn với thực tế. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ khuyến khích các trường, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo lao động ngay từ khi người học còn ngồi trên ghế nhà trường, đặt máy móc, thiết bị ngay tại trường, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành.
Riêng đối với NLĐ đang làm việc mà đăng ký tham gia vào các chương trình, các khóa đào tạo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang có nhiều chương trình hỗ trợ học phí, Chính phủ cũng cấp kinh phí cho NLĐ đi học, nhiều chương trình đào tạo như đào tạo từ xa, đào tạo theo tín chỉ, đào tạo trực tuyến cũng đang được triển khai… để NLĐ lựa chọn hình thức, phương pháp, thời gian học mọi lúc mọi nơi. “Tới đây, Bộ luật Lao động sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu đi học được tham gia đi học”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, nhiều trường đang dạy cái mình có mà chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của doanh nghiệp; công tác dự báo nhu cầu lao động, dự báo các ngành nghề mới sẽ có trong tương lai cũng hạn chế. Do đó còn tình trạng đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. “Bộ đã chỉ đạo và cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo đó, cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo bằng cách đưa kỹ sư có kinh nghiệm của doanh nghiệp đào tạo thực hành cho sinh viên, học viên; doanh nghiệp xây dựng trung tâm thực hành cho lao động mới, sinh viên thực hành. Một số trường, một số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức này và đem lại hiệu quả cao. Bộ cũng cho phép các trường chủ động đào tạo các mã ngành mà các nước tiên tiến đã có để cập nhật trình độ quốc tế.

Sự đổi mới của doanh nghiệp và tự học tập của người lao động

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, những năm gần đây đất nước phát triển nhanh về kinh tế, trong đó có nhiều nguyên nhân và có một nguyên nhân là có đội ngũ công nhân kỹ thuật cao tiếp thu nhanh các kiến thức khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để tài sản này trở thành động lực chính cho sự phát triển của đất nước, ngày càng gia tăng về số lượng, chuyên môn sâu hơn, Nhà nước phải tiếp tục đổi mới hơn, tạo chính sách thông thoáng, mở rộng quan hệ quốc tế. Có hai vấn đề rất quan trọng, đó là sự đổi mới của doanh nghiệp và đặc biệt quan trọng là NLĐ phải tự học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu mới, để không bị đào thải khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát huy những hiệu quả và những mặt trái của nó.

Phó thủ tướng cũng cho rằng, chỉ Nhà nước, NLĐ thôi thì chưa đủ, doanh nghiệp, các bộ, ngành phải có các chính sách kinh tế thực tế để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao phải được ưu đãi về thuế. Chúng ta cần phải khơi dậy khát vọng doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà mà cạnh tranh với quốc tế. NLĐ cần phải là tấm gương thể hiện tính tiên phong của giai cấp công nhân, đi đầu đổi mới và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn chính là NLĐ.

Đánh giá cao vai trò, những đóng góp của của đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: lực lượng CNLĐ có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động, chỉ có gần 19% lao động có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống CNLĐ: Tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho CNLĐ và chỗ học tập, vui chơi cho công nhân, con công nhân.

Thủ tướng đề nghị tổ chức Công đoàn cần đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho CNLĐ, trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ. Quan tâm đến hậu phương của NLĐ để NLĐ xem Công đoàn là gia đình thứ hai của mình. Công đoàn cũng phải tham gia mạnh mẽ vào vấn đề đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề để NLĐ chủ động nắm bắt cơ hội.

7 nhóm vấn đề đề xuất, kiến nghị gửi đến Thủ tướng

Tại buổi gặp gỡ, đã có 21 lượt ý kiến, kiến nghị trực tiếp của CNLĐ gửi đến Thủ tướng. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, tâm tư của đoàn viên, NLĐ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cũng gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản đề xuất, kiến nghị gồm 43 nội dung, với 7 nhóm vấn đề:

1. Kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí.

2. Kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, công nhân mỏ ngành than.

3. Kiến nghị về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.

4. Kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, các y, bác sĩ, công nhân ngành thép, ngành hàng không.

5. Kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao.

6. Kiến nghị về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao.

7. Kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.

 

Riêng đối với CNLĐ, Thủ tướng nhắn nhủ: “Chúng ta cần phải chuyển đổi để thích nghi với sự phát triển của khoa học công nghệ và những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, phải nỗ lực để học tập, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

 Phương An

12:54:43 06-05-2019

VHDN: “Lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) có trình độ kỹ thuật là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài…”, đó là khẳng định của Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ […]

Đối tác của chúng tôi