Sự kiện - chuyên đề:

Thực phẩm bẩn là nguyên nhân gây ra không ít vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến chết người, là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi chọn mua các loại thực phẩm trên thị trường.

Thực phẩm bẩn trà trộn, len lỏi vào thị trường

Lợi dụng lúc nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng… ngày càng tăng cao, các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn ra sức “nước đục thả câu”, trà trộn, len lỏi vào thị trường.

Vừa qua, sau khi nhận được nguồn tin báo của quần chúng Nhân dân, Đội Quản lý thị trường số 3 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xe ô tô BKS 15H-043.74 của ông Nguyễn Thắng Mạnh (thường trú tại huyện An Lão, TP Hải Phòng).

Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 1.800kg thịt vịt đã sơ chế (5kg/gói) có nguồn gốc từ Trung Quốc và 1.140kg trứng gà non đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Thắng Mạnh không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nêu trên.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 24 – Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy – Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh cửa hàng thương mại Phương Trang (xã La Phù, huyện Hoài Đức) đã thu giữ hơn 2.500 chân, cánh gà nhập lậu.

Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trên hàng hóa có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên.

Lực lượng Quản lý thị trường Bắc Ninh kiểm tra, phát hiện số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Nguyễn Anh

Lực lượng Quản lý thị trường Bắc Ninh kiểm tra, phát hiện số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Nguyễn Anh

Một vụ việc khác, Đội Quản lý thị trường số 9 – Cục Quản lý thị trường TP
Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Tây Hồ kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ số 4 đường nước Phần Lan, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 975kg cánh gà đông lạnh được đóng trong 65 bao tải dứa, không rõ nguồn gốc, đã biến đổi màu sắc…

Có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, chúng ta có thể thấy, thực trạng và hậu quả đã và đang diễn ra hết sức nghiêm trọng và phức tạp.

Pháp luật Việt Nam cũng đã có những chế tài xử phạt đối với những hành vi nêu trên.

Tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Theo đó, tùy từng hành vi cụ thể của đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt khác nhau tùy thuộc vào giá trị thực phẩm vi phạm.

Thông thường mức phạt tiền tối đa về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức hoặc mức phạt tối đa được áp dụng bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm như: sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy; sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

“Để khắc phục hậu quả của thực phẩm bẩn gây ra, các cơ quan tổ chức cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc các hành vi sai phạm trên địa bàn, tịch thu, buộc đóng cửa các đơn vị có dấu hiệu hoặc đang thực hiện hành vi buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn, không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.

“Và mỗi chúng ta cũng phải góp phần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân am hiểu hơn về vấn đề thực phẩm bẩn và tác hại có thể xảy ra. Chỉ sử dụng những sản phẩm có đầy đủ tem nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm định thực phẩm sạch và tìm mua ở những nơi uy tín, có thương hiệu trên thị trường” – luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

10:07:57 15-07-2023

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm; mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi chọn mua các loại thực phẩm trên thị trường. Thực phẩm bẩn trà trộn, len lỏi vào thị trường Lợi […]

Đối tác của chúng tôi