Sự kiện - chuyên đề:

Tiền Hải – Thái Bình: Hành trình 30 năm đi đòi đất hương hỏa của một thương binh nặng

VHDN: Mấy chục lá đơn trong hơn 10 năm qua vẫn chỉ là đưa đi, đưa lại. Ban đầu chỉ là nguyện vọng “xin” một miếng đất làm chỗ thờ cúng bố mẹ nhưng không xong, người thương binh nặng buộc phải làm đơn đòi lại tài sản của mình đã bị chính quyền xã lấy đi khi ông đang chiến đấu ở chiến trường?

Sự việc có thật

Từ hai lá đơn kêu cứu cuối tháng 10 năm 2018 chúng tôi tìm về thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Gặp gỡ các nhân chứng tại đây, gặp gỡ ông Quỳnh, nguyên Chủ tịch xã An Ninh, người đã xác nhận sự việc vào lá đơn của ông Phạm Ngọc Quy chuyển lên UBND huyện đề nghị giải quyết tất cả đều xác định: Ông Quy mồ côi cha mẹ từ năm lên 9 tuổi ở cùng các chị, sau đó các chị gái lần lượt đi lấy chồng. Năm 1965, ông Phạm Ngọc Quy tình nguyện nhập ngũ khi chưa tròn 18 tuổi. Tham gia chiến đấu ở hầu hết các chiến trường ác liệt: Đường 9 Nam Lào, thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Biên giới phía Bắc năm 1979. Ông là thương binh, nhiễm chất độc da cam ở chiến trường Quảng Trị.

Trước khi đi chiến đấu (năm 1965) ông có ngôi nhà 5 gian mái ngói, 3 gian bếp, cây cối hoa màu trên thửa đất 3,5 sào Bắc Bộ đã ở nhiều đời trên đó. Do có thành tích chiến đấu, năm 1974 đơn vị cho ông về phép cưới vợ tại ngôi nhà này, 6 ngày sau ông về đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Năm 1976, xã An Ninh san sủi xóm Trại gần 30 hộ dân để quy hoạch mở rộng cánh đồng 5 tấn, trong đó có gia đình ông. Cả cuộc đời binh nghiệp liên miên, năm 1980 ông mới có dịp về quê nhà để đề nghị các cấp chính quyền giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình như chế độ đã giải quyết cho gần 30 hộ dân cùng bị san ủi với gia đình ông năm 1976.

Nghĩa tình đồng đội

Gia đình có 4 chị em, ông Quy là con trai duy nhất. Ban đầu với nguyện vọng chỉ là xin được cấp một miếng đất nho nhỏ vài chục mét vuông để làm nơi hương khói cho bố mẹ nhưng không được cấp nào giải quyết, nên từ năm 1980 ông viết đơn đòi lại tài sản của mình. Hơn chục năm ròng rã, người thương binh già theo đuổi đã tác động không nhỏ đến tình cảm những người đồng đội của ông thời vào sinh ra tử. Hội Cựu chiến binh D24, E241 anh hùng trong chống Mỹ cứu nước đã nhiều lần về xã An Ninh, về huyện Tiền Hải và có đơn gửi đi nhiều nơi kiến nghị giải quyết quyền lợi chính đáng cho hội viên của mình. Trong lá đơn gửi đi các cấp có thẩm quyền và các cơ quan thông tin đại chúng, ông Nguyễn Ngọc Hát – Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Tiểu đoàn 24 anh hùng cho biết, Hội sẽ đồng hành cùng ông Phạm Ngọc Quy đi đến cùng của sự việc chính đáng này.

Vị trí nhà đất của ông Quy theo bản đồ địa chính.9

Vì sao không giải quyết?

Đến UBND huyện Tiền Hải làm việc về hai lá đơn nội dung trên, phóng viên đề nghị được gặp lãnh đạo UBND huyện nhưng không được vì lãnh đạo đi vắng. Tiếp phóng viên là Chánh văn phòng UBND huyện và bộ phận tiếp dân. Qua trao đổi, ông Chánh văn phòng cho biết UBND huyện đang cho phòng chuyên môn thẩm tra, xác minh để trả lời công dân chậm nhất đến ngày 11/11/2018.

Ngày 17/11/2018, quá thời hạn 6 ngày phóng viên gặp gỡ ông Chánh văn phòng qua điện thoại thì được biết UBND huyện vẫn đang đôn đốc các cơ quan chuyên môn xác minh sự việc nên chưa có kết quả giải quyết?

Sự việc đòi tài sản của ông Phạm Ngọc Quy đã diễn ra quá lâu, các chứng cứ để xác minh không có gì khó khăn, phức tạp, các nhân chứng vẫn còn đầy đủ. Có cần phải mất quá nhiều thời gian để “xác minh” cho sự việc này nếu chính quyền không vô cảm với khó khăn của người dân?

Câu hỏi này xin gửi đến các cơ quan chức năng của huyện Tiền Hải xem xét giải quyết.

Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này khi có thông tin mới.

Công Thoàng

Chia sẻ
08:54:32 08-12-2018

VHDN: Mấy chục lá đơn trong hơn 10 năm qua vẫn chỉ là đưa đi, đưa lại. Ban đầu chỉ là nguyện vọng “xin” một miếng đất làm chỗ thờ cúng bố mẹ nhưng không xong, người thương binh nặng buộc phải làm đơn đòi lại tài sản của mình đã bị chính quyền xã […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi