Sự kiện - chuyên đề:

Trường đào tạo nghiệp vụ BHXH: Đổi mới để phát triển nguồn nhân lực nghành BHXH

VHDN:Trường Đào tạo Nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức bộ máy của Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH. Sau 17 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị liên quan, Trường đã từng bước lớn mạnh, phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH trong giai đoạn mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định được vị thế của mình trong xã hội nói chung và trong ngành BHXH nói riêng.

Đồng chí Trần Đình Liệu – Úy viên Ban cán sự – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại lễ khai giảng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Toan- Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH cho biết: Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, một trong những yếu tố then chốt là đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức (CCVC), phát triển nguồn nhân lực cho Ngành BHXH. Với Nhà trường, đây được xem là điều kiện sống còn để khẳng định thương hiệu, là cái gốc cho sự phát triển trong tương lai.

Quả đúng vậy. Với ngành BHXH, để thực hiện mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân”, không chỉ đòi hỏi ngành có đội ngũ CCVC có phẩm chất và năng lực tốt, mà phải làm chủ được công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại. Điều đó đòi hỏi công tác bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường phải luôn đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, nhà trường đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nên đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như số lượng học viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2018, Nhà trường đã tổ chức được 294 lớp, với 26.950 học viên được bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ths.Nguyễn Ngọc Toan – Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH phát biểu tại lễ khai giảng lớp học.

Năm 2019, ngay sau khi Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ năm 2019 cho CCVC trong Ngành tại Quyết định số 179/QĐ-BHXH, Lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo các Khoa, Phòng, Cơ sở bồi dưỡng chủ động, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện kế hoạch này, nội dung, chương trình các khóa học sẽ được chia thành 02 học phần (học trực tuyến 40%, học tập trung 60%); giảng dạy theo phương pháp tăng sự tương tác giữa giảng viên và học viên; chương trình học đi sâu vào giải quyết những khó khăn,vướng mắc trong tổ chức thực hiện nghiệp vụ theo vị trí việc làm và kỹ năng xử lý tình huống (chiếm 80% thời lượng chương trình), kiến thức lý thuyết nghiệp vụ (chiếm 20% thời lượng chương trình). Đây được xem là bước đột phá trong việc đổi mới dạy và học của nhà trường nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Điểm nhấn tạo sự bứt phá trong hoạt động bồi dưỡng của năm 2019 là Nhà trường đã chủ động triển khai đa dạng các loại hình bồi dưỡng, kết hợp việc mở lớp tập trung tại 02 Cơ sở bồi dưỡng của Trường với việc tổ chức các lớp tại BHXH các địa phương; liên kết với các trường, học viện, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH, BHYT cho CCVC trong và ngoài ngành BHXH. Điển hình như: liên kết với Trường cán bộ Thanh tra tổ chức 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên; với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp vụ và tương đương; với Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý tài chính đối với chủ tài khoản và Phó giám đốc BHXH tỉnh, Phó Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Phó Chánh văn phòng BHXH Việt Nam; với Vụ Hợp tác quốc tế và Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tổ chức lớp đào tạo về tính toán định phí và cân đối quỹ hưu trí; 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định cho Tổng Công ty Bảo hiểm dầu khí PVI, 12 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức mới vào Ngành, 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức thực hiện chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tính đến ngày 31/10/2019, Trường đã tổ chức được 47 lớp với tổng số 4.045 học viên, đạt 94% kế hoạch năm, trong đó có 05 lớp ngoài kế hoạch với tổng số 321 học viên. Qua quá trình liên kết tổ chức bồi dưỡng với các cơ sở đào tạo, với nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo, vị thế của Nhà trường cũng dần được nâng lên, vừa qua, giảng viên của Nhà trường đã được Học viện chính trị Quốc gia HCM mời tham gia giảng dạy.

Tập thể Học viên lớp Bồi dưỡng về tính toán định phí và cân đối quỹ.

Bên cạnh việc tổ chức bồi dưỡng bằng hình thức tập trung, Trường đã tổ chức thực hiện có hiệu quả hình thức đào tạo trực tuyến, giúp học viên chủ động về thời gian trong quá trình học tập. Quá trình bồi dưỡng trực tuyến thực sự tiết kiệm được kinh phí, linh hoạt về thời gian, không gian, vừa giảm tải trong di chuyển, đi lại của học viên, tạo điều kiện để CCVC giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị. Việc phát triển E-learning giúp việc nghiên cứu, khai thác tài liệu của người học được thực hiện một cách liên tục và linh hoạt, được học viên và Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố đánh giá cao. Từ đầu năm đến nay, Nhà trường tập trung áp dụng bồi dưỡng trực tuyến cho học viên các lớp bồi dưỡng viên chức mới vào Ngành và lớp viên chức thực hiện các chế độ BHXH, BHTN, hiện đạt tổng số 2.039 học viên trong năm 2019.

Thời gian tới, Nhà trường sẽ bổ sung thời lượng học trực tuyến, cắt giảm khối lượng kiến thức lý thuyết cơ bản, cụ thể hóa những kiến thức nghiệp vụ bằng tình huống thực tế, tăng thời lượng thực hành kỹ năng và xử lý tình huống, nâng cao năng lực tương tác giữa giảng viên và học viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng; triển khai hình thức học từ xa, học qua mạng internet; mở rộng liên kết với cơ sở đào tạo trong cả nước. Đi liền với thực hiện CCHC có hiệu quả, nhà trường sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng CNTT trong đào tạo, tập huấn trực tuyến tại BHXH Việt Nam” và Dự án “Xây dựng studio ghi âm, ghi hình cho hệ thống đào tạo trực tuyến”… với mục tiêu cuối cùng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CCVC ngành BHXH đủ trình độ và năng lực đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với những gì tập thể Ban Giám hiệu, đội ngũ thầy cô giáo và CCVC Nhà trường đã bền bỉ xây đắp và đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng trong thời gian tới, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH sẽ nâng cấp thành Trường Đại học BHXH./.

Ngọc Châu

 

13:52:31 11-11-2019

VHDN:Trường Đào tạo Nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức bộ máy của Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH. Sau 17 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu […]

Đối tác của chúng tôi