Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa kinh doanh nền tảng phục hồi, phát triển doanh nghiệp bền vững

VHDN: “Muốn kiến tạo nên văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp hay xa hơn là của một cộng đồng doanh nghiệp, trước tiên chúng ta phải biết chúng ta đang làm cái gì, nhằm mục đích gì. Những lý tưởng chúng ta theo đuổi tốt nhất nên là những thứ có thể tạo ra giá trị, tạo ra động lực cho cộng đồng cùng tiến lên. Chỉ có như vậy, chúng ta mới hình dung ra quy mô và vị trí của mình trong xã hội tương lai, có chính sách phát triển phù hợp và sự phát triển đó mới có thể bền vững”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) về kinh nghiệm xây dựng văn hóa kinh doanh tại Sacombank sau hơn 30 năm hình thành và phát triển.

Thưa bà, như chúng ta đã biết, văn hóa kinh doanh là kim chỉ nam cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Đó chính là tác nhân hình thành nên văn hóa kinh doanh. Vậy theo bà có những yếu tố cơ bản nào để hình thành, phát triển văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành tài chính, ngân hàng?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Mọi người thường dùng rất nhiều từ hoa mỹ để nói về văn hóa kinh doanh, với tôi thì đơn giản thôi, nếu doanh nghiệp là một cơ thể thì văn hóa kinh doanh là hệ thống mạch máu nuôi dưỡng và vận hành cơ thể đó. Có rất nhiều yếu tố cấu thành nên hệ thống phức tạp này, nhưng trước nhất nó phải có điểm khởi đầu một doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh là doanh nghiệp phải biết cái gốc của mình nằm ở đâu, mình được thành lập ra nhằm mục tiêu gì, mang sứ mệnh gì. Điều này phụ thuộc vào cái tầm của những người lãnh đạo, họ khao khát muốn mang lại giá trị gì cho cộng đồng, họ khao khát muốn để lại dấu ấn như thế nào thì thành lập hoặc vận hành doanh nghiệp theo hướng đó. Bản thân việc rõ ràng về mặt sứ mệnh hoạt động cũng giúp các nhân sự trong doanh nghiệp ý thức được họ đang làm gì, đang nỗ lực mỗi ngày nhằm mục tiêu gì và công việc của họ có giá trị như thế nào.

Từ sứ mệnh, chúng ta mới tìm ra những tiêu chí để hoàn thiện sứ mệnh đó. Những tiêu chí này sẽ là cơ sở nhất quán cho những mối tương tác, vận hành, triển khai sản phẩm – dịch vụ, đánh giá và ghi nhận năng lực nhân sự. Tôi ví dụ, với ngành tài chính ngân hàng, nếu chúng ta nói rằng sứ mệnh của chúng ta là làm tăng giá trị cho cổ đông, làm tăng sự thịnh vượng cho khách hàng thì tiêu chí đầu tiên là chúng ta phải minh bạch và nhanh nhạy trong từng hoạt động của mình. Chúng ta đồng thời cũng đề ra các biện pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tiết giảm chi phí trong vận hành và tối ưu lợi nhuận.

Mặt khác, chúng ta phải trung thực với khách hàng, tư vấn cho họ những giải pháp tài chính phù hợp nhất. Cũng như, phải liên tục ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao sự bảo mật, tối ưu hóa tiện ích và nâng cấp trải nghiệm người dùng. Ở khía cạnh nội bộ, chúng ta cũng kiến tạo nên môi trường cầu tiến, ham học hỏi, mỗi nhân sự phải luôn cập nhật các kiến thức mới để không bị tụt hậu.

Với mỗi tiêu chí như vậy, được truyền qua nhiều thế hệ nhân sự, không chỉ hoàn thiện sứ mệnh mà công ty đặt ra từ đầu mà dần dần sẽ trở thành bản sắc, trở thành văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp.

Đối với Sacombank, thì văn hóa kinh doanh có vai trò, giá trị như thế nào cho sự phát triển bền vững?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Trước nhất là nó giúp chúng tôi tìm được đúng người. Ở Sacombank, nhân sự được xem là yếu tố nòng cốt khi đây là nguồn lực vận hành mọi khía cạnh hoạt động. Duy trì một lực lượng nhân sự tài năng và ổn định là điều kiện quan trọng nếu chúng tôi muốn đi đường dài. Do đó, khi chúng tôi xác định được chúng tôi là ai, phong cách làm việc của chúng tôi là gì thì chúng tôi dễ dàng tìm được cộng sự cùng lý tưởng và hạn chế tỷ lệ rời đi. Đến nay, Sacombank đã có hơn 18.000 nhân sự và tôi tự hào nói rằng đa phần trong số đó đã gắn bó cùng nhau từ những ngày đầu Sacombank được thành lập.

Quan trọng hơn hết, văn hóa kinh doanh giúp chúng tôi cải tiến mình mỗi ngày nhưng không làm mất đi bản sắc. Tôi tin rằng hầu như các doanh nghiệp đều sẽ thay đổi ít nhiều trong định nghĩa về văn hóa để phù hợp với các bước tiến của thời đại. Sacombank cũng thế, chúng tôi đã thay đổi nhiều trong phương pháp làm việc như tăng cường tương tác trên môi trường số. Minh chứng nổi bật nhất là việc chúng tôi đã triển khai thành công đại hội cổ đông trực tuyến liên tiếp 03 năm liền và xây dựng hệ thống giao tiếp trực tuyến trong nội bộ. Chúng tôi đã đề ra nhiều mô hình quản trị nhân sự mới, điển hình là lộ trình thăng tiến công khai cho từng chức danh để đáp ứng nhu cầu nâng tầm sự nghiệp của các thế hệ nhân sự trẻ nhưng giàu khát vọng. Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, chúng tôi cũng đồng thời cải tiến hệ sản phẩm dịch vụ theo hướng giảm thiểu các thao tác thủ công và đáp ứng ngày càng cụ thể hóa những nhu cầu dù là nhỏ nhất của khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải đầu tư mạnh mẽ hơn bao giờ hết nguồn lực vào chuyển đổi số, vào kỹ thuật hạ tầng, tác động gần như toàn bộ vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nhưng dù chúng tôi có thay đổi thế nào thì tất cả đều phụng sự cho điều cốt lõi là sự minh bạch, sự tận tâm và khát khao mang lại những giá trị thật cho cổ đông, cho khách hàng và cho nhân sự. Đó là bản sắc của chúng tôi, là điểm khiến chúng tôi trở nên khác biệt giữa thị trường ngày càng đa dạng.

Được biết, tại Sacombank “đồng hành cùng sự phát triển chung của cộng đồng” là một trong những giá trị, sứ mệnh của ngân hàng, vậy điều gì đã thôi thúc Sacombank xác định mục tiêu hành động vì cộng đồng ngay từ khi mới hình thành như vậy? Đã trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 và tiếp tục thích ứng, phát triển an toàn trong dịch bệnh, Sacombank đã và đang có những kế hoạch, hoạt động nào để thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng với cộng động xã hội trong giai đoạn này?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Quay trở lại cách đây hơn 30 năm, Sacombank gần như là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên được thành lập tại Việt Nam. Lúc bấy giờ, nền kinh tế quốc gia mới mở cửa, hoạt động sản xuất tuy diễn ra sôi nổi nhưng lại gặp vấn đề về vốn, ngược lại nhiều cá nhân, tập thể có nguồn vốn nhàn rỗi lại loay hoay tìm cách bảo vệ hoặc làm tăng giá trị tài sản của mình. Do đó, khi thành lập Sacombank, bên cạnh việc hỗ trợ giải quyết bài toán về quản lý tín dụng của thành phố, cái chúng tôi quan tâm là có thể cùng nhau tìm kiếm một giải pháp để điều tiết, lưu chuyển hiệu quả nguồn vốn của xã hội, thúc đẩy sản xuất và mang lại sự thịnh vượng cho cả cộng đồng. Đây là hoài bão của chúng tôi – những con người có đam mê với lĩnh vực tài chính, đồng thời là khao khát được cống hiến vì sự phát triển của quốc gia với tư cách là công dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, chúng tôi tin rằng một doanh nghiệp thịnh vượng chỉ có thể được tìm thấy trong một cộng đồng thịnh vượng. Do đó, việc đầu tư phát triển cùng cộng đồng trở thành một trong những mục tiêu trọng yếu của Sacombank.

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, không chỉ mở rộng phạm vi kinh doanh ra hầu hết các tỉnh thành Việt Nam, đồng hành cùng địa phương trong việc phát triển kinh tế, chúng tôi còn tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm kiến tạo các giá trị tinh thần, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điển hình là các chương trình như Học bổng Sacombank ươm mầm ước mơ, Ấm tình mùa Xuân hay Những bước chân vì cộng đồng… Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban ngành để duy trì hoạt động, đáp ứng xuyên suốt các nhu cầu tài chính cho khách hàng trên cơ sở an toàn phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi cũng đồng hành cùng các đơn vị y tế thông qua việc hỗ trợ các thiết bị như máy thở, khẩu trang, đồ bảo hộ, đóng góp vào Quỹ Vắc-xin… để góp phần thúc đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh.

Đến nay, với nhiều biện pháp quyết liệt từ Chính phủ, dịch bệnh đã được kiểm soát thành công, nhịp sống đang dần trở lại bình thường. Lúc này đây chúng tôi tập trung đang khai các chương trình khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng, kích cầu du lịch và khởi sắc kinh tế; đưa vào vận hành các sản phẩm – dịch vụ số để cùng khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp hiện đại hóa phương pháp quản lý tài chính, tiệm cận với các xu thế mới nhất của thế giới.

Từ nền tảng hơn 30 năm xây dựng văn hóa kinh doanh của Sacombank, bà có thể chia sẻ vài ý kiến để góp phần xây dựng nên hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam, từ đó phát triển đội ngũ doanh nhân có tâm và có tầm, thể hiện hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế?

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Như tôi đã chia sẻ, muốn kiến tạo nên văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp hay xa hơn là của một cộng đồng doanh nghiệp, trước tiên chúng ta phải biết chúng ta đang làm cái gì, nhằm mục đích gì. Những lý tưởng chúng ta theo đuổi tốt nhất nên là những thứ có thể tạo ra giá trị, tạo ra động lực cho cộng đồng cùng tiến lên.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới hình dung ra quy mô và vị trí của mình trong xã hội tương lai, có chính sách phát triển phù hợp và sự phát triển đó mới có thể bền vững.

Ở Sacombank, điều chúng tôi tự hào nhất trong suốt 30 năm qua là chúng tôi đã xây dựng được hình ảnh một thương hiệu có tâm, có tầm trong mọi khía cạnh hoạt động. Với cổ đông, chúng tôi là những người cùng chí hướng, mang hoài bão về việc dựng xây một doanh nghiệp vững mạnh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, xác lập được vị thế trên thương trường và mang lại những kết quả kinh doanh tích cực. Với khách hàng, chúng tôi là những người bạn đáng tin cậy, cung cấp cho họ những công cụ tài chính ưu việt để nâng tầm cuộc sống và cùng họ làm nên những dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Với cán bộ nhân viên, chúng tôi là những người cộng sự, cùng nhau rèn luyện, bứt phá tư duy và phát triển sự nghiệp.

Trên hết, với xã hội, chúng tôi vinh dự được là những người đồng hành, được góp tên mình trong việc kiến tạo nên nền móng của lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam. Sacombank với vị thế là một trong những ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên được thành lập, đã phát triển bằng cách cùng các cơ quan ban ngành tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề chưa từng có tiền lệ và thông qua đó đóng góp kinh nghiệm, hoàn thiện các chính sách ở tầm vĩ mô. Giờ đây, khi đã vững vàng, chúng tôi lại cùng xã hội tiến bước trên hành trình hội nhập kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của công nghệ hiện đại và số hóa toàn diện,

Đó là nền tảng văn hóa kinh doanh của chúng tôi, là hệ giá trị và là kinh nghiệm chúng tôi muốn chia sẻ đến cộng đồng.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Hạnh Dương

 

22:57:52 12-06-2022

VHDN: “Muốn kiến tạo nên văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp hay xa hơn là của một cộng đồng doanh nghiệp, trước tiên chúng ta phải biết chúng ta đang làm cái gì, nhằm mục đích gì. Những lý tưởng chúng ta theo đuổi tốt nhất nên là những thứ có thể tạo […]

Đối tác của chúng tôi