Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa ngân hàng BIDV đồng hành cùng đất nước

VHDN: Văn hóa không tự nó sinh ra hay mất đi, mà do con người sản sinh ra. Vậy, muốn xây dựng và phát triển nền văn hóa trước hết cần phải có con người văn hóa, hay nói cách khác, con người chính là nhân tố chính làm nên văn hóa của bất kỳ đơn vị nào. Xây dựng văn hóa Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) chính là xây dựng tinh thần thái độ trách nhiệm với công việc, là lối ứng xử, là ý thức tổ chức kỷ luật… của mỗi cán bộ nhân viên và được quan tâm tới những nội dung sau:

Đánh giá đúng chính mình để có hành vi ứng xử đúng với công việc đang làm

Hầu hết các dịch vụ tài chính ngân hàng ra đời đều trên cơ sở nhu cầu của đời sống kinh tế xã hội, mà nhu cầu đó ngày càng đa dạng, phong phú, phức tạp. Nhận thức sâu sắc những đặc tính ấy, các hoạt động kinh doanh được đẩy mạnh, thị phần mở rộng, đối tượng khách hàng tiềm năng ngày một nâng cao… Song còn bất cập trên nhiều phương diện như tính đa dạng của các loại hình dịch vụ, năng lực cán bộ, khả năng đổi mới, tiếp cận khoa học kĩ thuật, điều kiện cơ sở vật chất… Những vấn đề đó liên quan trực tiếp con người, đến công việc và đến sự phát triển bền vững của đơn vị. Bên cạnh đó vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra những thách thức mới cho sự phát triển của BIDV. Bởi vậy, một trong những vấn đề đặt ra là việc xây dựng và phát triển văn hóa BIDV. Đó chính là điểm nhấn, là điều làm nên nét riêng biệt của BIDV. Để làm được điều đó, trước hết cần xác định được rõ, đúng vị trí của mình hiện nay, xác định được tiềm năng, sức mạnh trong hệ thống các ngân hàng đang tồn tại và phát triển. Với tốc độ phát triển khá nhanh của nền kinh tế đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho các ngân hàng phát triển. Nhu cầu về số lượng và  chất lượng hoạt động của các ngân hàng ngày càng tăng lên, các dịch vụ ngân hàng ngày càng nhiều, cơ hội tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm từ các nước về hoạt động ngân hàng ngày càng mở rộng, ta mới thấy rõ: Mô hình tổ chức còn cồng kềnh, nền tảng khách hàng còn thiếu bền vững, sản phẩm dịch vụ đưa ra chưa đa dạng, chưa thỏa mãn được yêu cầu phát triển của xã hội, của Nhân dân. Hệ thống dịch vụ ngân hàng còn bộc lộ chất lượng tín dụng chưa được tốt, nợ xấu phát sinh, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao, chưa độc lập, tự chủ, sáng tạo trong công việc đang là những thách thức hiện nay.

Giữ cái Tâm với nghề, xây dựng chữ Tín với khách hàng 

BIDV đã sớm xác định được hướng đi cho mình. Đó là vì sự phát triển của đất nước, vì sự phồn thịnh của khách hàng. Thái độ và tinh thần phục vụ hết mình của cán bộ, nhân viên BIDV từ khi ra đời cho đến nay đã khẳng định được vị trí, tạo được niềm tin với Nhân dân. Chỉ nhìn lại quãng thời gian đổi mới (từ năm 1986 đến nay), với truyền thống lâu đời là đưa đồng vốn vào thực tế cuộc sống để tạo ra cơ sở vật chất, xây dựng nền kinh tế phát triển. Bằng chữ Tâm với nghề, từ lãnh đạo đến nhân viên BIDV đã xây dựng được chữ Tín với khách hàng. Chữ Tín ấy không xây dựng bằng những lời nói suông, bằng khẩu hiệu hô hào, mà được xây dựng bằng những việc làm thiết thực. Chính nét đẹp văn hóa ấy, việc tạo được chữ Tín ấy đã giúp BIDV khẳng định niềm tin với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người lao động trong và ngoài nước đối với thương hiệu của mình.

Với mục tiêu chiến lược của ngành là tăng trưởng từng năm, nợ xấu giảm dưới 3%. Muốn đạt được mục tiêu đó, cán bộ và nhân viên của BIDV từ tình yêu với nghề, trách nhiệm với nghiệp cần phải xác định rõ các việc cần làm, có nghĩa là từng bộ phận, từng người phải xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc trong tương lai. Cổ phần hóa BIDV. Chỉ có cổ phần hóa mới có thể xây dựng BIDV thành một tập đoàn tài chính ngân hàng mạnh đa năng. Sau khi cổ phần hóa, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước, có thể phát hành thêm cổ phiếu để thu hút thêm vốn để hoạt động của BIDV ổn định và phát triển; đảm bảo an toàn, không gây biến động lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ đó tăng cường năng lực quản trị điều hành và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tăng cường năng lực tài chính cũng như nâng cao sức cạnh tranh của BIDV trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi cổ phần hóa vẫn phải giữ được bản sắc của mình. Điều đó phụ thuộc ngay từ việc đặt tên, Logo đơn vị. Từ trước tới nay, tên tuổi, thương hiệu Ngân hàng ĐT&PT đã đi vào tiềm thức mỗi người. Từ đồng bằng, thành phố đến miền núi xa xôi hẻo lánh, qua các thời kỳ chống xâm lược và xây dựng đất nước, Ngân hàng ĐT&PT, đã trở thành dấu ấn về một thương hiệu lớn BIDV.

Đồng bộ và tăng cường các giải pháp

Chiến lược khách hàng: Một ngân hàng được thành lập mới, tồn tại, phát triển đều phải có khách hàng. Có khách hàng thì mới tạo được nền vốn. Vốn và nguồn vốn phụ thuộc vào sự hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng. Do vậy, mối quan hệ biện chứng – sinh ra ngân hàng thì phải có khách hàng và ngược lại. Do vậy, chiến lược khách hàng cần phải được chú ý hàng đầu.

Từ khi ra đời Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, nay là Ngân hàng ĐT&PT – khách hàng đầu tiên là: Các công ty, xí nghiệp xây lắp. Họ chung sống và làm việc với ngân hàng cả chục năm đằng đẵng, lúc thuận lợi, khó khăn, họ luôn sát cánh chia sẻ. Họ đã tạo nên nhiều những công trình thế kỷ, đảm bảo xây dựng giao thông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và nhiều những công việc họ làm đã tạo cho đất nước nền kinh tế phát triển, dáng dấp một đất nước hiện đại. Thời gian và lịch sử, cơ chế thay đổi, doanh nghiệp vẫn là họ, chuyển thành Tổng Công ty 90-91, thành doanh nghiệp xây lắp, thi công… Đây chính là những người bạn cũ, người bạn tri kỷ và chung thủy của ngân hàng BIDV.

Cách ứng xử, thái độ làm việc của nhân viên được xây dựng thành nề nếp, có ý thức tổ chức kỷ luật cao: Trong giai đoạn bùng phát về sự ra đời của một loạt các đơn vị tài chính, ngân hàng như hiện nay, việc nhân viên giao dịch có thái độ hách dịch, cửa quyền, kẻ cả, với tác phong làm việc lề mề, thiếu lịch sự, giao tiếp thiếu tự tin, rõ ràng không thể tạo ra niềm tin, sức thu hút với khách hàng. Những năm gần đây, những biểu hiện này tuy không còn phổ biến như thời bao cấp nhưng vẫn thấp thoáng, vẫn hiện hữu. Nếu không thay đổi kịp thời, chắc chắn khó có thể giành được thị phần khách hàng cao trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt này. Phải xây dựng bằng được ý thức cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Coi cơ quan như gia đình, làm việc vì cơ quan, đơn vị của mình, tình đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy tinh thần làm chủ, tự giác và gương mẫu. Đảng và các tổ chức quần chúng luôn giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ công nhân viên, lấy thước đo lòng yêu nghề, yêu ngành bằng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lấy tâm, lấy đức tu huấn tình bạn, tình đồng chí, tình người, cho hôm nay và cả mai sau… Khi xã hội có biến cố, cán bộ BIDV đã tự nguyện trích đồng lương, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt, thiên tai, Covid – 19, học sinh nghèo, gia đình chính sách toàn quốc… Những cử chỉ chia sẻ với cộng đồng ấy, chính là biểu hiện đẹp về văn hóa BIDV đích thực.

65 năm xây dựng, trưởng thành, BIDV có biết bao thăng trầm. Với phẩm chất, cốt cách của mình, luôn luôn đồng hành cùng đất nước, đã góp phần tích cực trong từng giai đoạn lịch sử, phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

ĐOÀN VĂN NGHỆ- Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hải Dương

 

14:39:18 11-04-2022

VHDN: Văn hóa không tự nó sinh ra hay mất đi, mà do con người sản sinh ra. Vậy, muốn xây dựng và phát triển nền văn hóa trước hết cần phải có con người văn hóa, hay nói cách khác, con người chính là nhân tố chính làm nên văn hóa của bất kỳ […]

Đối tác của chúng tôi